MỤC LỤC - Bấm vào từng tháng để xem nội dung.
-
▼
2010
(30)
-
▼
January
(9)
- DƯỚI CHÂN TÒA SEN VÀNG
- CHỈ CÒN ẢO VỌNG MƯA NGÂU CA KHÚC : DƯƠNG THƯỢN...
- NIỀM VUI BẤT NGỜ ĐÊM GIÁNG SINH ! Pleiku nắng bụi,...
- MỘT THOÁNG HƯƠNG XUÂN . Tặng Chính, tặng Phụng và ...
- WICHITA ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU. Thân tặng chú Minh. W...
- CHIẾN TÍCH ĐẦU XUÂN. Tặng các chiến hữu TĐ 11 BĐQ...
- DOÀN QUÂN ĐI
- MÙA XUÂN CỦA CỌP.Tặng những phụ nữ tuổi DầnVà các ...
- Ý NHẠC HỒN THƠ
-
▼
January
(9)
Saturday, January 30, 2010
CHỈ CÒN ẢO VỌNG MƯA NGÂU
CA KHÚC : DƯƠNG THƯỢNG TRÚC
TRÌNH BÀY : QUỲNH LAN
Còn gì nữa đâu, những ngày mưa nắng qua mau,
Còn gì nữa đâu, tiếng cười chìm khuất đêm thâu.
Còn gì nữa đâu ! Còn gì nữa đâu!
Ước mơ chỉ là biển dâu.
Còn gì nữa đâu ! Còn gì nữa đâu !
Chỉ còn ảo vọng mưa Ngâu !
Và còn lại nguồn thơ.
Buồn gieo cung bậc hững hờ.
Đường tình yêu trống vắng.
Nên đời quạnh quẽ hoang vu.
Dĩ vãng khuấy hồn hoang
Dấu chân người trên cát vàng,
Gương thầm soi lưu luyến
Tìm chút dư hương muộn màng.
Pleiku nắng bụi, mưa buồn.
Môi hồng má đỏ, khơi nguồn ý thơ
-Ê ! Hải, mày về phép hồi nào, mà sao cô đơn có một mình đây vậy ?
Đang ngồi trầm ngâm bên ly kem lạnh trên đường Nguyễn Huệ, vào một buổi chiều cuối năm đẹp nắng, nhìn thiên hạ dập dìu tay trong tay, tung tăng giữa phố xá xa hoa, Hải bỗng giật mình vì một cái đập thật mạnh lên vai, đến đau điếng cùng tiếng thanh niên ồm oàm vang lên bên cạnh.
Anh ngửng đầu lên và nhận ngay ra thằng bạn học ngày xưa : Tín lùn
-Ủa Tín, mày đi đâu đây ?
-Thì cũng đi ăn kem như mày, chứ không thì đến đây làm gì, thằng này hỏi lạ thật.
-Nếu thế thì ngồi xuống đây.
-Không được, tao có cô em gái đi cùng, mày sang ngồi với tụi tao đi.
-Có gì trở ngại không ?
-Trở ngại gì mà trở ngại…
-Tao nghĩ mày đang đi với đào, nên không muốn làm kỳ đà cản mũi người ta mùi mẫn…
-Tầm xàm không hà …Em gái tao thật mà…
-Ủa mà tao nhớ nhà mày chỉ có hai thằng đực rựa, sao bây giờ lại lòi ra một cô em gái ở đâu vậy.
-Em gái thiệt mà…
-Nhìn cái mặt gian ác của mày tao nghi quá hà…
-Thằng này, đa nghi như Tào Tháo, chả bao giờ tin bạn bè cả !
-Mày tên Tín nhưng mày chẳng có chút uy tín nào, làm sao tao tin cho được…
-Từ ngày vào lính, mày bỗng trở nên lắm chuyện quá !
-Không vậy, để cho mấy thằng đệ tử nó qua mặt cái vù sao mậy.
-Thôi được rồi, cứ sang bàn tao đi, tao giới thiệu với em gái tao, rồi sẽ biết thiệt giả thế nào.
-Sang thì sang, chứ ông ngán mày à !
Hải đứng dậy, bưng cốc kem mới múc được một thìa, theo Tín sang bàn của hắn ta.
Bước đến cái bàn kê sát trong góc mà Tín vừa chỉ, bỗng tim Hải nhảy lô tô trong lồng ngực.Tâm trạng anh như lần đầu tiên đi giây tử thần, nhìn thấy mắt đất dâng lên vùn vụt bên dưới, mà hai bàn tay vẫn lóng ngóng, chưa thắng lại được.
Đầu óc anh mụ đi, chân tay thừa thãi, lưỡi líu lại.
Anh vừa chạm vào một đôi mắt đen láy, lóng lánh như hai vì sao giữa bầu trời đêm thăm thẳm, đôi mắt thu hút cả hồn anh:
“…Chết mẹ rồi, từ nãy đến giờ mình ba hoa chích chòe chắc cô bé nghe hết rồi, hổng biết cô ta nghĩ sao về mình đây …”
-Đây là Lan, em họ tao, còn thằng này là Hải, bạn học của anh ngày xưa…Nó còn có biệt danh là Hải vờ…
Cô gái khẽ mỉm cười, cúi đầu chào Hải, một nụ cười như đóa hoa hàm tiếu, còn anh thì vẫn đứng lóng ngóng vì cảm thấy xấu hổ với những lời phát ngôn bừa bãi của mình lúc nãy :
Cô gái cất giọng nhỏ nhẹ, êm dịu và thánh thót tựa cung đàn :
-Mời anh Hải ngồi ạ !
-Dạ…dạ…cám ơn cô Lan…
Hải kéo ghế ngồi xuống, đối diện với đôi mắt đen lay láy, long lanh như hai vì sao ấy, mà nghe hồn mình chông chênh.
Tín chợt phá lên cười thích thú, pha trò bằng cái giọng đểu giả, khiến nhiều người ngồi các bàn khác phài quay lại nhìn:
-Trung Úy Hải, đại đội trưởng trinh sát Biệt Động Quân bỗng trở nên lễ phép như một cậu học sinh trung học trước mặt cô giáo, từ lúc nào thế nhỉ ?
-Cái thằng khỉ gió, ăn nói xàm xỡ, bao nhiêu người nhìn mình kia kìa…
-Nhìn thì nhìn, chứ bố thằng nào dám đụng đến tao, có con cọp ngồi chình ình đây mình còn sợ gì nữa, phải không Lan ?
-Dạ …Sao họ gọi anh là… vờ ?
-Cái gì nó cũng phớt tỉnh Ăng Lê, cũng vờ vĩnh, nên mới có cái biệt danh ấy, đó Lan.
Lan lại nở một đóa hàm tiếu khác, trong khi Hải ngồi như một tượng đá.
Có phải lần đầu anh tiếp xúc với các cô gái đẹp đâu.
Mà Lan đâu phải là một tuyệt sắc giai nhân.
Không hiểu sao, anh cứ nghe tâm hồn mình xao động, chân tay luống cuống, thừa thãi một cách hết sức vô duyên.
Giọng oanh lại thỏ thẻ, lôi cái đầu óc đang mụ mẫm của anh về với thực tế.
-Anh Hải ở Biệt Động Quân hả ? Anh đóng ở đâu vậy anh Hải ?
-Vâng, tôi là Biệt Động Quân, đóng ở Biển Hồ Pleiku cô Lan ạ !
-Ồ Pleiku à, em nghe nhiều về thành phố ấy, nhưng chưa có dịp đặt chân đến…
-Ở đấy buồn lắm! Nên có ông thi sĩ đã viết câu thơ :
Đi năm phút đã về chốn cũ …mà…
-Thế nhưng Lan cũng nghe người ta nói:
Pleiku đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con…
-Cô Lan cũng biết nhiều về vùng đất ấy đấy nhỉ …
-Em ao ước một lần nào đó, được đặt chân đến vùng đất của lính ấy.
-Chẳng có gì khó khăn đâu ! Chúng tôi, những người lính rừng, rất mong được đón tiếp cô, vào một ngày đẹp trời như hôm nay…
-Cám ơn anh Hải! Anh nói thì phải giữ lời đấy nhé.
-Chắc chắn một trăm phần trăm mà !
-À ! Thế anh Hải đã được mấy cháu rồi ?
-Ơ… ơ…cháu… cháu gì cơ ?
-Trai đi có vợ, gái về có con, có vợ thì phải có con chứ …
Tếng cười châm chọc của Tín lại vang lên, khi nhìn thấy mặt thằng bạn đực ra, hắn chen vào, vẫn với giọng đùa cợt :
-Chết mày chưa, đừng tưỏng em gái tao hiền rồi bắt nạt, không dễ đâu nghe em, dân Văn Khoa đấy…
Lừ mắt nhìn bạn một cái, Hải quay sang trả lời Lan :
-Ơ ! Đó chỉ là những câu ca dao bình dân, nói cho vui miệng, chứ đâu phải là áp dụng cho tất cả mọi người đâu cô Lan. Như tôi đã đóng ở Pleiku mấy năm rồi vẫn cô đơn phòng không chiếc bóng đây thôi.Với lại đời lính chẳng biết ra sao ngày sau, nên không dám vương mang.
Khuấy nhẹ cái ly đá kêu lanh canh, Lan nói giọng xa vắng :
-Lan cũng nghĩ thế ! Đời lính thật gian lao, nguy hiểm…
Hai người trầm ngâm theo đuổi suy nghĩ riêng. Bỗng Tín lên tiếng, phá tan bầu không khí lặng lẽ ấy:
-Mày về bao giờ vậy ? Ở chơi được mấy ngày?
-Mới về chiều hôm qua, tao đi phép một tuần…
-Thế tối hôm qua mày ngủ ở đâu? Những năm trước về phép, mày vẫn đến nhà tao mà!
-Hôm qua ghé thắp cho người bạn mới tử trận vài nén hương, gặp mấy thằng cùng khóa, rủ nhau uống đến say mèm, tao cũng chẳng biết đã ngủ nhà thằng nào nữa.
-Mày nghỉ phép một tuần, hôm nay hai mươi hai tháng mười hai. Thế là mày được đón Giáng Sinh ở Saigon rồi…
-Đúng ra thì như thế, nhưng tao đã quyết định ngày mai sẽ trở lại đơn vị.
-Cái gì ? Mày có điên không vậy Hải ? Được bát phố trong ngày lễ nhộn nhịp như thế này không muốn, mà lại đòi về rừng núi trước khi hết phép.
Giọng Hải chợt trầm hẳn xuống :
-Mày làm việc ở đơn vị hành chánh, nên không thấm thía được cái tình của những người lính dành cho nhau đâu.
-Tình nào thì tình, nhưng ai có nhiệm vụ ấy, trong lúc mày đang lặn lội trong rừng, thiên hạ vẫn ăn chơi vung vít, có thằng chó nào nó nghĩ đến mày đâu !
-Thiên hạ là thiên hạ, còn tao là tao…
-Mày vẫn gàn dở như thuở nào, tao tưởng năm sáu năm trong lửa đạn, có thể giúp mày bớt lý tưởng hóa cuộc sống đi chứ ! Ai dè..
-Tao chẳng hề lý tưởng điều gì cả, chỉ là cuộc sống gian khổ với các đồng đội, đã ghi lại trong lòng tao những dấu ấn khó phai về tình huynh đệ chi binh, mà lúc trước, tao nghĩ rằng đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các văn thi nhạc sĩ, được sáng tác theo đơn đặt hàng bởi Tổng cục chiến tranh chính trị.
-Ai đời cả năm trời mới có được mấy ngày phép, không tận hưởng cho hết, lại tính trở về đơn vị…Hay mày cảm thấy cô đơn hơn những năm trước…Mà thật, bây giờ bạn bè nhập ngũ hết rồi, có còn thằng nào nữa đâu..
Lan chợt chen vào, giọng thoáng nét bâng khuâng
-Chắc anh Hải có đóa hoa biết nói đang chờ ngoài ấy chứ gì !
Hải vội chối đây đẩy:
-Làm gì có chuyện ấy, cô Lan. Lính rừng gian khổ, hiểm nguy muốn chết, lại nghèo nữa đâu có ai thèm quen…
-Lính nghèo tiền, nhưng giầu tình cảm…như anh Hải vậy đó há?
-Cám ơn Lan !
-Anh Hải nói không có ai, thế sao anh muốn trở lại Pleiku sớm vậy?
-Tôi cũng chẳng rõ nữa, hình như khi về đây, tôi cảm thấy như bị lạc lõng giữa những người xa lạ…
-Lan hiểu được tâm trạng của anh …
Hải tròn mắt nhìn cô :
-Cô nói thật à ?
-D ạ ! Lan hiểu được tâm trạng của anh, vì Lan đã đọc nhiều sách báo viết về lính. Các chuyên gia đã phân tích rất tỷ mỷ tâm trạng của những người lính từ nhiều góc độ. Anh mặc cảm rằng trong khi các đồng đội đang đối diện hiểm nguy, gian khổ mà anh thì lại ở đây nhởn nhơ ăn chơi …Nên anh không cảm thấy thoải mái…Nhưng nếu có điều kiện, anh cũng nên để tâm hồn thanh thản hoà nhập với cuộc sống hiện tại, rồi khi quay lại với chiến trường… anh cũng còn chút gì để nhớ…
Hải nở nhẹ một nụ cười, có lẽ là nụ cười đầu tiên Lan được nhìn thấy trên đôi môi người lính trẻ.
Giọng Tín vang lên, không còn mang vẻ cợt nhã nữa:
-Lan nó nói đúng đấy, Hải ạ ! Đừng quá suy nghĩ về những trách nhiệm mày tự tròng vào cổ như thế. Đất nước chung, không phải là của riêng mày …
-Tao chẳng có được cái triết lý cao xa như mày tưởng đâu, chỉ là tao thấy băn khoăn khi nhìn cuộc sống xa xí, nhộn nhịp ở thành phố và nghĩ đến các đồng đội tao mà thôi. Tao đã nộp giấy phép cho phòng quân vận để xin máy bay rồi…
- Mày đúng là một thằng khùng, người ta tìm mọi cách tránh chỗ đạn bom, mày lại húc đầu vào. Thôi chuyện ấy hãy tạm gác lại. Tối nay về nhà tao, sẽ nói tiếp. Bây giờ tao phải vào sở một chút, nhờ mày chở Lan về hộ. Có gì trở ngại không ?
-Không, làm gì mà trở ngại, được cái diễm phúc làm tài xế cho người đẹp như cô Lan đây là một vinh dự, mà có nằm mơ tao cũng không dám nghĩ đến…
-Thế mới là thằng Hải hào hoa ngày xưa chứ…Chiều nay ghé lại nhà, tụi mình kiếm cái gì làm sương sương, ôn lại ngày tháng cũ nhé !
-Mày thì uống như thằn lằn đái, chán bỏ mẹ…
-Ít ra cũng có người đối ẩm với mày là tốt rồi, đừng có mà được voi đòi tiên.
-Ừ thì cám ơn mày…thằng bạn quý…
-Này, tao giao em gái tao cho mày, phải chăm sóc thật kỹ lưỡng nghe chưa. Có gì sơ suất đừng trách ông đấy nhé…
-Tuân lịnh …
-Lan ở lại, về sau với Hải nhé, anh vào sở một tý, lát mình gặp lại.
-Dạ anh đi…
Còn lại hai người, quán cũng chẳng có them vị khách nào.
Ngoài kia, dòng suối người vẫn cuồn cuộn di chuyển.
Bây giờ Hải mới có dịp quan sát kỹ cô gái đối diện.
D áng người thanh tú, trong chiếc áo dài trắng nhu mì. Mái tóc mượt mà, óng ả buông lơi xuống cái lưng ong, khuôn mặt sáng sủa, cái mũi hơi hếch lên nghịch ngợm, ánh mắt long lanh như soi thấu tâm hồn người đối diện.
Hải thật sự đã chết chìm trong sóng mắt ấy.
Lan không có nét đẹp sắc sảo, nhưng lại có một sức thu hút lạ kỳ, khiến anh ngơ ngẩn.
Trong khi Hải kín đáo ngắm Lan, thì cô vẫn lặng lẽ dùng ngón tay thon nhỏ như búp măng, vẽ những hình ảnh vu vơ trên mặt bàn bằng kính từ những giòng nước bám quanh ly đá lạnh.
Lan biết mình đang bị chiếu tướng rất kỹ.
Nhưng cô vẫn thản nhiên.Tự dưng, cô thấy quý mến người lính rừng đa cảm này. Phải chăng, tại anh có những nét hao hao người ấy.
Phần Hải, anh thầm tự hỏi : “Người con gái trước mặt, với vóc dáng nhỏ nhắn của một cô nữ trung học, sao lại có thể làm lung lay ý tưởng đã hình thành trong mình từ buổi tối hôm qua nhỉ. “
Tự dưng bây giờ anh lại thèm khát được ở lại cái nơi có đôi mắt đã làm hồn anh ngất ngây.
Sau khi đến thắp cho Hùng mấy nén hương, anh quyết định quay trở về đơn vị trong một vài ngày, chứ không ở lại Saigon cho đến hết phép.
Nhìn di ảnh thằng bạn thân cùng khóa. Lòng anh chùng xuống, Những háo hức của bảy ngày phép giữa đô thành hoa lệ không còn đủ sức giữ chân anh lại chốn này.
Hùng đó, thằng bạn đa tài của anh đó, lúc nào cũng sôi nổi, sôi nổi từ chuyện đánh giặc cho đến chuyện uống rượu, tán gái.
Mới ra trường, đeo quai chảo chưa được hai năm, Hùng đã đặc cách lên Trung Úy. Bị thương hai lần thừa sống thiếu chết.
Về đơn vị lại lăn xả vào chiến trường.
Trên mặt trận nhậu nhẹt, nó cũng chẳng thua ai !
Rượu, nó uống từ sáng đến chiều không say. Càng uống càng nổi thi hứng. Nó làm thơ dễ dàng như người ta uống một ly chanh đường. Và giọng ngâm của nó càng tuyệt vời :
Hôm nay ta uống cho say,
Ngày mai, hai lối chân mây, cuối trời.
Những chiều dừng bước lưng đồi,
Vàng tay khói thuốc, em ơi vẫn buồn.
Càng say, hát càng hay, nên đi đến đâu, nó có bồ đến đó.
Thiên Thần Mũ Đỏ mà.
Thế mà giờ đây, nó lặng lẽ với ánh mắt buồn xa vắng trên tủ thờ giữa căn nhà đơn chiếc, một mẹ già và một người em gái tuổi đời còn non nớt.
Nó ra đi, để lại những tiếc thương, nhung nhớ cho bao người.
Tất cả mọi thứ qua đi một cách mong manh, dễ dàng.
Mới năm ngoái Hải về phép, còn gặp nó, đang hai mươi chín ngày tái khám. Hai thằng đã có những đêm say bí tỷ, mửa thốc mửa tháo ngay trên giường ngủ của những em ca ve quen thuộc.
Năm nay Hải trở về thì nó đã ra đi vĩnh viễn.
Anh cảm thấy thương cho thân phận mình, thương cho đồng đội, và thương cho lớp trai thế hệ đã, đang và sẽ đi vào những hiểm nguy, chết chóc để gìn giữ an bình cho một số người tiếp tục những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm.
Vậy mà, người con gái mới gặp lần đầu tiên lại có mãnh lực làm cho anh thấy hụt hẫng, chơi vơi về những quyết định của mình . Hải linh cảm rằng, cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là một khúc quanh trong cuộc đời anh.
-Anh Hải đang nghĩ gì mà thờ thẫn ra thế ?
Câu hỏi có vẻ thân mật của Lan lôi Hải trở lại với thực tế.
-Ồ ! Anh đang nghĩ về một người bạn…
Vô tình, anh đã thay đổi cách xưng hô với Lan, nhưng không thấy cô tỏ ý phản đối.
-Người bạn cùng đơn vị à ?
-Không, nó cùng khóa với anh, cùng có những tháng ngày gian khổ trong quân trường, cùng có những đêm gật gù, chia nhau men rượu đắng…
-Thế thì thân nhau lắm nhỉ ? Anh ấy đang đóng ở đâu ?
-Nó…nó đã hy sinh rồi…Anh mới biết tin chiều hôm qua thôi.
-Lan xin lỗi, đã vô tình khơi lại nỗi đau trong lòng anh…
-Không sao cả đâu Lan, đó là một thực tế, mình phải chấp nhận, dù có phũ phàng đến đâu…
-Hình như đó cũng chính là nguyên nhân khiến anh muốn quay trở lại đơn vị, trước khi hết phép ?
-Lan có sự nhận xét rất chính xác…
-Đôi khi là “ đồng bệnh tương lân…” thôi anh ạ !
-Lan nói vậy nghĩa là…
-Người mà em đã gởi gắm hết tình yêu thương của tuổi mới lớn, cũng vừa ra đi cách nay mấy tháng…
-Anh xin lỗi Lan…
-Anh đâu có lỗi gì, chỉ tại chúng ta là một dân tộc nhược tiểu, hết bị đô hộ bởi bọn Bắc phương, đến lũ thực dân và rồi lại bị xâu xé bởi những chủ nghĩa vô luân, nên tuổi trẻ chúng ta dành cam chịu thiệt thòi như thế đó…
Hải thật sự ngạc nhiên trước những suy nghĩ của cô gái trẻ đang ngồi trước mặt.
Hình như những tư tưởng như thế phải được phát ngôn bởi mấy nhà chính khách đạo mạo, đeo kính gọng vàng, đang gấm ghé một cái chức vụ dân cử nào đó, chứ khó có thể tin, nó lại được nói ra từ một cô gái liễu yếu đào tơ như Lan.
-Người bạn ấy của Lan ở đơn vị nào ?
-Cũng trạng tuổi anh, cũng rất tài hoa và đa sầu đa cảm…Cũng lính đồ bông, nhưng khác màu mũ…
-Thằng Hùng bạn anh, mới ra đi, cũng khác màu mũ : nó mũ đỏ, anh mũ nâu…
-Anh Hùng ở Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù ?
-Hả ? Hùng người Nam, nhà ở sau chợ Trương Minh Giảng…
-Thế ra anh ấy là bạn anh ?
-Phải ! Nó là thằng bạn mà anh vừa đến thắp nhang chiều hôm qua…
-Quả là một sự tình cờ đáng ngạc nhiên. Và đáng ngạc nhiên hơn nữa, là anh có rất nhiều nét giống anh Hùng…
- Đúng thế ! Ở trong quân trường, tụi bạn cứ nghĩ hai đứa anh là anh em ruột đó.
-Nhưng anh có vẻ điềm đạm hơn…
-Nó tài hoa hơn anh nhiều. Thế em quen Hùng trong trường hợp nào ?
-Em biết anh Hùng qua Quỳnh Hương …
-Quỳnh Hương em gái Hùng, hai người học chung lớp chăng ?
-Dạ đúng như vậy. Một lần, Hương rủ em lên Trường Bộ Binh thăm anh Hùng, trong tuần lễ anh ấy bị cắm trại. Từ đó, tụi em quen nhau, và đi dần đến tình yêu lúc nào cũng chẳng biết…
-Nói có vong hồn nó, thằng quỷ ấy mà yêu ai…
-Anh nói đúng lắm …thật ra, chỉ có em yêu anh ấy thôi, tình đơn phương mà, anh Hùng thì như con bướm, chập chờn bay lượn, chẳng bao giờ muốn dừng cánh…Anh ấy chỉ coi em như Quỳnh Hương vậy thôi. Mà em lại không biết cách biểu tỏ tình cảm của mình…
-Thảo nào…
-Thảo nào… sao anh ?
-Nhìn vào mắt Lan là cả một biển sầu mênh mông …
-Anh đang định soạn tuồng cải lương đấy à ?
-Khỏi cần, vì đã có ông soạn giả nào đó viết rồi, hình như vở tuồng có cái tựa đề : MẮT EM LÀ BỂ OAN CỪU…
Hai người cùng cười xòa để quên đi không khí ngột ngạt từ nãy đến giờ.
“…Hùng ơi ! Có phải mày ân hận vì đã bỏ qua một cuộc tình trong trắng, nên run rủi cho tao được gặp Lan chăng? Nếu phải như thế, mong mày sẽ giúp tao thành toàn ước vọng nhé !”
-Thôi mình về đi anh Hải…
-Ừ ! Thôi chúng ta về, cũng chiều lắm rồi …
Hai người lặng lẽ rời khỏi quán. Sau khi đã yên vị sau lưng Hải trên chiếc Honda 67, mà anh mượn của người bạn, Lan nói :
-Anh Hải có bận gì không ?
-Lan muốn đi đâu nữa à ?
-Dạ không, trên đường về, nếu thuận tiện, anh ghé giúp vào ngôi chợ nào đó, em mua ít thức ăn, làm cơm chiều cho gia đình và để anh với anh Tín đối ẩm.
-Thế Lan cũng ở khu Lăng Cha Cả hả?
-Dạ !
-Lan với Tín họ hàng như thế nào?
-Mẹ em là cô ruột của anh Tín.
-Trước đây Lan cũng ở khu vực ấy à?
-Dạ không, bố em làm công chức được cấp nhà ở Ngoại Ô, gia đình sống ngoài ấy. Bố mất cách nay mấy năm, rồi em lên Đại Học, nên mẹ dọn vào Saigon để tiện cho việc học hành của em. Bây giờ em và mẹ đang ở nhà của anh Tín
-Ồ ! Thế thì hay quá.
-Anh nói hay là sao ?
-Nhà của Tín thì anh ăn dầm nằm dề những năm còn đi học, bây giờ lại có em ở đấy, mỗi lần về phép, anh không còn phải cơm hàng cháo chợ nữa !
Lan cười nhẹ, hỏi :
-An Hải thường ăn cơm hàng như thế à ?
-Đi hành quân thì gạo sấy đồ hộp, về hậu cứ anh ăn trong câu lạc bộ, đi phép thì hầm bà lằn..
-Thế sao anh Hải không về với gia đình ?
-Anh đâu còn ai là thân nhân mà về…
-Xin lỗi anh Hải…
-Chẳng sao đâu Lan, anh quen rồi, những người xuất thân từ các viện mồ côi ra như anh thì nhục nhằn cơ cực nào mà chưa trải qua…
-Một lần nữa, em xin lỗi anh …
Lan nói có vẻ rất xót xa…
Sắp đến ngày lễ lớn, thiên hạ tuôn ra đường đường nườm nượp, quần là áo lượt, xe cộ chen chúc nhau bóp còi inh ỏi.
Nhịp sống của thành phố hình như chẳng bị chút ảnh hưởng nào của không khí chiến tranh.
Mọi người bình thản sống, bình thản mua sắm, bình thản ăn chơi, làm như cuộc chiến đang diễn ra chỉ cách thủ đô vài chục cây số là của một đất nước nào rất xa lạ, và của những con người nào cũng rất xa lạ.
Hải luồn lách giữa dòng xe cộ một cách khéo léo, khiến Lan phải lên tiếng:
-Anh Hải lái xe chì ghê há !
Giả vờ như không nghe, Hải hỏi lại :
-Lan nói gì ?
Lan vô tình mắc bẫy, kê đôi môi mọng đỏ vào bên tai Hải, lập lại câu nói.Cả thân người thanh tân của cô gái áp sát vào lưng anh, khiến Hải nghe như có một luồng điện cực mạnh truyền qua cơ thể.
Những sợi tóc mịn như nhung tung tăng theo gió, vờn trên mặt, trên cổ anh, gây cho Hải cảm giác nhột nhạt thích thú.
Anh muốn đoạn đường đang đi sẽ dài mãi mãi…
Hai người về đến nơi, thì Tín đã có mặt ở nhà.Hắn la bai bải:
-Mày chở cô em tao đi đâu mà mãi đến giờ này mới về vậy, thằng ma đầu kia ?
-Còn đi chợ nữa đó ông tướng ạ !
Một người phụ nữ trung niên bưóc ra, Hải đoán là mẹ của Lan nên gật đầu chào:
-Cháu chào bác ạ!
Tín vội vã giới thiệu :
-Đây là cô út tao, má của Lan đó. Còn thằng này là Hải bạn học với con từ nhỏ đó cô.Nếu nó có gì không phải, cô cứ áp dụng gia pháp thẳng tay cho con.
Cô Út phì cười với những lời đùa cợt của Tín :
-Cậu Hải ở lại đây ăn cơm chiều nay luôn nhé.
-Dạ cám ơn cô !
-Thôi chết rồi ! Tín chợt la lên, làm mọi người chưng hững.
-Chuyện gì vậy Tín ? Cô Út hỏi một cách ngạc nhiên.
-Trời ơi, không mời mà nó còn ăn dầm, nằm dề nhà con đến mục giường, mục chiếu. Bây giờ cô ngỏ lời mời, chắc nó đóng đô ở đây luôn đó cô ơi !
Mọi người lại được một tràng cười thỏa thích.
Bữa cơm chiều hôm ấy để lại những tình cảm đậm đà, không bao giờ phai mờ trong tâm hồn Hải.
Sự chăm sóc khá đặc biệt của Lan dành cho anh, ai cũng nhìn thấy rất rõ .
Anh cảm thấy thật sự hạnh phúc.
Cái hạnh phúc của kẻ lữ hành đang đi giữa sa mạc, chợt bắt gặp một bóng mát để nghỉ chân.
Nhưng đoạn đường dài còn lại, biết rằng cái bóng mát ấy có còn dành cho anh nữa không.
Như niềm hạnh phúc nhỏ nhoi anh may mắn được hưởng hôm nay, và chỉ một buổi tối hôm nay mà thôi.
Ngày mai, thì lại như thằng Hùng vẫn ngâm :
Ngày mai … rẽ lối chân mây, cuối trời.
***
Sáng hôm sau, tiễn Hải ra phi trường ngoài Tín còn có cả Lan, với đôi mắt vương vương nỗi buồn mênh mang :
-Anh Hải không thể đổi vé may bay được sao ?
-Quá muộn rồi, nếu đổi lại bây giờ chỉ có những chuyến bay sau tết Dương Lịch, mà như thế thì anh bị trễ phép mất…
-Năm sau, Lan hy vọng sẽ được gặp lại anh cũng vào mùa Giáng Sinh nhé !
-Anh thật sự không dám ước hẹn điều gì cả, Lan ạ !
-Anh đừng nói thế, Lan buồn lắm, anh biết không !
-Ừ ! Thôi, không nói thế nữa, nhưng anh ước ao có ngày nào đó được cùng Lan đón Giáng Sinh ở vùng Cao Nguyên đất đỏ kìa.
-Sẽ có một ngày, anh ạ !
Họ chia tay nhau với những tình cảm thầm kín rất mơ hồ.
Thời khói lửa đao binh, nào ai dám hẹn hò…
Nhưng từ khi về đơn vị, Hải không thể nào quên được suối tóc ấy, cái mũi hếch ấy và nhất là đôi mắt long lanh, vương bao nét sầu mộng ấy.
Có những đêm nằm giữa rừng sâu, trong cơn mơ, anh thấy mình được vuốt ve mái tóc óng ả, được đặt một nụ hôn nồng nàn lên hai vì sao lạc, đã làm ngây ngất hồn anh…
Không thể nào đè nén được tình cảm của mình, anh đã đánh liều viết thư thăm hỏi, bắt đàu từ Tín.
Được sự khích lệ của bạn. Anh đã viết thẳng cho Lan và cũng đã đưọc cô hồi âm.
Thư đi tin lại, thấm thoát cũng gần tròn năm.
Vẫn chưa ai dám thố lộ nỗi lòng.
Nhưng, những bâng khuâng trong từng trang thơ, từng dòng chữ, dường như đã bộc bạch hết những gì họ dành cho nhau.
Và chiều nay, giữa Cao Nguyên giá lạnh, từng cơn gió Đông se sắt báo hiệu đang bước vào mùa Giáng Sinh, anh nhớ đến Lan da diết, một nỗi nhớ khôn cùng…
***
Reng… reng… reng …
Tiếng chuông điện thoại trên bàn làm việc réo vang, lôi Hải ra khỏi những dòng suy nghĩ miên man, không dứt.
Anh nhìn đồng hồ đeo tay, lẩm bẩm :
-Đã hơn năm giờ chiều rồi, chả biết có lệnh lạc gì nữa đây ?
Tiếng người hạ sĩ quan quân số vang lên:
-C ái gì ? Mày muốn gặp Trung úy Hải hả ?... ờ chờ một chút nhe !Trung Úy, điện thoại của ông nè !
-Của Liên Đoàn hả ?
-Dạ không ! Ngoài Cổng Chính .
-Cổng chính gọi vào đây làm gì?
-Ông cứ nghe đi thì biết ngay mà !
Hải bước đến cầm ông nghe lên :
-A Lô ! Hải Trinh Sát nghe đây.
-Trung Úy ! Có thân nhân đến thăm, mời ông ra đưa vào.
-Cái gì ? Thân nhân đến thăm tao ?
-Dạ phải !
-Mày có lầm lẫn không vậy?
-Dạ không ! Nói rõ tên họ, cấp bậc và cả chức vụ của ông thì làm sao lầm được.
-Đàn ông hay đàn bà ?
-Dạ hổng phải đàn ông, cũng không phải đàn bà, mà là một thiếu nữ còn trẻ. Ông ra mau đi, kẻo cổ bị lạnh đó.
Hải lao vụt lên chiếc xe Jeep đậu ngay trước cửa văn phòng đại đội, đề máy nhấn ga.Chiếc xe quay một vòng rồi chồm lên như một con ngựa chứng hướng ra phía cổng chính, để lại đám bụi đỏ mờ mịt đằng sau.
-Ai đến thăm mình vậy kìa?
Tiếng bánh xe nghiến ken két trên sỏi, nghe đến rợn người ngay trước cái lô cốt chính vào cổng Liên Đoàn.
Hải nhẩy vội ba bước vào bên trong. Anh chợt sững lại: Một người con gái đang đứng co ro, khoang hai tay trước ngực, khoác hờ cái áo len xanh trên bờ vai thon thả, suối tóc buông xuống ngang lưng, và đôi mắt ấy…
Đôi mắt đã hằng đêm xuất hiện trong những giấc mơ, đang tròn xoe nhìn anh.
Không nén đưọc xúc động, nỗi xúc động đến nghẹn ngào, anh bước đến ôm chẩm lấy Lan.
Phải cô chính là Lan của một năm trước.
Cô cũng ngã đầu vào ngực anh, rưng rưng ngấn lệ.
Hai người lính gác tỏ ra biết điều, lẳng lặng bước ra ngoài hút thuốc, để cho ông thày được tự nhiên.
-Lan ! Em lên đây mà sao không cho anh biết để anh ra phi trường đón !
-Anh Hải ! …Em …em muốn dành cho anh một ngạc nhiên, bất ngờ…
-Lan ơi ! Ngày mai là lễ Giáng Sinh, đúng một năm trước, cũng ngày này, em tiễn anh ra phi trường. Có ngờ đâu, năm nay mình lại được bên nhau như thế này.
-Anh có nghĩ là em quá đưòng đột không, anh Hải ?
-Sao em lại nghĩ như thế !
-Em sợ anh vờ vĩnh, làm như không quen biết em…
Cô vừa nói vừa cười khúc khích, tiếng cười như pha lê vỡ, làm ấm áp tâm hồn Hải giữa buổi chiều Đông giá lạnh.
Nâng nhẹ cằm cô lên, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh, đã bao đêm làm anh thao thức, Hải thủ thỉ :
-Em là nàng tiên, đã đem hạnh phúc đến cho anh.Vờ vĩnh với ai kìa, chứ với em hả …không bao …vờ…
-Em biết tin năm nay anh không được đi phép vào mùa Giáng Sinh. Nên đánh liều lên đây…chỉ sợ…anh nghĩ…
-Không ! Không Lan ạ !Tuổi trẻ của chúng ta trải qua quá nhiều đau thương mất mát, chúng ta phải biết nắm giữ lấy hạnh phúc từng giây từng phút.
-Đúng ! Chúng ta không yêu cuồng, sống vội. Nhưng chúng ta cũng không nên để lỡ mất những cơ hội cho tình yêu.
-Em nói rất phải.Cơ hội chẳng đến với chúng ta nhiều lần đâu…
-Em không muốn tái phạm lầm lỡ xưa thêm một lần nữa, nên em mới có cái quyết định táo bạo này.
-Mẹ em và Tín có thái độ ra sao ?
-Cả hai đều cổ vũ em rất chân tình.
-Cám ơn mọi người, cám ơn cuộc đời…
-Phải cám ơn em nữa chứ…
-Em đã từng ao ước được đặt chân đến thành phố lính này mà, em toại nguyện rồi…
Lan nói giọng phụng phịu :
-Nếu không có người lính đa sầu đa cảm này, thì em lên đây làm gì ?
-Anh nói đùa thôi ! Ngàn lần xin cám ơn em ! Cám ơn Thượng đế đã ban cho anh một món quà vô cùng quý giá và một niềm vui bất ngờ trong đêm Giáng Sinh năm nay.
Anh dìu Lan ra xe, nói nhỏ vào tai cô :
-Em lên đây, rồi khó về lắm đó nghe Lan.
-Sao vậy, bộ chiến trường sôi động lắm hả anh?
-Hổng phải vậy .
-Chứ tại sao ?
-Vì hai câu ca dao dân gian mà năm ngoái em đọc cho anh nghe đó :
Pleiku đi dễ khó dzìa…,
Trai đi có dzợ… gái dzìa có con …mà…
Chưa có con thì … chưa về….
Mặt Lan đỏ bừng, đôi mắt mở to như hai vì sao lóng lánh, tràn trề hạnh phúc, cô vừa đấm thùm thụp vào lưng Hải, vừa nói giọng nhõng nhẽo:
-…Anh …anh… dám ghẹo em hả…
Hai người lính gác quay mặt đi chỗ khác, dấu nụ cười tủm tỉm trước niềm vui bất ngờ đến với người chỉ huy trẻ tuổi mà họ hằng quý mến, kính nể…
THỦY GIA TRANG
Giáng Sinh 2009
Mười lăm năm ly xứ
MỘT THOÁNG HƯƠNG XUÂN .
Tặng Chính, tặng Phụng và tặng...Thanh
để nhớ lại một thời dĩ vãng hoa mộng.
Mọi người nay ở phương nao ?
Thụy Thụy khẽ cựa mình, nghiêng người sang một bên.
Mắt vẫn nhắm nghiền. Anh chưa tỉnh hẳn.
Cái lạnh dìu dịu còn sót lại trong những ngày cuối Đông của Cao Nguyên đất đỏ khiến anh chẳng muốn kéo tấm chăn mỏng đang trùm kín đầu xuống.
Miệng nhạt thếch, đẩu óc lãng đãng, bồng bềnh sau một giấc ngủ dài, dưới tác dụng của thuốc mê.
Anh không biết là mình thiếp đi bao lâu, sau khi được phẩu thuật. Tất cả ý niệm về thời gian đã ra khỏi tầm kiểm soát của anh.
Trong mơ hồ, Thụy vẫn nghe tiếng nói ríu rít như chim hót, tiếng chim ròn rã những sớm mai, lúc đơn vị dừng chân ở một vùng núi đồi yên tịnh-rất hiếm hoi- nào đó, pha lẫn tràng cười tựa pha lê vỡ chập chờn lúc gần, lúc xa.
Sau cái cựa mình của anh, những âm thanh ấy vụt tắt.
Cả không gian im lìm, cô đọng, chỉ có tiếng quạt máy đang quay những vòng uể oải trên trần nhà.
Anh cảm nhận đưọc mùi ethel trộn với alcon thoang thoảng trong không khí trầm mặc ấy.
Thụy nghĩ đến màu trắng của những bức tường Quân Y Viện và nhớ lại mấy vần lục bát mới đọc được hôm nào :
Bỗng từ khoảng trống mông mênh.
Chợt quay về kiếp bồng bềnh nổi trôi.
Súng gươm bạn cũ đâu rồi ?
Ta còn ta với thân tơi tả sầu.
Trắng tay, trắng cả mái đầu.
Nghe hồn dẫy chết giữa màu tóc tang…
Phải ! Anh đang nằm đây, giữa màu trắng tang tóc của Quân Y Viện Pleiku, với một viên đạn AK xuyên qua bắp đùi, chỉ mới sáng hôm qua đây thôi .
Viên đạn nhỏ nhoi, chỉ lớn bằng ngón tay út, thế mà có thể làm thay đổi mạng số của một con người-Oái oăm thay, nó lại do chính con người tạo ra.
Chiến tranh thật tàn nhẫn, và súng đạn thật vô tình …
Những âm thanh véo von ấy tiếp tục nổi lên, dường như có sự kềm chế về cường độ, đã dứt anh ra khỏi giòng suy nghĩ miên man :
-Em nghĩ anh ta chưa tỉnh mô!
Giọng Huế của một cô gái vang lên nhè nhẹ.
Rồi tiếng người thanh niên nói giọng miền Bắc:
-Đúng thế, sớm lắm thì trưa nay anh ấy mới tỉnh dậy.Nhưng chẳng biết đâu chừng, nên em cũng phải giữ ý một chút…
-Con ni lúc mô mà chẳng rứa, anh nói với hắn chi cho mệt.
Giọng cô gái lúc đầu chen vào.
-Tau mần răng ?
-Mi lúc mô cũng láu ta, láu táu chứ mần răng !
-Mi thì hiền như ma gia hỉ ?
Người con trai xen vào giảng hòa :
-Tôi thật sự lấy làm lạ, tính tình hai cô xung khắc như nước với lửa mà có thể là bạn thân với nhau lâu dài như thế ! Bao nhiêu năm rồi nhỉ ?
-Hơn mười năm rồi đó anh à ! Từ hồi mới vô lớp mẫu giáo lận tề !
-Em với hắn là oan gia đó anh Chính ơi !
...À! thì ra người con trai tên là Chính !
-Sao ngộ vậy? Chính lên tiếng.
-Anh nghĩ coi, hai đứa có rât nhiều cái không hợp nhau…
-Thí dụ…
-Em thích màu vàng, hắn thích màu xanh…
Cô gái có giọng nói nhẹ nhàng khẽ lên tiếng :
-Em thích xem phim tình cảm, hắn thì chỉ thích những loại phim chưởng !
-Em thích toán, hắn lại ưa văn chương …Và còn nhiều thứ khác nhau lắm …
-Anh Chính biết không, Phụng giỏi toán lắm đó. Kỳ mô thầy ra bài tập hắn cũng được mười chin, hai mươi điểm không hà !
-Còn Thanh thì giỏi văn chương lắm đó anh Chính ! Lần mô có tập làm văn, bài của hắn cũng được giáo sư đọc cho mọi người nghe . Hắn còn mần thơ với thẩn nữa chứ !
Cô gái có giọng nói sôi nổi nhắc đến hai tiếng thơ thẩn cố ý kéo dài ra, nghe thật buồn cười … .…
Ồ ! Như thế là trong phòng này ngoài anh thì còn có thêm hai người con gái Huế - rất Huế nữa là đàng khác - Một cô tên Phụng có giọng nói rất sôi nổi, dứt khoát -một cô tên Thanh nói năng từ tốn - và một người thanh niên - mà anh đoán có lẽ cũng là thương binh như anh - tên Chính.
Như vậy, đây là phòng đôi !
Ra vào cái Quân y viện này đã vài ba lần nên anh cũng có chút ít hiểu biết về sự sắp xếp ở đây.
Và chắc chắn rằng một trong hai người con gái ấy là người yêu của Chính …
Sự suy đoán của anh đã được xác nhận không lâu sau đó.
Chính lên tiếng :
-Nhưng, ngẫm lại có khi đó lại chính là những yếu tố để hai cô giữ được tình bạn bền vững !
-Anh nói răng lạ rứa ! Phụng cất tiếng hỏi liền .
-Này nhé ! Hai cô có sở trường khác nhau thì bổ sung cho nhau, nếu có chung thì sẽ trở thành đối thủ rồi, chứ đâu còn là bạn nữa và hai cô chơi với nhau càng lâu thì càng tập được các đức tính tốt …
-Đức tính chi rứa anh ? Thanh hỏi nhỏ.
-Các cô biết sống cho người khác, biết chiều bạn mà hy sinh đi sở thích của mình…
-Em vẫn chưa hiểu …
-Thí dụ khi muốn đi xem phim chung với nhau, một trong hai cô phải chấp nhận cái điều mà mình không thích...
Thụy cảm thấy nực cuời với lối giải thích vừa có tính hài hước và nghe ra cũng hợp lý của người con trai .
Hai cô gái im lặng, dường như để chiêm nghiệm câu nói ấy.
-Rứa mà hắn muốn em làm phụ dâu cho hắn đó anh Chính !
Tiếng Thanh mang vẻ diễu cợt.
-Con quỷ ni! Mi bán đứng bạn bè hả !
Chính xen vào, giả đò ngạc nhiên :
-Phụng sắp lập gia đình à ? Vậy mà anh không biết chi hết. Ồ ! Mà chú rể là ai vậy kìa ?
-Thì ông Thiếu Úy Thiết Giáp tên Trần ngọc Chính chứ còn ai trồng khoai đất nì. Thanh vừa cười vừa nói .
-Anh thiệt không biết chú rể là ai hỉ ? Phụng hỏi có vẻ hờn trách.
Chính vội giả lả :
-Anh nói đùa thôi mà ! Đừng có nhũng nhẽo quá người ta cười chết. Ừ ! Thì mình nhờ Thanh làm phụ dâu !Nhưng biết tìm đâu ra phụ rể đây nhỉ ?
-Trong Chi Đoàn anh không có ai sao ? Phụng nói, giọng đã bớt vẻ giận dỗi -Có chứ !Nhưng người lớn thì lớn quá, mà người trẻ thì quá trẻ.
-Trời ui! Chứ con Thanh thì lớn với ai mà anh lo !
-Chứ mi lớn lắm hỉ ? Thanh cãi lại
-Tau sắp lập gia đình mà còn chưa lớn răng ?
-Mi cứ tưởng lập gia đình là lớn rồi hỉ, mi nghe nì: Lấy chàng từ thuở mười ba.
Đến năm mười tám thiếp đà năm con .
Ra đường thiếp hãy còn son.
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
-Ê ! Tau hơn mười bảy, gần mười tám rồi nhe …
-Ai mà chẳng biết mi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu .
-Thanh thuộc nhiều thơ văn nhỉ -Nhưng thôi ! Hai cô đừng đấu khẩu nữa. Để cho anh bạn giường bên nghỉ ngơi ! Chính chuyển đề tài.
-Qua chừ không thấy ai vô thăm anh ni hả anh Chính ? Tiếng Thanh hỏi nhè nhẹ.
-Có đó chứ !Tối qua, khi các cô ra về rồi, có mấy người vào thăm !
-Cha mẹ hay … người yêu ? Phụng tò mò hỏi .
-Không phải, hình như toàn là vợ lính không hà .
-Sao anh biết ?
-Nghe cách xưng hô anh biết liền ! Nếu là người thân thì đâu cần mở miệng ra là một điều Thiếu úy hai điều Thiếu úy.
Thanh chen vào :
-Chắc ông ni đối xử với thuộc cấp tốt lắm, nên khi bị thương mới được họ chăm sóc như rứa, anh Chính hỉ !
-Thanh nhận xét đúng đó, lúc mấy bà vào thăm, mặc dù lúc anh ấy vẫn còn mê man, nhưng họ tỏ ra chăm sóc, lo lắng như lo cho người thân vậy .
-Chứ không có ai khác à ?
-Tôi nghĩ anh ấy là người Saigon nên chẳng có thân nhân ở đây !
-Tội nghiệp quá hỉ ? Tiếng Thanh có vẻ xót xa.
-Tội nghiệp thì mi chăm sóc cho en đi !
-Con nhỏ ni nói năng dị òm ! Quen biết chi mô mà chăm sóc.
-Chừ chưa quen, nhưng mai kia không chừng lia thia quen chậu…
Nằm nghe người ta nói về mình, đôi khi cũng cảm thấy là lạ, nhưng không muốn để các cô quá xa, Thụy khẽ cựa mình một lần nữa, khiến câu nói nửa chừng của Phụng tắt ngấm. ..
Cả căn phòng lại chìm trong im lặng.
Lát sau, anh nhè nhẹ kéo tấm chăn mỏng xuống khỏi đầu .
Mở mắt he hé…
Một luồng ánh sáng ban mai rực rỡ lùa vào thị giác, khiến anh phải nhấp nháy khá lâu mới đón nhận được chúng.
Bên phải anh là khung cửa sổ rộng nhìn ra khu vườn hoa của bịnh viện-Được chăm sóc tỉ mỉ, và ngăn nắp-Dưới ánh nắng ngày vào xuân, những đóa mai vàng khoe sắc rực rỡ, pha lẫn màu đỏ của thược dược, mòng gà tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ về màu sắc và hài hòa về bố cục...
Bên trái, cách khoảng hơn ba thước là một giường bệnh khác.
Ngay đầu giường anh, là một cái bàn nhỏ, bày la liệt cam, nho, táo. Anh cũng chẳng hiểu, trong lúc còn mê man, ai đã vào đây thăm anh .
Cuối phòng là cánh cửa ra vào. Nhìn thằng ra dãy hành lang dài hun hút.
Liếc mắt nhìn sang giường bên, anh vờ lắc nhẹ đầu, như mới tỉnh giấc…
Nhờ đầu giường đã quay lên cao, nên anh dễ dàng quan sát.
Chính, người thanh niên có giọng nói miền Bắc, trạng tuổi anh, ngồi dựa lưng vào tường, cánh tay phải được băng bó kỹ lưỡng, đeo lên cổ bằng một sợi dây trắng .
Kế bên là một cô gái, mặc cái áo dài màu vàng Hoàng Yến, có khuôn mặt sáng như trăng rằm, tóc cắt bum bê, nước da hồng hào làm nổi rõ đôi mắt to, đen tròn, lộ nét thông minh, lanh lợi.
Cạnh giường, trên cái ghế dành cho khách, là một cô gái có mái tóc dài, buông xỏa xuống ngang lưng, và che hờ khuôn mặt trái xoan xinh xắn , nhưng mang nét buồn vương vất.
Nhất là đôi mắt, đôi mắt trong vắt như nước hồ Thu.
Sau khi đã xác nhận được từng người, anh khẽ nhếch môi cười, gục gặc đầu ra dáng chào hỏi…
-Anh tỉnh rồi hả ?-Người thanh niên mau miệng hỏi - Thấy trong người ra sao ? Có cần gọi y tá không ?
Thụy lắc đầu, liếm môi…Chính hiểu ý nên nói tiếp:
...Cô nào rót giúp anh ấy ly nước … Mới tỉnh dậy nên môi còn khô lắm… Phụng, cô gái ngồi một bên Chính, anh đoán như thế, và quả không sai, lên tiếng:
-Thanh ! Mi lại giúp anh ấy đi…
Cô gái tên Thanh nguýt khẽ Phụng một cái, nhưng cũng đứng dậy, bước đến bên chiếc bàn nhỏ nơi đầu giường.
Dáng người thanh mãnh, thon thả trong chiếc áo dài xanh màu da trời, may thật khéo, bước đi nhẹ nhàng như bước chân của loài sáo nhỏ…
Rót lưng cốc nước, cô rất tự nhiên, khẽ luồn tay đỡ đầu anh dậy, kê ly nước vào miệng một cách rất khéo léo .
Một mùi thơm thanh khiết từ người cô tỏa ra, nhè nhẹ len vào khứu giác, khiến anh cảm thấy ngầy ngật tâm hồn, nhấp chút nước lọc mà như vừa hớp một ngụm rượu mạnh.Cái cảm giác ấy nó chạy dài khắp châu thân anh, lan tỏa đến từng đường gân, thớ thịt .
Chưa bao giờ anh có cái xúc động lạ lùng như thế này, Thụy lắp bắp :
-Cám ơn cô …Thanh…
Cô gái mỉm cười, quay gót.
Một nụ cười vừa e ấp vừa cởi mở, như anh đã thấy nó tự lúc nào.
Khi tiếp xúc gần gủi như thế, anh phát giác ra phía dưới bờ trái của đôi mắt hồ Thu ấy có một chấm nút ruồi đen nho nhỏ, mà chỉ khi nhìn kỹ người ta mới thấy được. Thụy nghĩ thầm :
“Nốt ruồi Thương Phu Trích Lệ… cô gái này rồi sẽ khổ về đường chồng con đây…” Anh lên tiếng :
-Tôi là Thiếu Úy Thụy, Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, xin chào ba vị !
Dường như có một sự xúc động nào đó trong tâm hồn Thanh, khi nghe Thụy xưng tên, nhưng chẳng mấy ai lưu ý.
-Tôi là Chính, Thiếu Úy Thiết Giáp, người vừa rót nước cho anh là cô Thanh, còn đây là Phụng…
-Vị hôn thê của anh Chính ! Thanh chen vào trong lúc Chính còn ngập ngừng.
Một lần nữa Thụy gật đầu ra dấu chào hỏi hai cô gái.
Trong lúc đó, trí óc anh làm việc cật lực. Giọng nói và khuôn mặt của người thanh niên này khá quen, nhất là đôi mắt lé kim rất có duyên, dường như anh đã gặp gỡ ở đâu đó… Trườn người lui về phía sau, để ngảng đầu cao hơn chút nữa, anh quan sát kỹ người thanh niên và nói:
- Hình như mình đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải ?
Chính cũng ngạc nhiên nói :
-Phải ! Tôi cũng thấy anh quen lắm.
-Hay mình đã từng đi hành quân chung ?
-Không phải, vì tôi làm chuyên môn, nay thiếu quân số, tôi mới ra tham dự hai cuộc hành quân thì bị thương.
-Anh có thường uống cà phê Dinh Điền, hay đến Phượng Hoàng nhày nhót gì chăng ?
-Cà phê , tôi không thích mấy - Còn chuyện vũ trường, thì bây giờ tôi có Phụng Hoàng rồi, nên không đi Phượng Hoàng nữa…
Anh vừa nói vừa liếc mắt nhìn Phụng, khiến cô gái mắc cỡ đỏ mặt :
-Cái anh ni ! Nói năng chi dị òm !
-Thì từ hồi làm lễ đính hôn với em, anh đâu có la cà như trước nữa…
-Anh xuất thân từ quân Trường nào ?-Thụy lại lên tiếng lôi anh chàng đang mơ mộng trở về thực tại.
-Tôi khóa 7/68 Thủ Đức.
-Mình không cùng khóa …Trước đây anh học ở đâu ?
-Luật khoa mới năm đầu thì có lịnh Tổng Động Viên.
-Tôi muốn hỏi thời Trung Học kìa ! Ở Sàigòn hay Tỉnh ?
-Tôi học Sàigòn và học Trường Tư không hà !
-Trưòng nào ? Kiến Thiết-Nguyễn Bá Tòng -Hưng Đạo - Phan Sào Nam…?
Chợt cả hai cùng la to và cùng bật cười ha hả :
-Phan Sào Nam- Đệ Tam Bê Bối.
-Mày là Thụy thơ thẩn.
-Mày là Chính Lé X13.
Tràng cười sảng khái lại vang lên, mặc cho hai cô gái ngồi nhìn một cách ngơ ngác. Quả là sự tái ngộ bất ngờ. Phụng e dè lên tiếng :
-Hai anh là bạn học hỉ ? Chính mau mắn đáp :
-Đúng thế ! Bọn anh học chung lớp đệ Tam B4 - Cũng bằng lớp các cô năm nay - Nhưng phá như quỷ nhà chay nên bị gọi trại thành Tam Bê Bối.Mới đó mà đã sáu, bảy năm rồi Thụy nhỉ!
Họ đã đổi cách xưng, hồn nhiên như thời còn cắp sách đến trường :
-Ừ ! Mau thật! Sau đó mày học ở đâu ?
-Tao về Hưng Đạo, còn mày ?
-Tao qua Trường Sơn.Hết năm đệ nhất, vào Văn Khoa chỉ cà lơ phất phơ đến ngày đi lính. Chính sôi nổi : -Buồn cười thật, tụi mình học ban B mà rồi lên đại học, thằng thì theo luật, thằng theo văn chương…Phụng lại chen vào :
-Lạ hỉ ! Các anh là bạn học chung một lớp mà không nhận ra nhau. Chính giải thích :
-Em ơi ! Saigon đâu có giống như ở đây.Từ nhỏ đến lớn các em học chung một trường, thậm chí chung một lớp- Saigon hằng hà sa số trường -Nhất là bọn học sinh trường tư tụi anh-Nay trường này, mai trường khác.Hơn nữa, lại là năm Đệ Tam. Chơi nhiều hơn học-Cúp cua thường hơn đến lớp mà…Chỉ chơi thật thân với nhau mới nhớ mà thôi. Thụy góp tiếng :
-Hoặc những người nổi bật như Chính đây nè ! Hồi ấy hắn rất giỏi toán! Kỳ nào thày cho bài về nhà làm, hắn cũng được điểm cao và lên bảng sửa bài cho cả lớp - Ngoài ra, còn có tài kể chuyện kinh dị nữa, nên mọi người đặt cho biệt danh là X 13
Chính cũng hào hứng kể :
-Còn Thụy thì rất khá về văn chương ! Mấy năm trước đó, nó đã có thơ đăng báo cơ đấy. Bấy giờ mới thấy Thanh chen vào:
-Ngộ hỉ ! Răng giống như em với Phụng vậy.
- Ừ ! Giống thật ! Thụy cũng có những bài thơ được thày giáo đọc cho cả lớp nghe. Lần ấy, hắn làm bài Song Thất lục bát, giống thơ ngụ ngôn-Được thày đọc lên, có một cô gái bỏ học hai ba tuần lễ giờ Việt Văn.Tao còn nhớ lỏm bỏm mấy câu :
“Một buổi sáng trong vườn ngoạn cảnh.
Nhìn khóm mai, lòng chạnh ý hay.
Buột mồm Mai đẹp lắm thay.
Nhưng mai có biết rằng ngày trôi nhanh…
“ Gì nữa Thụy nhỉ ?
-Thôi ! Chuyện đó làm tao áy náy mãi, mày còn nhắc làm chi !
-Nhưng anh cũng nên nói cho tụi em biết đầu đuôi câu chuyện chứ ! Phụng chen vào, giọng có vẻ rất thân mật.
- Ừa ! Anh nói nghe thử đi ! Thanh cũng đồng tình .
“ …Đúng con gái là chúa tò mò…” Thụy nghĩ thầm , rồi tiếp
-Nếu các cô muốn thì tôi cũng xin kể : Năm Đệ Tam sau, khi nhập học được vài ba tuần, có một cô gái từ trường khác chuyển đến-Được xếp ngồi ở dẫy bàn ngay cạnh tôi-Chỉ biết tên là Nguyễn Thị Mai, chứ chưa một lần tiếp xúc-Nhà nghèo, lại ở ngoại ô, nên tôi phải đạp xe hàng chục cây số đến trường.Buổi trưa nọ,tình cờ thấy cô đứng đón xe Lam ở ngã ba Bình Thới, tôi dừng lại toan thăm hỏi đôi điều, dè đâu, cô quá tự cao, nghoảnh mặt đi hướng khác, không thèm nói năng chi -Tôi quê quá, tuổi trẻ bồng bột, máu tự ái nổi lên, nhất là khi ấy có thằng Nghĩa đầu bạc đạp xe đi cùng-nhân khi thầy cho đề tài thể thơ song thất lục bát -Tôi bèn viết bài thơ có tựa đề Nói Với Mai. Đọc lên, chỉ là một bài thơ ngụ ngôn bình thường-Nhưng người trong cuộc thì hiểu, và nhất là cái mồm thằng Nghĩa mày còn lạ gì ! Thế là cả lớp biết và cô ấy đã bỏ học giờ Việt Văn đúng ba tuần lễ.
-Anh đọc hết bài cho tụi em nghe đi ! Phụng háo hức.
-Tôi xin chiều các cô vậy. Bài thơ như thế này:
“ Một buổi sáng, trong vườn ngoạn cảnh.
Nhìn khóm mai lòng chạnh ý hay.
Buột mồm mai đẹp lắm thay.
Nhưng mai có biết rằng ngày trôi nhanh.
Giờ đang độ xuân xanh vừa chớm.
Hãy hưởng đi sương sớm cuộc đời.
Chứ đừng ngạo mạn khinh người.
Tỏa hương, khoe sắc, cợt cười thế nhân.
Năm tháng qua, tuổi xuân đâu nữa ?
Bướm ong chê, nhụy rữa hoa phai.
Chỉ còn lại cánh tàn mai !
Vất vào thùng rác, chẳng ai ngó ngàng…”
...Đó! Đại khái bài thơ là như thế…
-Bài thơ anh làm như rứa, ở vào trường hợp của em, có lẽ em phải nghỉ lớp học đó luôn, chứ không phải chỉ và ba tuần lễ mô . Thanh nói trong vẻ đăm chiêu.
-Tôi biết ! Lúc ấy đã quá bồng bột, nông nỗi, nên sau hai tuần lễ cô ấy vắng mặt, tôi đã phải tìm đến nhà để nhận lỗi… Và tôi cũng muốn quên đi bài thơ đó…
-Văn thơ là người, anh sinh một đứa con tật nguyền, anh đâu có quyền chối bỏ nó.
Thanh vẫn chưa bằng lòng
-Bài thơ đọc cho cả mấy chục người nghe, còn anh đến nhà, nhận lỗi với riêng cô ấy thì đâu có công bằng - Phụng lại láu táu chêm vào.Thấy cuộc tranh luận có thể sẽ đi đến chỗ gay cấn, Chính vội giàn hòa :
-Thôi bỏ qua đi ! Hơn nữa, Anh thấy Thụy chẳng có lỗi gì cả, trên đời đầy dẫy chuyện ngụ ngôn, ai cảm thấy giống trường hợp mình thì bắt đền tác giả à ?
Hai cô gái còn có vẻ ấm ức, nhưng có lẽ nghe lời Chính nên không nhắc đến chuyện ấy nữa.Thụy cười làm hòa :
-Hai cô là bạn mà giống như chị em …
-Anh nói giống chỗ mô ?-Phụng chộp liền -Về vóc dáng, về tánh tình hay cái chi khác nữa?
-Đâu có cần phải giống nhau mới là chị em, năm nay các cô đang học ôn Kim Vân Kiều mà, phải không ?
-Ý ảnh muốn nói hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đó.
Thanh góp tiếng .
-Phải ! Các cô thấy hai nhân vật ấy có điểm nào giống nhau đâu, này nhé :
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.“
Thanh đọc tiếp :
“-Kiều càng sắc sảo mặn mà .
So bề tài sắc, lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn.
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
Thụy mỉm cười nói :
-Đó thấy chưa ! Hai cô có thua kém chị em nàng Kiều đâu. Chính cũng vừa cười vừa chen vào :
-Mày chỉ khéo nịnh đầm.
-Tao nói thật đó chứ. Hai cô đều xinh xắn và có những nét y chang thi hào Tố Như diễn tả. Phụng vẫn chưa vừa ý : -Anh nói rõ xem nào ! -Cô Phụng có những nét hao hao giống...Thúy...Vân...Da trắng, mắt tròn, môi son, má phấn còn... -Anh nói em giống Thúy Kiều hỉ ? Thanh chen vào. -Cô thì...Tinh anh phát tiết ra ngoài... -Anh ví von như rứa không khéo vận vào người tụi em nớ !
-Dĩ nhiên tôi chỉ nói về nhan sắc thôi chứ về số mệnh… thì nào dám…
Chính lại chuyển đề tài :
-Thụy và Thanh có vẻ hợp nhau đấy, cùng thích và cùng giỏi về văn chương .
-Không chừng anh chẳng phải đi tìm phụ rể ở xa mô.
Phụng vừa cười vừa nói, trong lúc Thanh xí một cái dài sọc.
Chính chuyển qua hỏi Thụy :
-Mày ra đây lâu chưa ? Có một mình thôi à ?
-Hơn hai năm rồi, chẳng một mình thì với ai ?
-Em gái hậu phương đâu ?
Không hiểu sao, lúc ấy anh lại nói dối về mối tình mà anh đã yêu say đắm vài năm trước.
-Ai thèm chờ đợi thứ lính trấn thủ lưu đồn như tao với mày đây mà hỏi cho mất công.Trước kia cũng có quen một cô, nhưng từ khi tao đổi ra đây thì coi như bặt tin…Đâu có may mắn như mày, có người chăm lo săn sóc… Còn mày thì sao ?
-Từ ngày ra trường, tao thuyên chuyển ra đây và quen biết với Phụng, rồi thấy hợp, nên chúng tao đã đi đến quyết định sẽ thành hôn sau khi Phụng thi xong phần một.
-Xin chúc mừng hạnh phúc của mày…
-Không chừng phải nhờ đến mày làm phụ rể đó.
-Sẵn sàng thôi ! Tao mơ ước ngày nào đó được làm Rể chính chứ không chỉ làm rể phụ đâu.
-Tao sẽ tiếp tay với mày… Câu nói của Chính bị cắt ngang, vì một đám lính đồ bông ùa vào phòng. Đi đầu là Trung Sĩ nhất Hạnh, trung đội phó trung đội 1, An lùn mang máy truyền tin, Lễ liên lạc viên và Khiết y tá .
-Thiếu úy tỉnh rồi kìa.
-Khỏe không dzậy ông thày ?
Thụy đưa tay ngón tay trỏ lên môi ra dấu cho mọi người nói nhỏ nhẹ lại.
-Cám ơn anh em-Tôi khỏe rồi . Hôm nay không có công tác gì hay sao mà kéo cả vào đây vậy?
-Hôm nay được nghỉ xả hơi chuẩn bị đón tết, nên tụi tui vô thăm Thiếu Uý. Hồi nãy ghé đây thấy ông chưa tỉnh, mấy đứa bèn kéo nhau đi thăm Thằng Thái Bắc Kỳ trước.
-Tình trạng Thái ra sao hả anh Hạnh ?
-Dạ, còn mê man, nhưng bác sĩ nói có thể đã qua thời kỳ nguy hiểm rồi- lưng nó bị hằng chục mảnh đạn, may là không trúng chỗ nghiệt.
-Khi trái đạn nổ, Thái đã lấy thân mình để che cho tôi mà. Nó có mệnh hệ nào, chắc tôi ân hận suốt đời.Vì tôi mà lãnh nguyên một trái B 40.
Hạnh an ủi :
-Ông đừng nghĩ ngợi như thế, ai ở trong hoàn cảnh ấy, thì cũng phải xử trí như thằng Thái thôi.Thấy cấp chỉ huy trúng đạn ngã xuống mà lặng im đứng nhìn à ? Tôi nhớ cách đây hơn một năm, chính ông cũng đã chạy ra cõng Thượng Sĩ Thành về trong mưa đạn đó là thì sao.
Câu nói của Trung Sĩ Nhất Hạnh khiến ánh mắt Thanh bừng lên một niềm vui khó tả.
-Tôi ân hận vì nguyên ủy ban đầu kìa, nếu tôi nghe lời ông Đại Đội Trưởng đừng xung phong ra thì đâu nên nỗi, và Thái chẳng cần chạy ra cõng tôi, để bị thương nặng như thế.
-Chính nhờ ông ra như vậy, mới phát giác rằng địch quân đã áp sát mình rồi, chúng định thanh toán đại đội mình để làm quà mừng xuân. Ai dè khi ông xung phong, chúng tưởng đã bị lộ ý đồ, nên mở đợt tấn công luôn, trong khi pháo binh của chúng chưa sẵn sàng.
-Dẫu gì thì tôi cũng thọ ơn cứu mạng của Thái - Kết quả ngày hôm qua ra sao ? Đơn vị mình có thiệt hại nhiều không ?
-Bị thương hết mấy em, sau đó không quân lên vùng và pháo binh yểm trợ rất hữu hiệu, nên đến trưa thì chúng rút, bấy giờ mới tải thương Thiếu Úy cùng các anh em khác, rồi chuẩn bị bãi đáp để bốc đại đội về luôn.
-Bị trái B40 nổ ngay trên đầu may nhờ Thái che chở, nhưng tôi cũng mê man cho đến lúc về tới Quân Y Viện, vừa tỉnh dậy lại bị gây mê để giải phẩu, nên chẳng còn biết gì nữa.
-Cuối năm, bị bám sát, tưởng đụng trận nặng, mà chỉ bị thương có vài người là may mắn lắm rồi, ông đừng nghĩ ngợi vẫn vơ nữa, hãy tịnh dưỡng cho mau lành để trở về với anh em.
-Cám ơn anh ! - Lễ bấy giờ mới lên tiếng :
-Tụi nó ganh với mình đó Thiếu Úy !
-Ganh làm sao ?
-Tại nó thấy mình được về thành phố ăn tết, nên phá rối mình thôi chứ có gì đâu !.
Mọi người đều cười xòa, ngay cả Chính và hai cô gái nãy giờ im lặng theo dõi cuộc trao đổi của mấy thày trò Thụy, cũng phải bật cười trước ý tưởng ngộ nghĩnh của chú lính sữa Lễ.
Lễ có biệt danh là lính sữa, vì trông cậu ta còn rất trẻ con, nói năng từ từ tốn, da trắng môi hồng, nhỏ nhắn người, trông rất Babilac.
-Thôi tụi tui đến thămThiếu Úy chút, giờ còn ghé vài anh em khác nữa.Nếu mai không có công việc gì bận tụi tôi lại vô.
-Ừ thôi anh em về đi ! Cám ơn đã vào thăm tôi. Chuyển lời thăm hỏi của tôi đến tất cả mọi người nhé! Anh có biết ai đã mang cam với nho vào cho tôi không vậy ?
-À ! Của vợ Hạ Sĩ Can với Vợ Trung Sĩ Tốt đó - Chiều hôm qua, khi đơn vị về đến hậu cứ, các bà ấy nghe ông bị thương đã vội vã vào thăm ông ngay đó.
-Tội nghiệp các bà, công việc nội trợ bề bộn, còn con mọn nữa mà cũng chịu khó vào thăm tôi. Nhắn với mấy bả là tôi xin cám ơn và bảo đừng lặn lội đi như thế nữa.
-Bi chừ không có mấy mụ nớ vô thăm, ông thày cũng không cảm thấy cô đơn nữa mô !
An vừa lém lỉnh nói vừa liếc nhìn hai cô gái, khiến các cô ửng hồng đôi má.
Trong khi ấy, Thụy lại rất vô tình lên tiếng :
-Đúng vậy, Thiếu úy Chính nằm giường bên là bạn học của tôi ở Saigon ngày xưa đó.
Mọi người cùng quay sang chào Chính và tuần tự rút lui.
Trước khi rời phòng bệnh, An còn cố nói thêm một câu :
-Nhờ các chị chăm sóc giùm ôn thày của em nhe !
Hai cô gái lại một lần nữa, đỏ bừng đôi má. Căn phòng trở lại cái không khí yên tịnh ban đầu- Thanh có vẻ ưu tư, ngồi trầm ngâm không nói năng gì thêm, Phụng đùa : -Răng mi ngồi như ông thần thừ rứa Thanh ? Cô không trả lời bạn, đứng lên nói nhỏ nhẹ :
-Chừ cũng trưa rồi, em xin phép anh Chính đi về, kẻo mẹ trông.
Chính hỏi trong tiếng cười :
-Chỉ xin phép anh thôi sao ?
Thụy vội lên tiếng :
-Chiều nay Cô Thanh có vào thăm …anh …Chính không ?
Phụng chêm vào :
-Anh Chính đã có em thăm rồi. Hắn có vô thăm là thăm người khác tề.
Thanh cự nự :
-Con ni nói năng ốt dột quá đi thôi ! Em sẽ trở vô, nếu nhà không có chi bận.
Chính than thở :
-Sắp tới giờ cơm rồi, Thụy lại chưa đi đứng được, ai sẽ lo cho nó ăn uống đây cơ chứ?
Chỉ tay vào chai nước biển treo lủng lẳng trên đầu giường Thụy, cô nói:
-Anh ấy chưa ăn chi được mô ! Có thể là chiều ni mới cần đến thực phẩm.
Bước tới bên giường Thụy, cô nói khẽ, với một nụ cười thật thân thiện, qua ánh mắt ấy, Thụy thấy hình như cô có một điều gì đó muốn trao gửi đến anh:
-Anh ráng tịng dưỡng, em sẽ vô thăm anh thật sớm !
Quay sang Phụng cô tiếp :
-Mi ở lại, tau về !
Phụng tiễn bạn ra cửa.
Thụy cố trườn người lên, ngóc cao đầu hơn chút nữa, để nhìn theo tà áo dài xanh đang bay phất phơ trong gió Xuân lồng lộng, và khuất dần ở cuối dẫy hành lang dài hun hút...
Những tiếng động khe khẽ ngay bên tai, khiến Thụy choàng tỉnh giấc.
Sau khi cô y tá thay bình nước biển mới, anh lại chìm vào giấc ngủ thật sâu.
Và một giấc mơ hồng đã đưa anh đến những cảm giác mênh mang, tuyệt vời.
Anh tự hỏi tại sao mỗi lần mình nằm mơ thấy những điều hạnh phúc thì thế nào cũng bị ai đó phá vỡ - Còn khi thấy ác mộng thì chỉ một mình anh gánh chịu ?
Đời quả thật có quá nhiều điều bất công.
Anh kéo tấm chăn mỏng xuống khỏi đầu, mở mắt ra, và chưng hững vì một khuôn mặt đàn ông xa lạ đang đứng sát đầu giường anh.
- Bác … bác cần chi ?
-Thiếu Úy ! Thiếu Úy không nhận ra tui răng ?
-Bác là …?
-Tui là Thượng Sĩ Thành Thường Vụ Đại Đội 3 nì !
-Ồ ! Thượng Sĩ Thành, nhưng ông đã giải ngũ sau cái lần bị thương ở Đồi Chư Xang cách nay hơn một năm rồi cơ mà !
-Đúng như rứa ! Nhưng lần nớ không nhờ ông chạy ra cõng tui vô, thì nay tui đã xanh cỏ rồi chứ còn mô mà vô đây thăm ông !
Thụy lập lại cậu nói mà Trung Sĩ nhất Hạnh mới nói với anh sáng nay :
-Chuyện cũ xì ông nhắc lại làm chi! Ai ở vào trường hợp đó cũng phải làm như tôi mà thôi ! Huynh Đệ Chi Binh mờ . Ủa ! Sao ông biết tôi bị thương mà vào thăm vậy ?
Ông già mỉm cười không nói, quay lại phía sau gọi khe khẽ :
-Thanh ! Vô đây con !
Cô Thanh bằng xương bằng thịt từ ngoài cửa bước vào, chứ không phải như trong giấc mộng mà anh mới bị phá vỡ lúc nãy. Thụy ngạc nhiên hỏi :
-Cô Thanh đây là …
-Nó là con gái út của tui ! Sáng nay, ở Quân Y Viện về, nó cho biết có một ông Thiếu Úy Tiểu Đoàn 11 BIỆT ĐỘNG QUÂN bị thương mới nhập viện trưa hôm qua, mà tên sao giống cái tên ba thường nhắc nhở trong gia đình. Tôi bảo nó tả nhân dạng thì biết chắc đó là ông chứ không còn ai khác.Nên bảo mạ nó chuẩn bị nấu nướng một ít thức ăn đem vô cho ông dùng đỡ …
Thảo nào nụ cười sáng nay của Thanh khiến anh có cảm giác quen thuộc, vì cô rất giống cha .
Quay ra cửa ông gọi tiếp :
…Mạ nó đâu rồi hỉ ! Mang thức ăn vô đây kẻo Thiếu Úy đói bụng ! Vì tui biết ổng còn độc thân mà gia đình lại ở tận trong Saigon lận tề.
Một bà trung niên, ăn vận trang nhã bước vào.Tay sách một cái giỏ to.Có lẽ cũng sấp sỉ tứ tuần nhưng vẫn chưa phai mờ nét đẹp của thời xuân sắc.
-Đây là mạ con Thanh, còn đây là Thiếu Úy Thụy, người đã cứu cái mạng già ni ! Mà tui thường nhắc cho bà cùng sấp nhỏ nghe nớ !
Bà bước đến khẽ gật đầu chào Thụy ánh mắt mang một sự nể vì khó tả, khiến Thụy thấy vô cùng áy náy vì anh vẫn phải nằm để tiếp chuyện với khách. Bà nhẹ nhàng sắp xếp thức ăn lên đầy cái bàn nhỏ.
Thụy thật sự ngỡ ngàng vì những diễn biến xảy ra dồn dập.
Cách nay hơn một năm.Khi chạy ra khỏi phòng tuyến cõng Thượng Sĩ Thành, mặc dù lúc ấy hỏa lực của địch rót về hướng đơn vị vô cùng khốc liệt, anh chẳng hề nghĩ rằng nó lại có một cái kết cuộc bất ngờ như hôm nay.
Người chiến sĩ khi đối diện quân thù là những mãnh hỗ tung hoành chốn rừng xanh, lúc đứng trước bạn bè, chiến hữu thì lại đầy ắp tình thương yêu, che chở.
Đó là cái nhân bản của những người lính chiến đấu vì lý tưởng và có chính nghĩa. Chẳng riêng Thụy ngỡ ngàng mà Chính và Phụng từ nãy giờ cũng ngồi im lặng để chứng kiến những bất ngờ đang diễn tiến như một cuốn phim chiếu chậm, và họ cảm thấy thật sự bồi hồi xúc động trước tình cảm mà những người lính dành cho nhau.
Họ cùng quay lại nhìn Thanh, đang đứng bên giường bệnh, khép nép như cô dâu mới về nhà chồng.
Ánh mắt cô nhìn anh chứa chan thiện cảm, khiến Thụy thấy nao nao trong lòng. Và bây giờ anh cảm thấy cuộc đời không đến nỗi quá bất công đối với anh .
Ông già lại quay sang nói tiếp :
-Con lại lo cho Thiếu Úy ăn uống đi ! Trong suốt thời gian tui nằm ở đây, một tay nó chăm sóc, nên rành về chuyện nuôi bịnh lắm !
Thì ra thế ! Hèn gì khi rót nưóc cho anh uống, cô rất thành thạo.
-Bữa ni là ngày đưa ông Táo, ông chưa đi đứng được, nên đành chịu ! Chiều ba mươi, tui và mẹ con nó vô đón ông dìa nhà ăn tết với gia đình …
Quay sang con gái, ông nói tiếp :
…Con còn nghỉ học đến qua tết, nên từ hôm nay trở đi, mỗi ngày con vô đây chăm sóc cho Thìếu Úy. Có chi trở ngại không rứa con ?
Cô khép nép trả lời :
-Dạ thưa cha không có chi mô !
-Như rứa là tốt rồi !
-Thượng Sĩ …Thưa bác đừng bắt cô ấy làm như thế khiến tôi áy náy lắm…
-Có chi mô mà áy náy ..Tui mong được báo đền một chút ơn nghĩa của ông mà chờ mãi đến nay mới có dịp…
-Đó là tình đồng đội của người lính với nhau xin bác đừng coi như chuyện thi ân…
-Tui biết ! Thi ân bất cầu báo, nhưng người thọ ân mà không nhớ thì có khác chi loài vật. Chắc hẳn Thiếu Úy không muốn tui bị mang tiếng như rứa phải không nì ?
Bà mẹ cũng chen vào khiến anh hết đường chống đỡ :
-Nếu Thiếu Úy không chê nhà nghèo thì xin đừng từ chối lời mời của chúng tui !
Chính cũng phụ họa thêm :
-Mày không có thân nhân ở đây ! Đến đón tết với gia đình hai bác cho đỡ nhớ nhà cũng tốt, hơn nữa mày chẳng từng mơ ước là…
Thụy cướp lời bạn :
-…Mày đừng đùa cợt trước mặt người lớn.
Ông Thành quay sang Chính hỏi :
-Ủa hai ông biết nhau hay sao ?
Chính vội giải thích :
-Dạ ! Hai đứa cháu là bạn học ở Saigon, mới nhận được nhau sáng nay thôi. -Rứa thì quý hóa qua rồi !
Quay lại Thụy ông hỏi :
-Thiếu úy nghĩ sao ?
-Thượng Sĩ …hai … bác … đã có lòng như thế thì …cháu… cháu …đâu dám từ chối…
Căn phòng òa vỡ những tràng cười rộn rã, khiến Thụy và Thanh cùng đỏ bửng đôi má.
Những tràng cười mang niềm vui của sự kết hợp.
Hòa trong tiếng pháo đưa ông Táo từ ngoài xa văng vẳng đến khiến mọi người có cảm giác hương Xuân đang tràn ngập khắp nơi.
Hương xuân cũng đã hòa quyện trong tâm hổn đôi bạn trẻ, mà:
...Tình trong như đã, mặt ngoài còn e…
DƯƠNG THƯỢNGTRÚC.
(THỦY GIA TRANG - ĐẦU XUÂN 2008)
Thật ra, khi được đưa đến định cư một cách ngẫu nhiên tại Wichita Kansas, hắn cũng chẳng hề hay biết rằng đây là thành phố có kỹ nghệ hàng không lớn nhất nước Mỹ và có lẽ là lớn nhất thế giới.
Nó tập trung bốn hãng chế tạo máy bay, trong đó có một hãng từng đứng đầu thế giới : Boeing, Cessna, Raytheon, Learjet. Cách nay vài năm, Công ty Boeing bán một phần cơ xưởng cho một nhóm các nhà đầu tư để thành lập công ty khác, mang tên là Spirit.
Số công nhân làm việc cho năm hãng này không dưới 30,000 người, trên tổng dân số hơn 300,000 cư dân thành phố. Nên dân Việt ta, nhà nào cũng có người làm hãng máy bay, thậm chí có gia đình may mắn, có đến hai, ba người được nhận.
Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các hãng này, nên cũng thu hút khá đông thành phần lao động như : assembly, lay up, composit, sheet metal, mài lưỡi khoan, thợ tiện …
Nghành thợ tịện thì khỏi nói, thanh niên Việt Nam rất thích vì lương cao, sạch sẽ, nhẹ nhàng mà có người gọi nôm na là nghề “Nhấn nút ăn tiền“
Nói là ngẫu nhiên, vì trong hồ sơ đi H.O hắn khai muốn đến định cư tại California, và được sự bảo trợ của một ông xếp cũ, ông gọi phôn về nói :
- Cali nắng đẹp mà bạn bè lại đông, khá nhiều anh em Tiểu Đoàn 11 Biệt động quân định cư tại đây, chú mày sang khỏi bỡ ngỡ…
Ngày ra nhận vé máy bay, hắn tá hỏa, sau khi nhìn đi nhìn lại, lật ngược lật xuôi vẫn thấy không ổn. Mọi thứ đều đúng phóc, ngoại trừ nơi đến. Thành phố nào đây mà lạ quắc, lạ quơ.
- Xong rồi thì đi ra cho người khác làm việc, cha nội!
Hắn thông cảm được với sự nôn nóng của dãy người sắp hàng dài dằng dặc phía sau lưng, nên vội vàng bước tránh sang một bên.
Và tần ngần đứng đó, không biết phải hỏi ai!
Âu thì hãy cứ đợi đấy, may ra gần đến giờ nghỉ việc, sẽ có người giúp hắn. Chứ bây giờ thì bố bảo, hắn cũng chẳng dám mở miệng.
Hắn lặng thinh quan sát các cô làm việc, phải thành thật mà công nhận rằng các cô ở đây đều rất đẹp. Ăn mặc hợp thời trang, chỉ hơi tiếc một điều : phải chi thỉnh thoảng các cô nở một nụ cười thì trọn vẹn biết bao! Nhưng có lẽ, đối với các cô đó là một thứ xa xí phẩm.
Công việc căng thẳng quá, nên các cô không cười chăng?
Không hẳn, vì theo trình tự công việc các cô làm thì thấy cũng giản đơn lắm.
Nhận giấy báo, dò danh sách, tìm phong bì đựng vé máy bay ngay trong ngăn kéo dưới gầm bàn, hai việc này đều được sắp xếp theo mẫu tự ABC nên cũng dễ tìm, trao vé cho đương sự kiểm soát lại, ký tên nhận vé. Chấm hết!
Một người làm việc bình thường, không cần cố gáng lắm, thì giải quyết một hồ sơ như thế chắc chỉ tốn độ chừng 4 đến 5 phút. Vậy mà, các cô nhẩn nha có khi đến 30 phút.
Hình như các cô làm hết giờ, chứ không phải hết việc.
Vì hắn thấy các cô nhìn đồng hồ đeo tay luôn.
Thế thì không thể nói rằng vì công việc căng thẳng mà các cô thiếu vắng nụ cười. Cách giải thích duy nhất là: các anh chẳng xứng đáng để được nhận cái món xa xí phẩm!
-Này! Anh kia, có vé rồi, sao không chịu đi, còn đứng đó, chật chội chỗ người ta làm việc.
Hắn giật mình, bước sán đến gần bàn làm việc, chìa cái phong bì có đựng 4 tấm vé máy bay ra trước mặt, trả lời vội vã:
-Thưa cô, nơi đến không đúng như trong hồ sơ tôi đã điền, chắc có chi lầm lẫn.
- Không có lầm lẫn gì cả! Vẫn thường xảy ra như thế. Đến ngày lên lịch bay, mà người bảo trợ của anh không liên lạc, họ sẽ xếp anh vào loại đầu trọc, không người bảo trợ, và đưa anh đi bất cứ nơi đâu ! Nếu anh không đồng ý thì trả vé lại, về nhà làm đơn khiếu nại, đem đến đây, sẽ giải quyết sau!
Như bị điện giật, hắn đút ngay cái phong bì vào túi, miệng lắp bắp :
-Không không! Cám ơn cô! Đi đến đâu cũng được …
Khi bước nhanh ra ngoài, tai hắn còn nghe tiếng cô gái chửi với theo:
-Rõ là đồ ngớ ngẩn, sao không chịu hỏi người bảo trợ, mà làm phiền ở đây!
Hắn tự hỏi, không biết ai ngớ ngẩn, vì nếu liên lạc được với người bảo trợ thì hắn đã rõ cả rồi!
May mà hắn còn kịp ngưng câu nói giữa chừng :
“ …Đi đến đâu cũng được …miễn rời khỏi Việt Nam …”
Trả vé lại! Có mà điên! Hồ sơ đi theo trình tự thì may ra mình còn có điều kiện để theo dõi đường đi nước bước của nó. Chứ cái thứ khiếu nại, khiếu tố thì cứ gọi là chờ “Mút mùa Lệ Thủy“. Hồ sơ đóng mốc đóng meo trong ngăn kéo, nhưng nếu đến hỏi thì sẽ được trả lời là đang nghiên cứu -Hắn có quá nhiều kinh nghiệm đau thương trong vấn đề này rồi! Chớ có dại!
Nhà cửa bán hết rồi, có mà ra gầm cầu! Gầm cầu chưa chắc đã có chỗ, vì đã bị đám cái bang miền Bắc tràn vào chiếm cứ hết rồi, léng phéng đến đó chúng đánh cho phù mỏ. Nghĩ đến đám ăn xin này, hắn lắc đầu ngao ngán, cho không vừa ý là chửi ngay, mà đã là bố thí thì tùy hảo tâm thôi chứ! Một lần ngay tại nhà hắn:
-Nhà bác trông phúc hậu thế, mà lại bủn xỉn keo kiệt làm vậy. Mẹ con cháu bốn người lặn lội từ miền Bắc vào đây, nhà bác cho nửa bơ gạo, có mà chết đói à ! Ai cũng như nhà bác thì mẹ con cháu đã rục xương dọc đường rồi, có đâu vào được đến trong này. Thôi nhà bác để dành mà đem xuống cho ông bà tổ tiên nhà bác đi nhé!
Hắn còn đang ngơ ngẩn vì bị mắng một thôi, một hồi thì mụ đã ngoe nguẩy kéo theo ba đứa con phá như quỷ nhà chay, bỏ đi một nước, sau khi đã để lại cho hắn cái nguýt dài hàng kilomét.
Lần khác, tại nhà một anh bạn, vốn là giáo chức, bị “Mất Dậy “ sau khi miền nam sụp đổ, có nhà mặt đường, nên bày ra bán buôn vớ vẩn, độ nhật qua ngày.
Mới ra tù, hắn ghé thăm bạn, hai người ngồi ngay hàng hiên, nhâm nhi tách trà nóng, nhắc chuyện ngày xưa.
Một thanh niên trông rất bậm trợn, sấn đến xòe tay xin tiền, hắn ngạc nhiên hỏi:
-Anh trông khỏe mạnh và lành lặn, sao không tìm việc làm, mà lại đi ăn xin?
-Nhà bác nhận cháu nhé? Anh ta hỏi lại.
-Tôi có việc gì làm đâu mà nhận anh!
-Thế đấy, ai cũng trả lời cháu một kiểu như nhà bác vậy, không có việc làm, chẳng lẽ nhà bác bảo cháu đi ăn cướp à! Coi thế chứ nghề ăn xin còn lương thiện chán đấy bác ạ! Lắm khi nhà cao cửa rộng như các bác đây mà đồng tiền có thể đến từ những việc làm mờ ám không chừng ấy chứ!
Người bạn đứng lên, móc túi lấy ít tiền giúi vào tay hắn, và đẩy ra cửa, miệng giả lả:
-Thôi đi đi, cho tôi buôn bán!
Gã thanh niên khệnh khạng bước đi, không thèm có một lời cám ơn.
-Không cho, nó đứng lải nhải suốt ngày, chả làm ăn gì được cả- bọn “xin đểu” mà !
Hắn và anh bạn nhìn nhau, lắc đầu ….
Về đến nhà, hắn giấu biệt cái chuyện thay đổi chỗ đến. Hắn không muốn làm buồn lòng vợ. Bởi vì, có lần hắn nghe lỏm được cô nàng tỉ tê với các em:
- Cali đông người Việt lắm, chị chẳng cần đi học tiếng tây, tiếng u làm gì cho mệt. Cũng không cần phải lo việc làm, chị sẽ nấu một nồi bún riêu, bán đại trên vỉa hè một ngôi nhà nào đó cũng tạm qua ngày. Bên ấy, cái bánh mì kẹp thịt cũng hơn một đô la, sao chất lượng bằng tô bún riêu của chị, có rau muống chẻ, bắp chuối bào, lại thêm chanh ớt, mắm tôm nữa. Chị sẽ ra bờ biển Cali bắt còng, cáy về giã ra nấu lấy nước, ngon tuyệt vời… Em bảo sao? Bị bắt ấy à! Cái ông Đại sứ Việt Cộng đi mò nghêu, chắc là mò cả vào trong hồ nhà người ta, nên mới bị bắt đưa ra tòa, chứ chị bắt chim trời cá nước, ai làm gì được. Bên này, một tô bún bán có ngàn mấy mà cũng đã có lời rồi, đằng này bán đến một đô la là mười mấy ngàn Việt Nam, một lời mười ấy chứ ! Chị cố gắng nấu sáng một nồi, chiều một nồi chẳng mấy chốc khá giả, chị sẽ gởi tiền về các em sơn sửa nhà cửa lại cho bố mẹ ở thoải mái lúc tuổi già.
Giản dị làm sao và cao quý làm sao, giấc mơ của một nàng dâu chăm chút cho cha mẹ chồng. Hắn đành lòng nào phá vỡ đi, nên đành giấu biệt…
Ngày ra đi, hắn lặng lẽ như như mèo dấu cứt…
Vì đã có chán vạn những bi kịch xảy ra, khiến người đi dở khóc dở cười…
Nhờ ơn trên, chuyến đi của gia đình hắn êm xuôi, chót lọt.
***
Xuống đến phi trường New York trời đã hoàng hôn. Cầm được cái I-94 hắn ôm chầm lấy vợ con và thét lên :
-“Mình thật sự ở trên đất Mỹ rồi“,
mặc bao con mắt bàng quang nhìn hắn như nhìn một quái vật.
…
Rời New York khi thành phố đã lên đèn, từ trên cao nhìn xuống, vợ hắn xuýt xoa:
-Thành phố to lớn và đẹp quá anh nhỉ! Chẳng biết Cali có được như vầy không?
-Mình không đi Cali, em ạ!
-Tại sao vậy? -Vợ hắn tròn xoe mắt hỏi.
-Chắc anh Hải có gì trục trặc.
-Sao anh không cho em biết?
-Anh không muốn đập bể nồi bún riêu của em.
Mặt nàng đỏ bừng lên, rất đáng yêu, không biết vì mắc cỡ hay vì sung sướng, liếc sang thấy hai con đã chìm trong giấc ngủ mệt mỏi, nàng vít đầu hắn xuống, hôn đánh chụt vào má.
Một luồng điện cực mạnh chạy qua khắp châu thân, hắn ngạc nhiên vì cảm giác kỳ quặc này, ăn ở với nhau mười mấy năm rồi chứ có xa lạ gì cho cam …thì ra cái cảm giác cho đi khác với đón nhận, từ xưa đến giờ, tất cả mọi công việc đều do hắn quyết định và chủ động. Hắn chỉ cho, chứ chưa bao giờ được nhận cả.
Cho nên tự nhiên nhận được một nụ hôn bất ngờ như thế, hắn đâm ra choáng váng.
Hắn cũng nghiệm ra rằng: trong môi trường tụ do, con người ta cũng trở nên phóng khoáng hơn.
-Thôi đi đâu cũng được, nhưng mai kia nếu mình muốn dời về Cali, chẳng biết họ có cho mình chuyẻn hộ khẩu không?
Nàng lập lại một phần câu nói, mà hắn đã nói tại sở Ngoại Vụ, hôm đến nhận vé máy bay. Và bây giờ thì hắn có thể tự do nói phần kế “Miễn sao rời khỏi Việt Nam là tốt rồi…”
Nhưng hắn nghe nghèn nghẹn nơi cổ họng, còn gì đau đớn và mỉa mai hơn, khi phải nói là mình sung sướng được trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rún ?
-Trên đất Mỹ tự do này, anh không nghĩ họ còn áp dụng chế độ hộ khẩu đâu mà em lo.
Hắn vỗ nhẹ vào lưng nàng, để trấn an, và có lẽ cũng để tự an ủi mình.
-Không biết công ăn việc làm ở đó ra sao?
-Chắc là tốt thôi, em sẽ không phải đi bán bún riêu!
-Sao anh biết là tốt? - Vừa nhéo hắn một cái đau điếng vào ba sườn, nàng vừa gặng hỏi.
-Bởi vì nơi mình đến là thành phố Wichita, nó ở ngay giữa tiểu bang Kansas, mà tiểu bang này nằm ở trung tâm nước Mỹ. cái gì ở trung tâm đều quan trọng. Nên nó phải quan trọng thôi !
-Ai bảo với anh thế !
-Này nhé, cái lỗ rún của em có quan trọng không?
-Quan trọng chứ, không có lấy chỗ đâu xức dầu cù là!
-Ông Chủ Tịch có quan trọng không?
-Rất quan trọng, vì không có ông ấy, ai đọc diễn văn?
-Đúng, rún thì nằm chính giữa cái bụng của em, Ông Chủ Tịch thì thường ở giữa các bà phó chủ tịch và những người phụ tá. Từ đó, theo “Tam Đoạn Luận” ta có “Những gì ở giữa thì quan trọng, Wichita Kansas ở giữa nước Mỹ, nên Wichita quan trọng” …
Vợ hắn gật gù đồng ý với cái triết lý ngô nghê của hắn.
***
Bản tính thích đàn đúm, văn nghệ văn gừng, chén chú chén anh, nên đến Wichita chẳng bao lâu, hắn đã quen biết khá nhiều.Thấy hắn là người mới, ai cũng muốn giới thiệu vào làm cùng chỗ với họ. Nhưng tất cả cũng chỉ là rượu vào lời ra, nói đó, quên đó.
Duy có một chàng trai trẻ, tên Minh là rất thiết tha muốn giúp đỡ hắn.
-Em làm hãng Boeing, bị lay off, đang làm hãng tiện nhỏ bên ngoài. Làm hãng tiện là con đường ngắn nhất để vào hãng máy bay đó anh. Tiện trong Boeing lên top cả 30 dollar lận.
-Ba chục đô một ngày?
-Một giờ đó chứ anh!
-Thiệt không vậy?
Mọi người ngồi quanh bàn đều gật đầu xác nhận lời Minh nói.
-Nhưng anh đâu biết gì về nghề tiện, cũng chả có chút kinh nghiệm nào về máy móc cả!
-Anh cứ khai là có kinh nghiệm bên Việt Nam. Khai láo, có ai ăn thịt ăn cá gì đâu mà anh sợ !
-Nhưng lỡ họ nhận, rồi không biết gì thì sao ?
-Không biết thì có người hướng dẫn, nếu anh xin vào hãng em đang làm thì em sẽ giúp anh, dễ ợt hà! “Nhấn nút ăn tiền” mà.
-Để anh đi học thêm dăm ba chữ Anh cho nó chắc ăn đã, rồi tính…
-Đây là số phôn của em bất cứ lúc nào anh gọi em cũng sẵn sàng.
…
Ôm sách vở đến trường chỉ vài tháng thì hắn nhận ra ngay là chuyện chữ nghĩa không còn hợp với hắn nữa rồi. Nghe tai trái, nó chui tuột qua tai phải, học chữ sau thì quên mất chữ trước.
Sau khi lấy xong bằng lái xe. Hắn gọi phôn cho Minh.
-OK! Chiều cuối tuần thì Bob là ông chủ ở đây hay uống bia với anh em công nhân.Thứ sáu này anh tới đây, em giới thiệu với ổng luôn.
Chiều thứ sáu đó hắn lò dò đến hãng tiện. Minh ra đón hắn, dẫn vào phòng ăn. Một người đàn ông da trắng, tướng tá nghênh ngang, cầm lon bia trên tay, chân gác lên ghế. Hắn đoán là ông chủ Bob. một số công nhân độ hơn chục người, sau khi tan ca một, nán là nhâm nhi vài lon bia cuối tuần. Có hơn phân nửa là người Việt Nam.
Minh đến tủ lạnh lấy hai lon Budweiser, trao cho hắn một lon, tự mở một lon và nói với Bob:
-Anh tui mới ở Việt Nam qua, cần việc làm, ông nhận ổng đi. Ổng là lính, đánh giặc giỏi lắm đó.
-Tao cần người chạy máy, chứ không cần người đánh giặc.
-Ổng từng bị ở tù tới hơn 5 năm lận đó!
-Cướp nhà băng hả?
-Không! Bị tù Cộng Sản.
-Ba tao cũng từng bị tù Cộng Sản khi máy bay của ổng bị rớt ngoài Bắc Việt.
Hắn bước đến gần, giơ tay tay bắt tay Bob.
-Cho tôi gởi lời cám ơn đến ba anh và tất cả những người Mỹ đã chiến đấu giúp chúng tôi giữ gìn miền Nam trong bao nhiêu năm.
-Mày có kinh nghiệm không?
Hắn còn đang ngần ngừ, vì chẳng thà là viết ra trên giấy những điều không đúng sự thật, thì chí ít mình cũng không phải đối diện với người mình muốn nói dối. Đàng này…
Minh thúc tay vào cạnh sườn hắn ra dấu gật đầu đại đi, hắn như một cái máy, gục gặc cái đầu. Xong, hắn cảm thấy vô cùng xấu hổ, vì đã trâng tráo thừa nhận những điều không đúng sự thật, bèn nói lãng sang chuyện khác:
-Mày trông không giống ông chủ chút nào!
Cả phòng đều ngạc nhiên.
“…Thằng cha này chắc bị mát dây nặng rồi. Đi xin việc, mà dám nói ông chủ không giống chủ chút nào là làm sao…”
-Chứ giống cái gì?
-Mày giống tài tử điện ảnh hơn.
Điều này thì hắn nói thật chứ không hề tâng bốc.Vì Bob rất giống tài tử trong các phim cao bồi viễn tây. Tướng cao lớn, đẹp trai, khi đi hai tay khuỳnh khuỳnh ra, như sẵn sàng rút súng…
Cả phòng cười rần lên. Bob nói to với Minh:
-Mày nói nó thứ hai đi làm đi. Tám đồng rưỡi một giờ, nếu làm tốt sẽ lên lương sau.
Cha mẹ ơi! Nghĩ đến mà thương hại cho cô vợ hắn.
Sau khi bị cú sốc trong lớp học, nàng cũng đã xin đi làm.
Số là, một lần bà thày bảo nàng đặt câu với hai danh từ Kitchen và Chicken, nàng bèn đọc to:
-“Tuần qua, tôi sơn cái chicken của tôi và tuần này tôi nấu con kitchen “.
Cả lớp cười như vỡ chợ, nàng bỏ sách đèn luôn từ đó.
Được nhận vào dọn dẹp trong một khách sạn hạng cá kèo.
Sáng nọ, sau khi thông báo giờ dọn phòng, nàng đến bấm chuông, không thấy trả lời, đinh ninh khách đã ra ngoài. Mở cửa bước vào, nàng dội ngược ra, quăng cả thùng bọng, khăn xô…bỏ về một nước.
Thì ra, một ông Mỹ đen thui, nằm chình ình trên giường trải nệm trắng nuốt, không một mảnh vải che thân…
Cả tuần lễ sau vẫn chưa hoàn hồn, chắc phải thấy cái gì khủng khiếp lắm nên mới hoảng sợ như thế, chứ hàng ngày vẫn gặp các ông Mỹ đen ngoài phố, hoặc chợ búa thì có chuyện gì xảy ra đâu.
Thế mà lương chỉ bằng nửa lương hắn mà thôi!
Để cho các bà thấy thế nào là lễ độ. Nhiều bà “Chưa đỗ ông Nghè, đã đe hàng Tổng“. Mới cầm vé máy bay đã hăm he:
-“ Sang bên ấy, các ông mà lộn xộn thì chỉ có chết “Lady first đấy “ …
***
Đúng là nhấn nút ăn tiền, vì “set up” đã có người lo, progam đã có người viết.
Có part chạy chừng mươi phút, có part chạy cả hai ba tiếng đồng hồ, tha hồ mà ngồi đốt phổi - lúc ấy còn cho hút thuốc ngay trong hãng- Giờ rảnh rỗi, hắn chạy sang học lén cách người ta set up, dần dà cũng khá lên.
Khi các hãng hàng không bắt đầu có gió.
Họ nhận người ào ạt. Hắn cũng tấp tễnh nộp đơn .
Hơn năm sau, thì hắn được hãng Cessna nhận. Cũng nhấn nút ăn tiền - Ca của hắn làm, có đến 80 phần trăm là người Việt Nam- cuộc đời bắt đầu lên hương từ đó.
Kỷ niệm mười năm đến Mỹ, gia đình hắn dọn vào một căn nhà rộng gần 4000 SF, năm phòng ngủ.Vợ chồng một phòng, hai phòng cho hai con, còn hai phòng dùng để tiếp đón bạn bè. Nhà tọa lạc ngay bên hồ, có tàu đậu sau hậu viên.
Những đêm trăng thanh gió mát, hắn cùng nhóm bạn neo tàu giữa hồ đối ẩm, dạo những đường tơ êm ả, hay ngân nga lời Đường Thi để tìm lại chút dư hương ngày cũ.
Hoặc khi không có bạn bè, hắn rủ vợ ra lắc tàu để nhớ về Sông Hương Núi Ngự.
Ôi! Thật thần tiên thơ mộng.
Chẳng bù với những tháng năm ăn củ mì chua lét trong các trại tù lao động khổ sai.
Hắn viết ra những điều này, hoàn toàn không muốn huyênh hoang về cái thành phố hắn đang cư ngụ, hoặc muốn khoác lác về những gì hắn có được.
Bởi hắn rất ngại bị gán thêm trái bom phía sau cái tên cúng cơm.
Lần nọ, tình cờ có được số phôn một thằng bạn thân, hắn bèn gọi đến thăm hỏi. Nghe bạn than thở về cuộc sống đắt đỏ, hắn góp ý :
-Hay mày dọn sang Tểu Bang này đi, ở đây cuộc sống hiền hòa, không bon chen, nhà cửa rẻ rề, mà công ăn việc làm dễ dàng, lương lại cao nữa.
-Lương cao là bao nhiêu ?
-Mấy hãng máy bay họ start mười bốn, mười lăm đô la một giờ lận, lên top có khi ngoài ba chục đó.
-Thành phố mày ở có hãng sản xuất bom không dậy ?
-Không ! Tao không biết, nhưng có nhiều hãng máy bay lắm ! Ủa …mà sao mày hỏi lãng xẹt dậy ?
-Tại tao thấy mày nổ quá, nên tưởng mày đang ở gần kho đạn nữa chớ ..
-…Ơ…tao đâu có ở gần kho đạn, tao nói thiệt mà…
-Đủ rồi ! Cho tao xin đi ! Lương worker mà ba mươi đô la một giờ à ? Bỏ qua đi tám…
Thế là hắn tịt ngòi ! May là hắn chỉ nói bâng quơ, chứ nếu chỉ đích danh hắn, chắc thằng bạn trời đánh còn chửi hắn thậm tệ hơn nữa.
Hắn bộc bạch tâm tình như một cách để tỏ lòng tri ân với người Mỹ, đã bao dung đón nhận hắn, tri ân nước Mỹ, đã cho hắn có cơ hội làm lại một con người đúng nghĩa, và có thể đem tài hèn, sức mọn đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, cũng là một lời nhắn nhủ đến bạn bè hắn nói riêng, và tất cả đồng hương khắp nơi trên đất Mỹ nói chung:
Wichita thật sự là một vùng đất bình yên cho những cánh chim lạc đàn chúng ta làm tổ.
Wichita sạch sẽ khang trang và rất chân tình. Chỉ có mỗi một thiếu sót là Wichita không có chỗ để quý vị tiêu tiền.
Không trà đình tửu điếm, chẳng thanh lâu vũ trường. Ngay cả sòng bài, trong một cuôc trưng cầu dân ý mới đây, cũng đã bị từ chối.
Nên tiền quý vị làm ra, chỉ có một nơi để đưa vào đó là nhà băng.
Và thú vui của những người dân Wichita là cuối tuần họp mặt tại nhà bạn bè. Do đó tình cảm rất thân mật, đến nỗi một người bạn đến từ Cali đã phải thốt lên:
Nơi này phố nhỏ, tình thân…
Dương Thượng Trúc
Thủy Gia Trang 2007
Friday, January 29, 2010
Ngày đầu Xuân chúc non nước thanh bình,
Ngày mùng hai chúc cho lứa đôi mình,
Và mùng ba anh chúc đôi má em xinh,
Tết không về chắc em trách anh nhiều lắm…
Đang độ vào xuân, những trảng cỏ non xanh mượt , nõn nường như cô gái mười tám, lấm tấm điểm những cánh hoa sim tím lãng mạn, tạo nên một bức tranh thật hữu tình, thế mà cũng chẳng làm cho những con người ấy có một chút xúc động nào trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
Chẳng phải họ không có nhãn quan thẩm mỹ để thụ hưởng những gì thượng đế đã trao tặng cho loài người.
Mà vì nhiệm vụ còn đè nặng trên hai vai họ, khi địch quân đang chuẩn bị những mưu đồ thâm hiểm để nhuộm đỏ mảnh đất miền Nam này.
Nên thay vì thưởng ngoạn nét đẹp của cỏ cây, thì họ phải luôn căng mắt ra để canh chừng cái chết đang rình rập đến với bản thân họ và đồng đội họ.Nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ngay cả hôm nay là ngày ngưng bắn.Những bài học xương máu về sự tráo trở của địch quân chẳng bao giờ họ quên…
Trên bầu trời cao vút, xao xác tiếng chim gọi bầy, là những âm thanh duy nhất có thể nghe được một cách gần gũi.
Xa hơn một chút, thỉnh thoảng những tiếng đạn pháo binh nổ lẻ tẻ, nhưng khi va vào vách núi dội lại, trở thành những chuỗi âm thanh bất tận.
Không hiểu vì lý do gì, tết năm nay lệnh hưu chiến được bọn chúng tuân hành nghiêm nhặt hơn mọi năm, có lẽ tụi nó đã kiệt lực sau lần cắn trộm vào dịp tết Mậu Thân và rồi ôm đầu máu, chạy về miền Bắc.
Dù thế anh em binh sĩ cũng không thể lơ là, mất cảnh giác được.
Đơn vị đang nằm rừng, và cũng tiếp tục phải nằm rừng, đón Xuân.
Thụy đong đưa trên cái võng dù, treo tòn teng dưới tấm poncho, nghe Đầu Xuân Lính Chúc qua cái radio nhỏ xíu máng trên đầu võng.
Vào dịp này, những ca khúc với chủ đề lính và mùa Xuân được phát thanh suốt ngày trên hệ thống Đài Quân Đội và cả đài Sàigòn.
Chẳng biết tự lúc nào, Thụy bằng lòng cho hai lỗ tai khó chịu của anh tiếp nhận những giai điệu này. Và rồi sau đó, anh thấy nó cũng có cái hay riêng của nó…
Vài năm trước thôi, khi những âm thanh tương tự vừa cất lên là anh đã tắt ngóm đi ngay. Kèm theo một câu phê bình :
-Ba cái nhạc sến này mà tụi bay mở lên hoài, nghe điếc lỗ tai.
-Nhạc này hay mà ông thày.
-Hay cái con khỉ mốc gì, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Boléro, Rumba, Slow, với những tiếng rên rỉ nghe cải lương thấy mẹ luôn…
Nhưng đó lại là sở thích của nhóm thuộc cấp trong ban chỉ huy đại đội, gồm ba chú lính truyền tin và hai anh chàng tà lọt của Thụy.
Ngoại trừ y tá Khiết khá lớn tuổi, nên gác ngoài tai chuyện thị phi thiên hạ.
Thụy trở thành thiểu số, nếu đem trưng cầu dân ý
Anh chẳng ngăn cấm và bọn họ cũng không dám chống đối anh ra mặt, nhưng hễ có cơ hội là họ lại dò tìm những chương trình nhạc như thế và xúm xít lại cùng nghe…
-Trời ơi ! Ông thày nghe nè ! Duy Khánh mà ca Xưng Này Con Hổng Dìa là nhức nhối luôn đó…
Thằng An, mang máy Đại Đội, nói giọng miền Nam đặc sệt, tán tụng …
Anh nhái giọng nó, rồi châm chọc :
-Ừa mày vô thêm mấy câu vọng cổ mùi tận mạng nữa đi, cho đủ bộ …
-Em chưa tìm ra bài Tân Cổ Giao Duyên, chứ nếu có , em sẽ vô liền cho ông thày nghe, hổng đẹp hổng ăn tiền…
-Mày ráng kiếm rồi tập đi, mai mốt giải ngũ, dìa bến Bến Bắc Cần Thơ ngồi, với cái nón lá rách và cây đàn guita cũng đủ sống qua ngày, khỏi dìa quê cầy ruộng.
Lời nói của anh nào ngờ lại biến thành sự thật. An đã giải ngũ vĩnh viễn, khi bộ Chỉ Huy Đại Đội bị trái pháo 130 ly rơi trúng. Một mảnh đạn cắt ngang cổ họng An, để mãi mãi chẳng bao giờ nó còn có dịp vô mấy câu Vọng Cổ trên bến Bắc Cần Thơ nữa.
Sau ngày An hy sinh, mấy thày trò không còn tranh cãi với nhau về những bản nhạc ấy nữa.
Cái tướng lùn lùn, mình đúc, cái vai to bè của thằng An luôn lởn vởn trước mặt Thụy, dù sự kiện đã xảy ra mấy tháng nay.
-…Nếu bây giờ mày còn sống, ở đây, mày muốn nghe bản nhạc nào cũng được, anh sẽ không cấm cản mày đâu An ơi !...
Thay vào chỗ An là Hạ sĩ Kía, một chú chệt Chợ Lớn, nói tiếng Việt sành sõi, pha chút “ Quảng Túng dành.” Khi bị quýnh quáng, Kía nói cà lăm.Và trở thành trò cười cho mấy thằng lính “ …bán trời không mời thiên lôi…” trong Bộ chỉ huy.
-Thầm Quyền…Thẩm Quyền có lịnh đi họp trên Tiểu Đoàn kìa !
-Chuyện gì đó A Kía?
-Dạ em hổng piết nữa…
A Kía, nằm trên cái võng kế bên, lên tiếng.
Thụy ngồi bật dậy, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, lẩm bẩm :
-Hơn ba giờ chiều rồi, sao có cuộc họp đặc biệt vậy kìa.
Rồi anh lớn giọng hơn một chút :
-Thiếu Úy Quang đâu rồi ?
-Dạ, tôi đây Trung Úy !
-Ông tới đây, tôi bàn chút chuyện…
Võng của Quang nằm cách xa anh một đỗi, đễ tránh tình trạng khi bị pháo kích, cả bộ chỉ huy tan hoang.
Anh tất tả bước đến bên lều của Thụy, hỏi nhỏ :
-Bộ có gì thay đổi hả Trung Úy ?
-Tôi có lệnh lên họp trên Tiểu Đoàn, ông ở nhà lo kiểm soát con cái gác sách cẩn thận nhe ! Đừng ỷ y ngưng chiến, rồi lơ là, coi chừng chết cả lũ. Hôm nay mùng ba tết rồi. Mười hai giờ khuya là hết hiệu lực, biết đâu tụi nó chẳng giở trò…
-Dạ ông cứ đi họp đi, tôi sẽ đôn đốc canh gác.
Thụy đứng dậy, cầm tấm bản đồ đã được chú ta lọt Lễ để sẵn nơi đầu võng, đi về hướng bộ chỉ huy Tiểu Đoàn.
Tại căn lều chỉ huy, đã có mặt đầy đủ, gồm: ba vị đại đội trưởng tác chiến, đại đội trưởng chỉ huy cùng với Tiểu Đoàn Phó và Trưởng ban ba.
Tất cả ngồi quây quần chung quanh Thiếu Tá Minh, ôngTiểu Đoàn Trưởng già, mà Thụy hằng quý mến.
Trên cái thùng đạn pháo binh dùng làm bàn, là một xấp bản đồ dầy cộm, vẽ chi chít những dấu xanh dấu đỏ, lăng quăng…
-Ngồi đi Thụy.
-Dạ cám ơn đại bàng.
-Đủ cả rồi phải không ! Anh em nghe cho rõ ! Một chút nữa, Đại Tá Như, Liên Đoàn Trưởng sẽ đáp xuống đây, để giao cho chúng ta một nhiệm vụ đặc biệt.
Hy vọng rằng khi nhận chỉ thị ấy, Tiểu Đoàn chúng ta sẽ hoàn thành một cách tốt đẹp nhất.
Tiếng máy bay trực thăng văng vẳng từ xa, càng lúc càng rõ dần như xác nhận lời nói của ông.
-Anh em cứ ngồi lại đây, để tôi và ông Trưởng Ban Ba ra đón Đại Tá được rồi, đừng xúm xít ngoài bãi đáp nhiều quá không tốt.
Chiếc trực thăng hạ cánh an toàn và chỉ trong khoảnh khắc, đã bốc lên, mất hút về phía chân trời.
Vài phút sau phái đoàn trở lại lều chỉ huy.
Đại Tá Liên Như xộc vào với ông Thiếu tá Trưởng ban ba Liên Đoàn, hai Sĩ Quan phụ tá, cùng bốn người cận vệ.
Mỗi người xách theo một giỏ cói nặng trịch.
Tất cả cùng đứng bật dậy, nghiêm chào.
-Anh em ngồi xuống đi.
Tiểu đoàn Trưởng nhường vị trí ông ngồi lúc nãy cho cấp chỉ huy.
Đại Tá Như nhìn lướt qua tất cả các thuộc cấp đang có mặt, nói nhẹ nhàng:
-Hôm nay, tôi lên đây ăn tết với anh em Tiểu Đoàn 11, các Tiểu đoàn khác tôi đã ghé thăm rồi. Chắc anh em ngạc nhiên lắm nhỉ! Lẽ ra tôi phải đến đây trước khi thăm thằng 22 và thằng 23.
Nhưng vì có một nhiệm vụ quan trọng muốn giao cho các anh em, nên tôi để dành chuyến thăm chót này cho Tiểu Đoàn 11.
Dừng lại một chút, ông liếc mắt về phía mấy người cận vệ :
-Mấy chú bày mồi màng ra đi - Quay lại phía Tiểu Đoàn Trưởng, ông nói tiếp - Tôi có đem lên đây vài con vịt quay, mấy hũ Ngũ Gia Bì, chúng ta làm ít chung mừng Xuân rồi sẽ bàn đến công chuyện.
-Dạ cám ơn Đại Tá ! Chúc Đại Tá năm nay mọc sao…
-Chuyện đó còn tùy thuộc vào chiến công của anh em đây ! À ! Mà hình như ở đây chỉ có các Đại Đội Trưởng thôi sao ?
-Dạ Phải, thưa Đại Tá ! Thiếu Tá Minh trả lời.
-Tôi muốn có mặt cả các anh em Đại Đội phó nữa.
Mười phút sau, thêm bốn vị nữa bước vào phòng họp. Đại đội phó chỉ huy vừa về hậu cứ công tác, nên vắng mặt.
Đích thân Đại tá Liên Đoàn Trưởng khui hũ rượu đầu tiên.
Mọi người cùng xúm vào chén tạc, chén thù trong tinh thần huynh đệ chi binh thật vui vẻ.
Được khoảng ba bốn tuần rượu, nghe chừng máu trong người đã ấm lên, Đại Tá Như hắng giọng, tạo sự chú ý cho mọi người, rồi lên tiếng :
-Theo tin tức tình báo mới nhận được, thì sư đoàn 3 Sao Vàng của địch quân đã xâm nhập vùng hoạt động của chúng ta rồi.Và đơn vị ở gần nhất là Trung Đoàn 2 của sư đoàn này.Chúng đặt chỉ huy sở chỉ cách đây khoảng hơn hai mươi cây số.
Ngừng lại giây lát để mọi người thẩm định được tầm mức quan trọng của sự việc, ông nói tiếp :
-Tôi cần một Sĩ Quan tình nguyện, gan dạ và có kinh nghiệm ...
-Để làm gì Thưa Đại Tá ?
Ông Tiểu đoàn trưởng nêu thắc mắc, khi thấy cấp chỉ huy ngừng lại khá lâu, và có lẽ cũng là thắc mắc chung của mọi người đang có mặt.
-Dẫn khoảng hai trung đội, đột kích vào Bộ Chỉ Huy trung đoàn này, trước khi nó kiện toàn cơ sở phòng thủ.
-Hai trung đội, mà đột kích vào bộ chỉ huy trung đoàn, e có quá mạo hiểm không, thưa Đại Tá ?
Đại úy Chính, Trưởng ban ba Tiểu Đoàn nêu ý kiến.
-Đúng thế, mới nghe qua thì thấy là quá mạo hiểm, nhưng khi đi vào thực tế, với những tin tức tình báo thu lượm được, thì lại không phải vậy.
-Xin Đại Tá giải thích rõ hơn ạ ! Tiểu đoàn trưởng hỏi thêm.
-Tuy là Bộ chỉ huy trung đoàn, nhưng lực lượng bảo vệ của chúng chỉ ở cấp số một đại đội trừ.
-…Ồ ! Sao lạ vậy nhỉ !
Thiếu Tá Công, Trưởng Ban Ba Liên Đoàn góp tiếng:
-Chẳng có gì lạ đâu, chúng không kịp bổ sung quân số, nên bây giờ chính những tên cán binh kỹ thuật cũng phải ở trong các đơn vị chủ lực bảo vệ bộ chỉ huy trung đoàn. So sánh tương quan lực lượng, thì nhiệm vụ này hoàn thành không khó khăn lắm. Chỉ cần làm sao từ điểm xuất phát, cho đến khi chạm mục tiêu, đừng để các chốt dọc đưòng của chúng phát giác.Và khi trở về phải chuẩn bị một lộ trình thật an toàn, là tốt rồi…
-Thưa Đại Tá, biết rõ vị trí đóng quân của chúng, sao ta không dùng phi pháo, có hiệu quả hơn không ạ !
-Đó là vài năm trước kìa, chứ bây giờ điều đó bất khả thi.Vị trí này ngoài tầm tác xạ của 105, còn không quân, thì bây giờ rất khó khăn. Chỉ khi nào đụng trận mới có thể xin được vài phi tuần.
Mọi người lặng lẽ suy nghĩ, không khí trầm mặc một cách ngột ngạt.
Thêm vài ba tuần rượu nữa trôi qua trong im lìm, một hồi lâu, Đại Tá Như nói chậm rãi :
-Bây giờ, tôi cần một Sĩ Quan tình nguyện làm nhiệm vụ này, và sẽ được thực hiện ngay sáng sớm mai …Anh em hãy nhớ, đây là một nhiệm vụ đặc biệt, rất nguy hiểm, hãy suy nghĩ chính chắn trước khi tình nguyện.
Không gian như chùng hẳn xuống, rơi vào sự im lặng đến ngột ngạt.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, những tuần rượu vẫn được chuyền tay nhau, những điếu thuốc vẫn lóe sáng, và những cái đầu vẫn đang gục gặc suy nghĩ.
Ly rượu đến phiên anh, Thụy xoay xoay trong tay một lát như làm một quyết định quan trọng. Anh đưa lên miệng, ực nhanh một cái, chất nước màu nâu sậm, hăng hăng mùi thuốc bắc, chạy dài từ cổ xuống bao từ, đi đến đâu, anh nghe nóng ran đến đó.Và giòng máu nóng trong anh cũng sôi lên sùng sục :
-Tôi…Trung Úy Thụy, xin tình nguyện thưa, Đại Tá !
Tiếng nói của Thụy vang lên phá tan bầu không khí lặng lẽ đang vây phủ căn lều. Mọi người cùng thở phào như vừa trút được một gánh nặng. Dù những tiếng thở rất nhẹ.
Thiếu Tá Minh phản đối, giọng gay gắt :
-Mày không thể đi được…
-Sao vậy Thiếu Tá Minh? Liên Đoàn Trưởng ngạc nhiên hỏi.
-Thưa Đại Tá, nó bây giờ rất cần cho Tiểu Đoàn, hơn nữa vợ nó lại mới sanh…
-Lý do đầu tiên thì không chấp nhận được, nhưng nếu vợ chú mới sanh thì nên suy nghĩ lại đi Thụy…
-Dạ xin cám ơn Đại Tá và Thiếu Tá… nhưng tôi đã quyết định rồi…
-Nếu chú mày đã muốn thế, thì OK thôi ! Thiếu Tá Minh hãy để Trung Úy Thụy được toàn quyền chọn lựa anh em binh sĩ và cán bộ trong các đại đội để thực hiện nhiệm vụ này nhé !
-Dạ xin tuân lệnh Đại Tá !
-Tất cả kế hoạch hành quân, đều do Trung Úy Thụy quyết định, nhưng cần thông báo cho ban ba Liên Đoàn, vì sẽ có một toán viễn thám hướng dẫn lộ trình…Mọi yểm trợ dành ưu tiên cho anh đó…
-Dạ, xin cám ơn Đại Tá…
Cuộc tiệc tiếp tục cho đến lúc hũ Ngũ Gia Bì cuối cùng được dốc ngược lên, thì rừng chiều cũng ngả sang màu tím sậm.
Chiếc C&C đáp xuống vội vã, mang vị chỉ huy trở về phố phường, để lại bên dưới những lời bàn tán sôi nổi về nhiệm vụ của Thụy sáng mai.
Anh đến gặp Đại Úy Chính, Trưởng Ban Ba Tiểu Đoàn để nhận phóng đồ hành quân, rồi khật khưỡng bước về phía lều của mình. Quang lặng lẽ theo sau.
-Ông Quang làm ơn thông báo giùm, tôi sẽ chọn ba Tiểu Đội xung kích của ba Đại Đội, và trung đội bốn của Đại Đội mình, vậy là đủ rồi…
-Dạ tôi đi làm ngay đây, Trung Úy.
-Thượng sĩ Thường Vụ đâu ?
-Có tôi đây Trung Úy !
-Anh coi anh em gác sách thế nào ?
-Dạ đã hoàn tất mọi chuyện, thưa Trung Uý.
-OK vậy là tốt rồi.
Bóng đêm đang phủ trùm lên vạn vật, một màu đen hoang lạnh.
Thụy chui vào trong lều, dùng cái đèn pin cá nhân soi vào tấm phóng đồ hành quân mà Đại úy Chính mới trao.
Chi chít những dấu đỏ trên con đường anh sẽ đi qua. Chứng tỏ địch quân kiểm soát gần hết lộ trình.
“…Quả thật đây không phải là một nhiệm vụ dễ nuốt…”
Lễ bước đến bên, nói nhỏ :
-Trung Úy dùng cơm bây giờ chưa ?
-Chờ ông Quang về rồi ăn luôn.
Ngay lúc đó, Thiếu Úy Quang bước trờ đến, lên tiếng :
-Tôi về rồi đây Trung Úy, mời ông ra ăn cơm đi thôi!
Anh tắt cái đèn pin, bước ra :
-Chuyện tôi nhờ anh, ra sao rồi ?
-Dạ tất cả OK hết Tango.
Cả ban chỉ huy đại đội ngồi xúm xít thành một vòng tròn, dưới bóng đêm mờ ảo. Trên nền đất, được trải một tờ báo cũ, ở giữa là nồi thịt ba lát kho với măng rừng, và những bịch gạo sấy đã nguội lạnh, vì không ngờ hôm nay Thụy họp lâu như thế.
Họ ăn uống trong im lặng, dưới ánh sáng lập lòe của những con đom đóm đi hoang.
Hình như tất cả mọi người đều biết chuyện gì sẽ xảy ra vào sáng mai.
Thụy buông chén đũa xuống trước nhất.
-Sao Trung Úy ăn ít vậy ?
-Uống ba cái rượu Tàu, nó no ngang, không thấy đói…
Đợi cho mấy người lính tản về vị trí của họ. Quang bước vào bên trong mấy tấm poncho quây thành cái lều, bao phủ võng của Thụy, và của ba người truyền tin.
Anh ngồi xuống bên võng Thụy, khẽ nói:
-Trung Úy…sáng mai… để tôi đi thế cho…
-Anh nói giỡn chơi hoài…Tôi nhận lời thực hiện nhiệm vụ này, trước bao nhiêu người, khi không lại giao cho anh đi, coi sao được…
-Đi kỳ này nguy hiểm lắm đó Trung Úy…
-Tôi biết mà ! Có sao đâu, tôi đã ở đây bốn năm năm trời rồi, nguy hiểm nào mà chưa gặp qua…
-Nhưng chị nhà mới sanh được có mấy bữa…
-Chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện ở đây cả…
-Tôi thật không yên tâm chút nào cả…Hay cho tôi đi chung với ông …
-Anh đi với tôi, ai coi đại đội ? Sống chết có số mệnh cả, anh đừng lo…nhưng anh nói thế, tôi cũng cám ơn anh. Chỉ cần anh chăm lo đại đội đàng hoàng, lúc vắng tôi, hoặc lỡ khi tôi có bề gì…là được rồi…
-Trung úy đừng nói vậy…
-Anh …-Thụy định nói, sao bây giờ anh mới đòi đi thay, trong khi họp lúc chiều thì lại im lặng, nhưng kịp dừng lại- …Thôi anh đi kiểm soát việc canh gác đi.Tôi cần nghỉ ngơi, để sáng mai lên đường sớm.
Quang vén lều bước ra, Thụy che tay mồi điếu thuốc, rít một hơi thật dài, để luồng khói chạy sâu xuống đến tận cùng những hang hóc của buồng phổi.
Hình như từ lúc rời lều Tiểu Đoàn Trưởng đến giờ, anh chưa có một hơi thuốc nào cả. Mặc dù anh không thấy căng thẳng lắm, nhưng vẫn nôn nao trong lòng một cách khó tả.
“…Bao nhiêu lần vào sinh ra tử rồi, lần này thì cũng thế thôi, chứ có quái gì mà bận tâm…”
Tiếng A Kía rù rì hỏi:
-Mai mình hành quân hả, ông thày ?
-Ừ ! Nhưng chỉ có Trung Đội bốn thôi, A Kía có đi với tao không, hay muốn đổi truyền tin khác?
-Ý đâu có được ! Em đi với Trung Úy chớ, làm sao mà đổi kỳ cục dị…
-Tại vì đây không phải là nhiệm vụ của đại đội…A Kía có quyền xin đổi, nếu không muốn đi theo tao…
-Ông thày đi đâu, em đi đó…Đồng sanh đồng tử mà…Ví lại, ông thày có vợ con mà còn dám đi, em độc thân, hổng lẽ nhát hơn ông thày sao ?
Thụy dụi cái tàn thuốc xuống cỏ, cười khe khẽ trong cuống họng, vì lời nói nhiệt tình mang đầy tính cải lương của người thuộc cấp.
-Nhưng …sao mày chưa lấy vợ, A Kía?
-Lính nghèo thí mẹ, tiền đâu mà lấy vợ, ông thày.
-Mày nói vậy, bộ lính ở giá hết hay sao…
-Hổng phải vậy, nhưng…
-Nhưng cái con khỉ, tao nghe nói tháng lương nào mày cũng đem cúng vô sòng xập xám hết phải không ?
-Tại vậy mà con Hai, bồ em nó hăm he cho em đi số de đó…
-Rồi bây giờ mày còn chơi nữa không ?
-Dạ em hứa với nó là em bỏ…mà …mới bỏ đuợc có năm mươi phần trăm hà…
-Không có người phụ nữ nào thích chồng cờ bạc rượu chè đâu, nếu lỡ vương mang, thì cũng phải ráng kềm chế…Mày bỏ năm mươi phần trăm là sao ?
-Mỗi thứ em bỏ một nửa…Cờ bạc thì em bỏ cờ, chỉ đánh bạc , rượu trà, em bỏ trà, mậu nhẩm xà mà nhẩm chẩu lớ…
-…Còn hút sách, thì mày bỏ đọc sách, chỉ hút thôi, trai gái, thì mày bỏ bạn trai, chỉ chơi với bạn gái, đúng không ? Mày mà bỏ cái kiểu đó …chắc con bồ mày nó cũng bỏ mày luôn…
-Coi vậy mà con Hai nó vẫn còn thương em lắm đó ông thầy…
-Vậy là mày có phước rồi…Chứ gặp người khác, chắc đã bỏ mày tám mươi đời vương. Ủa, mà sao nó thương mày dữ vậy ?
-Tại vì nó là học trò của em mà…
-Cái gì ?
-Thì ..thì… em dậy cho nó học ….
-Mày dậy cái giống gì cho con Hai vậy?
-Em dậy nó học tiếng Tàu …
Thụy lại bật cười khùng khục trong cuống họng, có tiếng thằng Tùng, truyền tin nội bộ, thì thào xen vào :
-Trời ơi A Kía mà làm sư phò… nữa hả ?
Thụy đã dằn được cơn cười, hỏi khẽ:
-Đâu, mày kể đầu đuôi câu chuyện tao nghe xem
-Thiệt mà ông thày! Nhà em có cái quán cóc, bán cà phê, bánh bao, xíu mại trong khu xóm người Tàu không hà ! Má em mướn con Hai phụ chạy bàn. Nó không nghe được tiếng Tàu, nên bị khách la hoài. Bởi vậy, nó biểu em dậy cho nó nói.
-Rồi mày dậy nó những gì ?
-Mới đầu em dậy nó đếm số : Dách dì xám xây ựng lục sách bạc cẩu xập….
-Bồi đầm già…
Tiếng thằng Tùng lại chen vào, làm cả mấy thày trò đều phải đưa tay bụm miệng, để tiếng cười không phát ra.
-Rồi sau đó mày dậy tới cái gì ?
-Em dậy nó nói vài ba câu thông thường như “Kỷ tố” là bao nhiêu , “ nị cỏn mát dệ” là anh nói gì ?Nị cỏn xám cỏn xây, là anh nói dóc, “Tố chè” là cám ơn…
Lại tiếng thằng Tùng ngắt ngang:
-A Kía, A Kía có dậy cô Hai nói Ngộ ái nị không ?
- Ê ! Có chế, có chế ngu sao hổng dậy…
Suýt tí nữa thì cả mấy thày trò rơi xuống võng, vì một tràng cười, bị nén lại trong lồng ngực.
-Ông Thày biết hông. Một buổi trưa, hổng có khách, ba má em đi ngủ hết, con Hai mới nói :
-A Kía dạy thêm cho tui một chút nữa đi.
-Cô Hai muốn học cái gì cứ nói tiếng Việt đi, tui nói lại bằng Tiếng Tàu há.
-Ừa ! tui bắt đầu nhe : Anh Hai, anh muốn uống cái gì ?
-Tài Cố, nị nhẩm mát dệ ?
-Tui uống cà phê.
-Ngộ nhẩm café
-Cho tui một cái dầu cháo quẩy
-Bỉ ngộ dách cô dầu cháo quẩy.
-Bao nhiêu tiền một cái bánh bao ?
-Kỷ tố dách cô tài páo?
-Ba đồng một cái…
-Xám mắn dách cô…
-Cho tui một ly cà phê đen.
-Bỉ ngộ dách cô xây chừng…
Ngày nào cũng vậy, đợi cho ba má đi ngủ trưa, là em mon men xuống bếp, dạy con Hai học tiếng Tàu.
Con Hai dáng người thon thả, đẹp hết xẩy luôn đó, tóc để dài, chải dầu dừa bóng lưỡng, làm em mê mệt cả tâm hồn, nằm chiêm bao thấy nó hoài.
Em biết con Hai cũng khoái em nữa đó ông thày.
Một bữa nọ, thấy nhà vắng vẻ, mà con Hai đang ngồi chải tóc một mình, em hỏi nhỏ:
-Hai à ! Hai có piết … Nị hủ leng là gì hông ?
-Hổng biết…
-Là …là cô đẹp lắm đó.
Con Hai đỏ mặt sung sướng, làm em muốn ngất ngư con tàu đi.Rồi em hỏi tiếp :
-Rồi …Hai có piết Ngộ…ái ..nị là gì …hôn dị ?
-Hổng biết luôn…chưa có học mà…
-Thì bi giờ học nè…
-Ngộ…ái nị…là …gì …dzậy ?
-Là…là…anh yêu em …đó…
Con Hai cúi mặt mắc cỡ, rồi nói một câu làm em chới với:
-Nị cỏn xám cỏn xây, ngộ tả nị xảy á…
-Kía hổng có cỏn xám cỏn xây, hổng nói xạo đâu…
-Ai mà tin được, Kía là con ông chủ, còn Hai chỉ là người làm công…
-Ngộ thề có Quan Công làm chứng, ngộ ái nị thiệt đó, ngộ ái nị mà nị không ái ngộ, thì ngộ …ái ngại …lắm đó !
Lại tiếng thằng Tùng xen vào :
-Ngộ ái nị mà …nị hổng ái ngộ…thì ngộ ái ngại, dồi ngộ ôm đại lớ…
Cả mấy thày trò lại ôm bụng, nén tiếng cười.
-Tùng để cho A Kía kể tiếp đi.
-Rồi cái em dòm trước dòm sau, thấy không có ai, em liền nắm tay con Hai. Chu cha ơi, cái bàn tay mới mềm mại, mới mát mẻ làm sao đâu á!
-Hai à ! Nị hủ leng lớ, ngộ …ngộ ái nị lớ…
-Ngộ …ngộ…cũng ái nị …nữa…
-Vậy là từ đó, hai đứa yêu nhau, bưổi trưa nào em cũng xuống nhà bếp…dạy tiếng Tàu cho con Hai.
Tiếng thằng Tùng lại chen vào :
-Dậy tiếng Tàu thôi, hay có làm gì con người ta không vậy A Kía ?
-Tầm pậy nè, ngộ đâu có làm gì. Rồi em đăng lính Biệt Động Quân. Con Hai vẫn ở nhà phụ với ba má em bán quán cà phê, nó nói sẽ chờ em dìa.
-A Kía có thể hoãn dịch, vì là người Tàu, sao đăng Biệt động quân chi vậy ? Tùng lại cắt ngang lời Kía.
-Tui là người Tàu, nhưng ở trên nước Việt Nam, thì phải bảo vệ Việt Nam chế. Để tụi chó chết Việt Cộng ló vô đây, A Kía cũng đâu có được sống yên ổn.Thôi để tui nói tiếp há …
…Ông thày biết hông, Bi giờ con Hai nói tiếng Tàu dành lắm rồi đó. Có bữa được về phép, nó dám chọc em nữa chế, nó nói:
-A Kía biết…Xám cô dành xực dách cô xường toại…là gì hôn dị?
-Em ngơ ngẩn, bởi vì nghe cái âm thì có pha tiếng Tàu, mà cái nghĩa thì bù trất. Con Hai cuời lớn, nói :
…Là xám cô dành… xực dách cô xoài tượng, tức là ba cô dành ăn một trái xoài tượng đó…
Thụy phải lấy cái khăn tay nhét vào miệng để tiếng cười không phát ra giữa đêm khuya thanh vắng.
-Thôi khuya rồi.Ngủ đi mai còn phải lội đó…
Mấy thày trò cùng im lặng, nhưng không phải giấc ngủ có thể đến một cách dễ dàng, khi mà những ý tưởng hài hước vẫn còn lảng vảng trong đầu họ, qua câu chuyện ngô nghê của chú Tàu A Kía.
***
Trời chưa sáng, đoàn quân đã xuất phát, lên đường.
Thụy phân chia tất cả thành bốn toán, mỗi toán được chỉ huy bởi một Hạ Sĩ Quan xuất sắc, mà anh đã lựa chọn.
Tất cả đều được trang bị hệ thống truyền tin liên lạc trực tiếp với anh.
Dẫn đầu là ba người lính Viễn Thám của Liên Đoàn, đến một Toán xung kích, rồi đến ban chỉ huy của Thụy. Còn lại, tất cả một hàng dọc lặng lẽ di chuyển trong lúc sương đêm còn se lạnh, ướt đẫm vai áo mọi người.
Nhờ trang bị nhẹ, nên họ lòn lách một cách dễ dàng để tránh né những trạm gác của bọn chúng trên đường đi đến mục tiêu.
Tất cả những đoạn đường họ đi qua, đều được xóa hết dấu vết, phòng khi trở về không bị phục kích.
Đi qua một con suối nhỏ, thấy hai tên còn căng võng ngủ tỉnh bơ, AK dựng một bên, khiến nhiều anh em nổi điên, muốn bước đến vặn cổ chúng cho rồi.
Đến một cánh rừng lồ ô khác, thấy vài cái lều của bọn chúng vẫn còn im ắng trong giấc ngủ nướng.
Nhưng cả toán đều lặng lẽ vượt qua, vì tiêu diệt bọn chúng không phải là nhiệm vụ chính. Mà mục tiêu là bộ chỉ huy trung đoàn kìa.
Trên bầu trời cao, trong vắt, không gợn một áng mây, những cánh én bay lượn lờ một cách vô tư lự.
Cạnh bìa rừng, những tiếng hót líu lo của các loài chim muông đủ loại như chào đón chúa xuân, khiến mọi người nghe tâm hồn trở nên thư thái.
Phải chi những kẻ ngông cuồng không đem tham vọng áp đặt lên dân tộc, thì một buổi sáng mùa Xuân trong lành như thế này sẽ đẹp đẽ biết bao.
Khoảng gần mười giờ sáng, Thụy ra lệnh cả toán dừng lại nghỉ chân bên một cánh rừng thưa, sau bốn năm tiếng đồng hồ băng rừng vượt suối, nhưng vẫn bố trí nghiêm nhặt. Theo dõi trên bản đồ, và phối kiểm với anh em Viễn Thám, Thụy biết là anh còn cách mục tiêu không xa nữa. Có thể chạm súng với các đơn vị tiền đồn của địch bất cứ lúc nào.
Sau khi quan sát, thấy ở đây có vẻ tạm an toàn, anh cho lệnh các toán dùng cơm trưa.
Thụy liên lạc với những đơn vị yểm trợ, và biết là tất cả vẫn đang theo dõi từng bước đi của các anh.
-Tango yên tâm đi, ở nhà lúc nào cũng theo dõi bước chân mày, đã có một trung đội 155 sẵn sàng yểm trợ tối đa.Và xin được được một phi tuần trực thăng võ trang nữa đó…
Tiếng Thiếu Tá Minh Tiểu Đoàn Trưởng, vang lên khe khẽ qua ống liên hợp, khiến anh thêm vững tâm.
Mười một giờ, đoàn quân lại lặng lẽ lên đường, sau khi đã chôn dấu những vỏ lon đồ hộp, bịch nylon gạo xấy và xóa hết những vết tích trên cỏ.
Toán quân vừa vượt qua một trảng cỏ tranh rộng lớn, để đến một cánh rừng lồ ô rậm rạp.
Đoàn quân vẫn như một con rắn dài ngoằng, trườn đi nhẹ nhàng giữa những thân cây lồ ô to bằng bắp chân thẳng tắp, vươn cao lên trời xanh.
Bỗng mọi người chựng lại, Thụy hỏi Tùng, mang máy nội bộ :
-Chuyện gì vậy Tùng ?
-Dạ, anh em viễn thám mời thẩm quyền lên phía trước.
Thụy bước nhanh tới, A Kía và Tùng cũng vội vã nối gót theo.
Người trưởng toán Viễn Thám vừa chỉ vào những dấu chân còn mới, vừa thì thầm với Thụy :
-Thẩm quyền coi kìa, cỏ còn đang ngóc đầu lên, vậy là chúng nó mới đi qua đây thôi.Mà có lẽ đông lắm.
Anh gật đầu đồng ý với nhận xét của người lính Viễn Thám, vì thân cỏ bị đạp rạp xuống, tạo thành một vệt dài, khá rộng, chứng tỏ có nhiều bước chân dẫm lên.
Anh nhìn xuống bản đồ, so lại phương hướng trên cái địa bàn, để xác nhận lại một cách chính xác vị trí của mình.
-Mình đang ở rất gần với mục tiêu rồi…
-…Lày các đồng chí, chặt những cây thật to vào ấy nhé…khẩn trương nên, không đạt chỉ tiêu chiều lay về nại bị kiểm điểm đấy…
Chợt tiếng nói lồng lộng từ trên gió đưa xuống, rồi thì âm thanh của những nhát mã tấu phạt vào cây lồ ô nghe sắc ngọt vang lên rõ mồn một.
Thụy bước lui về phía sau, ra thủ hiệu cho tất cả sẵn sàng chiến đấu.
Nơi đây thật sự không phải là một chiến trường lý tưởng, vì những bụi lồ ô chẳng thể là vị trí ẩn nấp an toàn. Nhưng được cái, mình phát giác địch trước, và quyền quyết định nổ súng là ở phía mình.Tiên hạ thủ vi cường mà.
Hơn bốn mươi người lính nấp dọc theo con đường mòn mà bọn địch quân vừa đi qua sáng nay.
-Một, hai, ba đây Tango .Tất cả phải tuyệt đối im lặng, mục tiêu chúng ta là phía trước, bất khả kháng, mới đuợc nổ súng…
Tạch… tạch… tạch…
Anh chưa dứt câu nói thì tiếng súng M16 đã nổ ran trước mặt.
-Tango đây một gọi, tụi nó đi ngay vô gia đình tui..
-Chơi luôn…
Tiếng súng AK chống trả một cách rời rạc, vì hình như bọn chúng nghĩ nơi này là an toàn khu, nên có vẻ lơ là.
Thế là toán cán binh đi chặt cây về làm hầm, đều được đưa về chầu diêm vương.
Những tràng M16 vừa dứt thì hàng loạt tiếng depart của súng cối 61 ly, 82 ly, pha trộn với tiếng súng nhỏ, súng lớn, súng cộng đồng đủ loại, râm ran vang lên ngay sau lưng, tạo thành một bản hợp tấu kinh dị của thần chết.
Ầm… ầm… ầm…
Tạch… tạch… tạch…đùng …đùng… ầm
Cả một màn lưới lửa chụp xuống cánh rừng lồ ô.Thân cây đổ gẫy răng rắc, tiếng người la hét, rên rỉ vì trúng đạn, tiếng hô xung phong dậy đất.
-…Hàng sống chống chết, hàng sống chống chêt…”
-Một, hai, ba Tango gọi?
-Dạ một nghe Tango.
-Dạ hai…nghe rõ.
-Ba nghe thẩm quyền…
-Tất cả bám lấy vị trí, tụi nó chỉ hù thôi chứ không dám xung phong đâu. Pháo binh sẽ bắn yểm trợ liền.
Anh quay qua cầm máy liên lạc với Tiểu Đoàn, sau khi đã quan sát trái khói bắn điều chỉnh:
-Đại bàng đây Tango, phải một trăm mét, gần lại 50 chục mét, bắn, trả lời.
-Gần lại 50 chục mét thì sát mày quá đó Tango, rất nguy hiểm.
-Không sao đâu đại bàng, tụi tui zulu… bắn hết.
Qua hỏa lực của địch vừa phản công, anh đã xác định được, đó đúng là vị trí của bộ chỉ huy trung đoàn cộng quân. Chỉ cách anh chừng hai trăm thước.
Ầm… ầm… ầm…
Tiếng đạn 155 ly nổ vang dội, át hẳn những tiếng nổ đã rời rạc của các loại súng cá nhân, từ trong phòng tuyến địch.
-Đẹp lắm, bắn hết...
-Tango, ông núp xuống cũng điều chỉnh pháo được mà, đứng vậy nguy hiểm lắm…
Thụy chưa kịp làm theo lời khuyên của Thượng sĩ Tốt, toán phó, bỗng anh giật nảy mình lên một cái, và nghe buốt lịm cánh tay bên phải.Cơn đau truyền nhanh lên óc, cho biết là anh vừa lãnh một viên đạn của đối phương.
Một giòng máu tuôn nhanh, ướt đẫm tay áo trận.
-Chết mẹ, Tango áo vàng rồi ! ( Bị Thương )
Thụy đặt ngón trỏ của bàn tay trái lên môi, ra dấu cho Tốt im lặng, trong khi đó, Y tá Khiết đang loay hoay cắt tay áo của anh để băng bó vết thương. Anh thì thào với Thượng Sĩ Tốt:
-Đừng cho anh em biết gì cả…
Anh bốc máy nội bộ bằng tay trái:
-Một hai ba đây Tango, tất cả nghe lệnh, chúng ta từ từ zulu về đường cũ, để cho gà cồ và chuồn chuồn làm việc. Bắt đầu từ thằng ba, lên đường, nói các thẩm quyền giữ đội hình nghiêm chỉnh, bằng mọi cách đưa tất cả áo vàng, áo đỏ theo, nếu có…
Anh quay qua liên lạc với Tiểu Đoàn ;
-Đại bàng đây Tango, xin lỗi đại bàng, chắc không thể hoàn thành nhiệm vụ, vì tôi đã mặc áo vàng.
-Vậy thì rút đi. Có nặng không ?
-Dạ, không sao, xin đại bàng tiếp tục cho gà cồ gáy, sau khi chúng tôi zulu, sẽ kéo gần lại để tránh bị tụi nó truy kích…
-OK tao hiểu, sẽ đưa chuồn chuồn lên ngay.
Tiếng ù ù của những chiếc trực thăng võ trang đã rõ dần nơi phương trời xa, trong khi cả toán vừa bắn, vừa thối lui, về đường cũ.
Ầm… ầm …ầm…
Những loạt đạn rocket từ các trực thăng võ trang bắn xuống một cách hiệu quả, và chính xác, đã giúp cả toán rút lui an toàn.
Lễ và Linh hai chú lính sữa, đệ tử trung thành lúc nào cũng kè sát một bên Thụy, dìu bước anh đi qua những hố sâu, những con suối cạn…
Khi tiếng súng cá nhân của địch chỉ còn nghe rất mơ hồ từ đàng xa vọng lại.Và rồi mất hút hẳn.Thụy cho anh em tạm dừng chân để kiễm điểm quân số, và cũng để anh có cơ hội nghỉ ngơi một chút.
Chỉ có bốn người bị thương đều được đem theo và Thụy là năm.
Toán một của Trung sĩ nhất Hạnh còn tịch thu được hai khẩu AK 47 và một CKC.
Tiếng bắn phá của những chiếc trực thăng vẫn vần vũ trên không, khiến cả toán cảm thấy yên lòng hơn.
Tốt lên tiếng :
-Mình đi khoảng ba cây số nữa thì có một trảng tranh lớn, có thể làm bãi đáp được đó Tango.
Thụy nhìn vào bản đồ, ước lượng khoảng cách đến vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn, nơi này có thể là trung điểm.
Tương đối an toàn rồi.
Máu vẫn thắm ướt ra ngoài lớp băng mà Khiết mới thay cho anh.Thụy liếm môi:
-Cho tôi xin ngụm nước.
-Tango đừng xuống nước nhiều quá, chảy máu nữa đó.
Anh gật đầu, cầm ống liên hợp, nói chuyện với Tiểu Đoàn.
-Khoảng chừng hơn một giờ nữa chúng tôi sẽ đến điểm H, để bốc mấy thằng em áo vàng.
-Tao đã đưa một râu (một đại đội) của thằng Chấn ra đó đón Tango. Mày liên lạc hàng ngang với nó đi.
-Cám ơn Đại bàng.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, Thụy bắt tay được với đại đội bốn của Đại Úy Chấn, ngay tại bãi đáp.
Anh em gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, vì khó có thể ngờ Thụy còn được an toàn trở về với ba chiến lợi phẩm.
Ngồi dựa lưng vào thành máy bay tải thương đang bốc lên cao, Thụy nghe lòng dâng lên một nỗi xúc động nghẹn ngào .
Những người bạn, những chiến hữu, những đồng đội của anh dưới kia nhỏ dần, nhỏ dần, và mờ nhạt trong sương chiều lãng đãng. Nhưng khí phách của họ, tinh thần huynh đệ chi binh của họ, sẽ không bao giờ có thể mờ phai trong anh .
Ánh nắng chiều Xuân chỉ còn thoi thóp, trên những ngọn cây đang vùn vụt lướt qua dưới thân máy bay.
Họ, những người chiến sĩ ấy vẫn âm thầm, lặng lẽ đón xuân nơi rừng sâu, núi thẳm, vẫn xả thân để tạo nên những chiến tích lẫy lừng, những chiến tích thấm máu đẫm của họ, vẫn cợt đùa với thần chết, để giữ yên bình cho mọi người. Và vẫn yêu đời với những lời lẽ tỏ tình hết sức ngây ngô như A Kía đã nói :
-…Nị hủ leng…Ngộ… ái… nị…lớ…
Wichita, KS -15 Năm ly xứ