Thursday, July 29, 2010
NỖI BUỒN CHIM ĐA ĐA
Viết theo tâm sự của những người con gái bất hạnh.
…Có con chim đa đa, nó đậu cành đa.
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa,
Có con chim đa đa hót lời nỉ non,
Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son.
Để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa…
Tiếng hát như những lời thở than của người ca sĩ phát ra từ cái máy nghe nhạc để trên bàn ăn đã chấm dứt khá lâu, mà Loan vẫn ngồi im bất động.
Trên tay còn đang cầm miếng bánh mì nhai dở dang.
Cô gục đầu xuống bàn, mặc cho những dòng lệ lăn dài trên khóe mắt.
Từ lúc được ông Hà bảo lãnh sang Mỹ đến nay, đã gần hai năm rồi, người bạn thân thiết nhất của cô chính là cái máy nghe nhạc này.Và bản nhạc có những lời trách móc nỉ non ấy, cô đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần.
Mỗi lần nghe xong cô lại không ngăn được dòng lệ.
Cô nghe để vừa thấm thía nỗi đau trong lòng, vừa oán trách người đời đã quá dửng dưng trước những bất hạnh của kẻ khác, mà đem bán rao không thương tiếc.
-“…Mày thật có phước, được một người đàn ông như ông Hà về cưới, tuy ổng hơi lớn tuổi một chút, nhưng như thế lại lịch lãm, biết chiều chuộng, săn sóc vợ hơn là những cậu trai chỉ biết lăng quăng tán tỉnh hưu vượn.”
Bạn bè đã chúc mừng Loan một cách chân tình như thế, khi cô quyết định nhận lời lấy ông Hà qua sự giới thiệu của chú Thái:
-Cháu yên tâm đi Loan ạ ! Anh Hà là bạn của chú và cũng là một thuộc cấp của ba cháu ngày xưa. Nay ba cháu đã mất, mẹ cháu một nách mấy đứa con thơ, cuộc sống khó khăn chật vật như thế, nếu cháu bằng lòng lấy anh Hà có lẽ mẹ cháu và các em sẽ đỡ khổ phần nào.Tội nghiệp cho chị ấy ! Cả một đời chỉ biết lo lắng cho chồng con.
Mà anh Hà thì góa vợ đã mấy năm nay rồi…Đâu có gì ràng buộc…
Cái khổ của mẹ, thì Loan đã chứng kiến từ những năm còn nhỏ, khi ba mới đi tù cải tạo.
Đói ăn, thiếu mặc thường xuyên…
Có những buổi sáng, mấy chị em chia nhau vài muổng bo bo, rồi uống một ca nước lạnh thật lớn để đánh lừa bao tử, trước khi cùng với mẹ ra đại lý nhận những xấp giấy số đi bán lẻ khắp nơi.
Chẳng bao giờ cô có được những bữa ăn no lòng, chứ nói gì đến ăn ngon miệng.
Thế mà cô và đàn em bốn đứa cũng vẫn cứ như những loài cỏ hoang, vươn lên dưới ánh mặt trời, vượt qua những nắng mưa dầu dãi để sống còn cho đến khi Ba được tha về.
Cũng chỉ hơn năm sau ba lại ra đi, mà ra đi một lần miên viễn sau những tháng năm đói rét, bệnh tật trong trại tù khổ sai
Má già yếu lại càng còm cõi hơn từ dạo ấy.
Các em bây giờ cũng đã lớn bộn, nhưng vô công rỗi nghề, vì đâu được ăn học đến nơi đến chốn.
Gánh nặng trút hết lên đôi vai người chị mảnh dẻ.
Đồng lương ở một cơ sở may gia công , chắt chiu lắm cũng chẳng đủ để mua lương thực đổ vào bốn cái cối xay trong nhà.
Cô bây giờ đã trở thành môt cô gái đang ở lứa tuổi dậy thì, thắt đáy lưng ong, tóc thề buông xỏa.
Đã có đôi lần nghĩ quẩn, cô muốn buông thả, đi làm một cái nghề rất thịnh hành thời mở cửa để giúp đỡ cho mẹ và các em.
Nhưng lại bị mẹ ngăn lại bằng câu :
-“ Giấy rách phải giữ lấy lề…con ạ ! Đừng làm gì tủi vong linh ba con nhé !”
Thế nên khi ông Hà ở Mỹ về, tìm thăm lại bẹn bè cũ và được đưa đến gia đình Loan, đã là một cái tin giật gân đối với khu xóm lao động nghèo nàn này.
-Con Loan có Việt Kiều về coi mắt, đã ghê nơi đi nhe!
-Hèn chi lâu nay nó đâu thèm để ý gì đến bọn con trai trong xóm mình.
Mỗi người một câu là như là chuyện có thật vậy.
Mà họ nói vậy chứ cũng chưa đúng hẳn, bởi Loan cũng một đôi lần hò hẹn với Quang là con của Chú Tư xích lô ở đầu xóm. Họ có cảm tình với nhau, nhưng cũng chỉ mới ở mức độ nắm tay nhau mỗi lần Quang cố tình đón Loan đi làm về trễ, nơi đầu ngõ.
Thế rồi, khi ông Hà nhờ Chú Thái ngỏ lời với mẹ, thì các em cô đã nhẩy cỡn lên, mừng vui như ngày còn nhỏ được ăn đầy một bát bo bo.
Mẹ thì lặng thinh, nhìn Loan như chờ xem ý kiến của cô. Nhưng dường như trong sóng mắt của mẹ ẩn chứa một niềm vui khó tả.
-Thưa mẹ ! Mẹ và chú Thái đã lo lắng sắp đặt cho con như thế, con nào dám cãi lời ạ !
Niềm vui òa vỡ trong mắt mẹ, niềm vui tràn đầy trên mặt chú Thái và niềm vui cũng rạng rỡ nơi đôi môi cười thật tươi của ông Hà.
Chỉ có Loan là nghe trong lòng héo hắt.
Khi ông cười cũng đâu đến nỗi già lắm, chỉ mới ngoài năm mươi.
Nhờ có cuộc sống vật chất sung túc, nên trông trẻ hơn cả chục tuổi.
…Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời,
Ngày anh bốn muơi, em mới tròn đôi mươi….
Thì đã sao đâu.
Miễn mình giúp đôi vai gầy của mẹ trút bớt được gánh nặng. Các em có những bữa ăn no lòng, nhất là làm sao để cái nơi đặt tấm ảnh thờ của ba không còn bị những giọt mưa phũ phàng tuôn xuống làm nhòe nhoẹt đi nữa.
Thế là mọi thủ tục được gấp rút tiến hành, qua ngã vị hôn thê chứ không là vợ chồng,và chỉ mấy tháng sau, Loan đã có mặt trên đất nước thiên đường này.
Từ đó đến nay, cô đã thấm thía được nỗi buồn của cái cảnh:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Ông Hà chăm sóc cô từng ly từng tý, đối xử với cô thật tốt:
-Loan không cần phải đi làm, hàng tháng, anh sẽ đưa tiền em gởi về cho mẹ và các em. Học lái xe hả ? Làm gì cho phiền toái, đi đâu đã có anh là tài xế cho em được rồi. Đến những nơi hội hè đình đám chỉ thêm nhiễu sự, chốn ấy chúa là hay thị phi, dòm ngó người này, người khác…
Đã gần hai năm nay, cô yên phận trong ngôi nhà kín cổng cao tường này. Chỉ còn biết bầu bạn với cái máy hát và những bài ca đại loại như Tiếng Hát Chim Đa Đa, mấy ai thấu hiểu tâm trạng của cô…
Cô không phải là chim đa đa, mà là một loài chim kiểng được chưng trong lồng son, gác tía để mỗi ngày ra vào gậm nhấm nỗi buồn tha hương và nghe lời oán trách nỉ non :
…Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn non,
Để con chim đa đa, ngậm ngùi đành bay xa…
Thủy Gia Trang-15 năm ly xứ.
Wichita, Mùa Xuân 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment