Thursday, July 29, 2010


NỖI BUỒN CHIM ĐA ĐA

Viết theo tâm sự của những người con gái bất hạnh.

…Có con chim đa đa, nó đậu cành đa.
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa,
Có con chim đa đa hót lời nỉ non,
Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son.
Để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa…


Tiếng hát như những lời thở than của người ca sĩ phát ra từ cái máy nghe nhạc để trên bàn ăn đã chấm dứt khá lâu, mà Loan vẫn ngồi im bất động.
Trên tay còn đang cầm miếng bánh mì nhai dở dang.
Cô gục đầu xuống bàn, mặc cho những dòng lệ lăn dài trên khóe mắt.
Từ lúc được ông Hà bảo lãnh sang Mỹ đến nay, đã gần hai năm rồi, người bạn thân thiết nhất của cô chính là cái máy nghe nhạc này.Và bản nhạc có những lời trách móc nỉ non ấy, cô đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần.
Mỗi lần nghe xong cô lại không ngăn được dòng lệ.
Cô nghe để vừa thấm thía nỗi đau trong lòng, vừa oán trách người đời đã quá dửng dưng trước những bất hạnh của kẻ khác, mà đem bán rao không thương tiếc.
-“…Mày thật có phước, được một người đàn ông như ông Hà về cưới, tuy ổng hơi lớn tuổi một chút, nhưng như thế lại lịch lãm, biết chiều chuộng, săn sóc vợ hơn là những cậu trai chỉ biết lăng quăng tán tỉnh hưu vượn.”
Bạn bè đã chúc mừng Loan một cách chân tình như thế, khi cô quyết định nhận lời lấy ông Hà qua sự giới thiệu của chú Thái:
-Cháu yên tâm đi Loan ạ ! Anh Hà là bạn của chú và cũng là một thuộc cấp của ba cháu ngày xưa. Nay ba cháu đã mất, mẹ cháu một nách mấy đứa con thơ, cuộc sống khó khăn chật vật như thế, nếu cháu bằng lòng lấy anh Hà có lẽ mẹ cháu và các em sẽ đỡ khổ phần nào.Tội nghiệp cho chị ấy ! Cả một đời chỉ biết lo lắng cho chồng con.
Mà anh Hà thì góa vợ đã mấy năm nay rồi…Đâu có gì ràng buộc…
Cái khổ của mẹ, thì Loan đã chứng kiến từ những năm còn nhỏ, khi ba mới đi tù cải tạo.
Đói ăn, thiếu mặc thường xuyên…
Có những buổi sáng, mấy chị em chia nhau vài muổng bo bo, rồi uống một ca nước lạnh thật lớn để đánh lừa bao tử, trước khi cùng với mẹ ra đại lý nhận những xấp giấy số đi bán lẻ khắp nơi.
Chẳng bao giờ cô có được những bữa ăn no lòng, chứ nói gì đến ăn ngon miệng.
Thế mà cô và đàn em bốn đứa cũng vẫn cứ như những loài cỏ hoang, vươn lên dưới ánh mặt trời, vượt qua những nắng mưa dầu dãi để sống còn cho đến khi Ba được tha về.
Cũng chỉ hơn năm sau ba lại ra đi, mà ra đi một lần miên viễn sau những tháng năm đói rét, bệnh tật trong trại tù khổ sai
Má già yếu lại càng còm cõi hơn từ dạo ấy.
Các em bây giờ cũng đã lớn bộn, nhưng vô công rỗi nghề, vì đâu được ăn học đến nơi đến chốn.
Gánh nặng trút hết lên đôi vai người chị mảnh dẻ.
Đồng lương ở một cơ sở may gia công , chắt chiu lắm cũng chẳng đủ để mua lương thực đổ vào bốn cái cối xay trong nhà.
Cô bây giờ đã trở thành môt cô gái đang ở lứa tuổi dậy thì, thắt đáy lưng ong, tóc thề buông xỏa.
Đã có đôi lần nghĩ quẩn, cô muốn buông thả, đi làm một cái nghề rất thịnh hành thời mở cửa để giúp đỡ cho mẹ và các em.
Nhưng lại bị mẹ ngăn lại bằng câu :
-“ Giấy rách phải giữ lấy lề…con ạ ! Đừng làm gì tủi vong linh ba con nhé !”
Thế nên khi ông Hà ở Mỹ về, tìm thăm lại bẹn bè cũ và được đưa đến gia đình Loan, đã là một cái tin giật gân đối với khu xóm lao động nghèo nàn này.
-Con Loan có Việt Kiều về coi mắt, đã ghê nơi đi nhe!
-Hèn chi lâu nay nó đâu thèm để ý gì đến bọn con trai trong xóm mình.
Mỗi người một câu là như là chuyện có thật vậy.
Mà họ nói vậy chứ cũng chưa đúng hẳn, bởi Loan cũng một đôi lần hò hẹn với Quang là con của Chú Tư xích lô ở đầu xóm. Họ có cảm tình với nhau, nhưng cũng chỉ mới ở mức độ nắm tay nhau mỗi lần Quang cố tình đón Loan đi làm về trễ, nơi đầu ngõ.
Thế rồi, khi ông Hà nhờ Chú Thái ngỏ lời với mẹ, thì các em cô đã nhẩy cỡn lên, mừng vui như ngày còn nhỏ được ăn đầy một bát bo bo.
Mẹ thì lặng thinh, nhìn Loan như chờ xem ý kiến của cô. Nhưng dường như trong sóng mắt của mẹ ẩn chứa một niềm vui khó tả.
-Thưa mẹ ! Mẹ và chú Thái đã lo lắng sắp đặt cho con như thế, con nào dám cãi lời ạ !
Niềm vui òa vỡ trong mắt mẹ, niềm vui tràn đầy trên mặt chú Thái và niềm vui cũng rạng rỡ nơi đôi môi cười thật tươi của ông Hà.
Chỉ có Loan là nghe trong lòng héo hắt.
Khi ông cười cũng đâu đến nỗi già lắm, chỉ mới ngoài năm mươi.

Nhờ có cuộc sống vật chất sung túc, nên trông trẻ hơn cả chục tuổi.

Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời,
Ngày anh bốn muơi, em mới tròn đôi mươi….


Thì đã sao đâu.
Miễn mình giúp đôi vai gầy của mẹ trút bớt được gánh nặng. Các em có những bữa ăn no lòng, nhất là làm sao để cái nơi đặt tấm ảnh thờ của ba không còn bị những giọt mưa phũ phàng tuôn xuống làm nhòe nhoẹt đi nữa.
Thế là mọi thủ tục được gấp rút tiến hành, qua ngã vị hôn thê chứ không là vợ chồng,và chỉ mấy tháng sau, Loan đã có mặt trên đất nước thiên đường này.
Từ đó đến nay, cô đã thấm thía được nỗi buồn của cái cảnh:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.


Ông Hà chăm sóc cô từng ly từng tý, đối xử với cô thật tốt:
-Loan không cần phải đi làm, hàng tháng, anh sẽ đưa tiền em gởi về cho mẹ và các em. Học lái xe hả ? Làm gì cho phiền toái, đi đâu đã có anh là tài xế cho em được rồi. Đến những nơi hội hè đình đám chỉ thêm nhiễu sự, chốn ấy chúa là hay thị phi, dòm ngó người này, người khác…
Đã gần hai năm nay, cô yên phận trong ngôi nhà kín cổng cao tường này. Chỉ còn biết bầu bạn với cái máy hát và những bài ca đại loại như Tiếng Hát Chim Đa Đa, mấy ai thấu hiểu tâm trạng của cô…
Cô không phải là chim đa đa, mà là một loài chim kiểng được chưng trong lồng son, gác tía để mỗi ngày ra vào gậm nhấm nỗi buồn tha hương và nghe lời oán trách nỉ non :

Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn non,
Để con chim đa đa, ngậm ngùi đành bay xa…



Thủy Gia Trang-15 năm ly xứ.
Wichita, Mùa Xuân 2010



Sunday, July 18, 2010

.


.LỜI YÊU
Một giây vắng tiếng em cười.
Tim anh thổn thức, đất trời quạnh hiu.
Một phút không nói lời yêu.
Em ơi ! Nhớ lắm, nhớ nhiều ghê đi.
Một giờ chẳng được thầm thì.
Lòng anh héo hắt, còn gì niềm vui.
Một ngày không gọi nhau thôi.
Ra vào ngơ ngẩn, đứng ngồi chẳng yên



Friday, July 16, 2010

BÉ NGỌC (CON ANH CHỊ NAM ) VÀ PHƯƠNG THẢO
CÁC TRẠI VIÊN 520 VÀ QUẢN GIÁO
Phụ Dâu, Phương Thảo,Vị Thủy và Hương Thủy
THÂN PHỤ ĐÁP TỪ

Tuesday, July 13, 2010

ĐÁM HỎI VỊ THỦY

SONG THÂN VỊ THỦY




VỊ THỦY




CHUẨN BỊ RA KHƠI




CHUYẾN TÀU HOÀNG HÔN

Friday, June 25, 2010



HẠNH PHÚC BUỒN

Tặng NTKH

Đam mê những phút bên người,
Càn khôn đảo lộn, đất trời cuồng quay
Men nồng, chưa nhấp đã say,
Nụ tình vừa chớm đã ngây ngất lòng.
Dìu nhau vào cõi hư không,
Bơi trong hạnh phúc giữa mông mênh buồn





LỜI CHO NGƯỜI TÌNH

Tặng NTKH


Cám ơn người cho tôi niềm hạnh phúc,
Dẫu chỉ là những khoảnh khắc phù du,
Mà tưởng chừng như đã tự nghìn thu,
Hai tâm hồn cùng có chung thể xác.

Phương trời xa, tiếng gíó reo xào xạc,
Âm thanh nào là ngôn ngữ con tim ?
Hồn chơi vơi, ta lặn ngụp đi tìm,
Phút giây ấy, ngàn đời còn ghi dấu.

Nỗi niềm này, hỏi trời cao có thấu?
Tạo chi nên bao nhiêu cảnh cơ cầu .
Sẽ về đâu, tình ta sẽ về đâu?
Giữa cuộc sống với chông gai muôn vạn?

Dù mai đây, có non mòn biển cạn.
Thì tình này vẫn sống mãi trong tôi.
Những ngọt ngào ấu yếm ấy, người ơi !
Là hạnh phúc trọn đời tôi ghi nhớ.






LỜI TÌNH YÊU



Này anh đứng lại ven đồi,
Dựa lưng vách núi, ngỏ lời cùng mây.
Lòng em chỉ một nơi này,
Dưới chân Thủy lộ thương hoài ngàn năm.

Em có trong tim một mối tình
Mối tình đẹp tựa ánh trăng thanh,
Mai này dẫu trải bao dâu biển,
Vẫn còn giữ mãi bóng hình anh.

Yêu anh, em vẩn biết,
Tim anh đã chứa đầy,
Nào Hồng, Đào, Cúc, Trúc
Phút nào của em đây ???


NTKH

Wednesday, June 23, 2010



NỖI NHỚ CÒN VƯƠNG !


Tặng người phố núi
Để nhớ 35 năm rời xa Pleiku
3/1975 -3/2010


Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Ôi! Quê hương, một thuở đã mờ xa.
Có những đêm, lệ buồn doanh mắt đỏ.
Nhớ làm sao những kỷ niệm ngọc ngà.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Con đường xưa, xào xạc lá me bay,
Lá tung tăng, lá cợt đùa với gió,
Rồi nhẹ nhàng, lá hôn trộm tóc mây.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Những chiều vàng, ta dìu bước nhau đi.
Đôi mắt nai ngại ngùng như mắc cỡ.
Áo học trò, quấn quýt áo trây di.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Nhớ để buồn, để thương tiếc… khôn nguôi.
Thật xa xăm mà hồn sao cứ ngỡ…
…Nghe đâu đây, văng vẳng tiếng em cười…

Dương Thượng Trúc.
Wichita, Mười lăm năm lạc xứ…

Saturday, February 6, 2010

Tuesday, February 2, 2010



NHỮNG CÁNH THƯ XUÂN



Dập dìu én liệng trời cao !

Mai Lan hé nhụy, Cúc Đào đơm bông.

Nắng Xuân sưởi má em hồng,

Cho niềm vui tỏa mênh mông đất trời.

Phải, khi mùa xuân về, cỏ cây hoa lá ngạt ngào hương thơm, chim muôn đua hót líu lo, chào mừng nàng xuân xinh đẹp.

Phố phường rộn rã tiếng reo cười, nhà nhà hòa chung niềm vui của nhân thế…

Nhưng vẫn có những con người lầm lũi đón xuân nơi rừng sâu núi thẳm, hay một góc núi chân đèo nào đó.

Họ đón Xuân không rượu ngon, bánh ngọt mà đón xuân bằng những túi lương khô, với những phần thịt hộp và chong mát nhìn hỏa châu đốt sáng màn đêm !

Họ đón xuân không bên những người thân thuột thịt, mà chỉ là những đồng đội trong tình huynh đệ chi binh.

Họ đón xuân chẳng mơ ước cao sang, chỉ mong được đóng nhận những tình cảm chân thành từ những ngưòi đang sống ở hậu phương yên bình.

Họ là ai ? Đó chính là những Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đang ngày đêm gác giặc ngoài biên cương để cho toàn dân được an tâm vui hưởng trọn vẹn mùa Xuân của Đất trời.

Xin hãy dành một chút thời gian nào đó dù ngắn ngủi, để nghĩ đến họ, như tâm tình của một cô nữ sinh bé bỏng, ngây thơ sau đây.



THƯ XUÂN HẬU PHƯƠNG

Ngoại ô Saigon, Ngày …tháng …năm…

Kính Gởi anh Nguyễn Bảo Quốc !

Em đã đắn đo, chần chừ thật lâu, trước khi đặt bút viết cho anh những giòng chữ này.

Em e ngại rằng anh sẽ cho là em quá đường đột !

Mà cũng có thể lắm chứ ! Ai đời con gái lại đi viết thư cho con trai trước anh nhỉ !

Nhưng tâm tư em cứ làm sao ấy ! Nó giằng co, nó thôi thúc…

Lý trí thì bảo em đừng, mà tình cảm thì ngược lại !

Cuối cùng, anh biết tại sao mà lá thư này được hoàn tất để gửi đến anh không ?

Em đã phải ra bứt một nhánh mai nho nhỏ ngoài vườn, để nhờ nó quyết định giùm em đó !

Anh biết chuyện bói lá lúc còn đi học chứ ?

Chắc anh buồn cười lắm nhỉ ! Buồn cười vì cái sự ngu ngơ rất trẻ con của em dù rằng em sắp làm cô Tú rồi …

Đang độ cuối Đông, ban đêm sương xuống lành lạnh, nên khi ra vườn em phải khoác thêm một cái áo len, để tránh bị cảm. Khu vườn tối đen như mực, chỉ có chút ánh sáng vàng vọt từ ngọn đèn ngoài ngõ rọi vào, khiến em mấy lần bị vấp ngã đấy !

Bây giờ vào đây rồi, ngồi bên cái bàn học, trong không khí tĩnh lặng của đêm trường, em nghe lòng dậy lên một niềm thương cảm khôn tả.

Và tự lúc nào không biết, những giòng lệ xót xa cứ mặc sức tuôn trào.

Em khóc, và khóc thật nhiều khi nghĩ đến các anh…

Chỉ một tí sương đêm thôi !Em đã phải khoác áo len vì sợ bị bịnh ! Còn các anh thì sao ? Ngày đêm giầm sương, giãi nắng, đối diện với bao nhiêu gian lao, cực khổ mà nào có nghe thấy anh than van chi đâu !

Vẫn tươi cười, vui vẻ tiếp đón tụi em, mặc dù phái đoàn em đến đơn vị anh quá sớm, lúc đó các anh mới đi “ phục kích đêm” về, nên quần áo còn ướt đẫm sương khuya, khuôn mặt anh nào anh nấy phờ phạc, có lẽ vì thiếu ngủ- Mà đi phục kích thì làm sao mà được ngủ ! Anh nhỉ !

Nhưng nụ cười thì rất tươi và ánh mắt rất tinh anh…

Những danh từ nghe thật lạ lẫm với em, nhưng nhờ nghe anh giải thích, nên em đã hiểu được phần nào.

Chập choạng vấp ngã mấy lần trong chính khu vườn quen thuộc, mà mình đã từng sống từ những ngày ấu thơ-May là còn có ánh đèn từ ngoài ngõ chiếu vào …

Còn các anh ! Giữa rừng đêm âm u, với muỗi mòng, rắn rết, với mìn chông, hiểm độc và bao nhiêu cặp mắt cú vọ của quân thù luôn rình rập mong cướp đi tuổi thanh xuân tươi đẹp của các anh !

Thế mà các anh vẫn đi ! Đi để cho em được yên ấm ngồi trong căn nhà nho nhỏ, nhưng đầy ắp tình thương yêu này, để em phải đắn đo là có nên viết thư cho anh hay không dù chỉ một lần gặp gỡ khi em theo phái đoàn của trường đi thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ nơi tiền đồn, nhân dịp Xuân về.

Em thật sự thấy hổ thẹn với chính mình !

Chỉ vài năm trước đây thôi !

Anh cũng là một sinh viên, học sinh như em. Cũng ngày hai buổi tung tăng cắp sách đến ttrường-Cũng vô tư, vui đùa cười cợt cùng chúng bạn, cũng xây đắp biết bao nhêu hoài bão cho tương lai.Cũng yêu đương mơ mộng, và cũng biết nhớ thương vời vợi, những cuộc tình hoa mộng của tuổi học trò…

Thế mà nay, anh ngày đêm đối diện với nắng mưa, gian khổn, với hiểm nguy, chết chóc, để bảo vệ Giang Sơn Tổ Quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến cao nguyên-Anh đi mà có đắn đo suy nghĩ gì không ? Chắc hẳn là không rồi Vì, như anh đã trao đổi với em :

-“ Mình là trai, sinh ra trong thời ly loạn, khi đất nước cần đến thì mình lên đường thôi ! Chứ nào có so đo, toan tính gì đâu !”

Ôi! Tâm hồn của anh mới vô tư, thanh bạch làm sao!

Anh Quốc ơi !

Nói ra càng xấu hổ thêm !

Hôm nay, là lần đầu tiên em theo phái đoàn của trường đi ủy lạo ở một tiền đồn xa xôi như thế đấy !

Từ thời Trung học đệ nhất cấp, năm nào trường em cũng tổ chức cây mùa Xuân chiến sĩ, thêu khăn tay, viết thư gửi cho các anh, nhưng thú thật, em rất lơ là.Vì cha em là Công Chức, mẹ làm nội trợ,không có anh lớn đi lính để có điều kiện hiểu về lính, và dễ dàng cảm thông với lính. Cho nên khi thày cô bảo viết thư cho các anh chiến sĩ tiền đồn, thì em chỉ “ ngoáy” đại vài hàng cho xong chuyện.

Nhưng đến giờ phút này, phải nói là từ buổi sáng nay, khi phái đoàn đặt chân đến nơi các anh đóng quân, nhìn được những sinh hoạt, nghe được những tâm tình, trao đổi những suy nghĩ với các anh, thì em, hình như đã thay đổi thành một con người khác.Hoàn toàn khác…

Em biết đưọc rằng ngoài cái ốc đảo nhỏ nhoi và vị kỹ của bản thân mình, cón có cả sa mạc mênh mông đầy ắp tình người, mà sự hy sinh là vô vị lợi…

Và sự bình yên, hạnh phúc mà mình có được, để ngày ngày tung tăng cắp sách đến trường, vô tư vui đùa cùng chúng bạn, thản nhiên xây dựng mộng ước tương lai …không phải tự trên trời rơi xuống –

Hoàn toàn không phải, mà đã được trả giá rất cao, trả giá bằng sinh mệnh của những người thanh niên trẻ trung như anh, cùng hàng hàng lớp lớp người trai khác, những người đã biết đặt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên hết-Những người đã biết hy sinh cuộc sống cá nhân cho sự tồn vong của dân tộc ! Ôi còn gì cao quý hơn !

Thế mà em nỡ nào lại đắn đo, hẹp hòi trong “Khuôn Vàng Thước Ngọc“

không dám mạnh dạn viết cho anh những giòng thăm hỏi nhân dịp Xuân về.

Lá thư đầu tiên em viết gởi đến anh bằng tâm tình chân thật của một cô nữ sinh thành thị, có thể không chau chuốt mượt mà,nhưng bên trong chất chứa cả một tấm lòng, tấm lòng kính trọng, thương mến dành cho người anh chỉ mới một lần gặp gỡ.

Mùa Xuân sắp về, em xin gửi đến anh lời cầu chúc an bình, lập nhiều chiến công và mong ngày về phép, anh sẽ ghé đế thăm em như lời đã hứa.

Nơi đây, hằng đêm em sẽ Nguyện cầu ơn trên ban cho anh thật nhiều sức khỏe, để tiếp tục cuộc hành trình đầy gian khổ, nhưng cũng vô cùng cao cả !

Hỡi anh! NGƯỜI CHIẾN SĨ QUÂN LỰC VIỆT NAM CÔNG HÒA !

Người em gái mới quen – Vũ Thị Kim Hiền


***

THƯ XUÂN TIỀN TUYẾN !

Tiền Đồn Ben Hét , ngày …tháng …năm…

Kim Hiền thân mến!

Anh thật vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhận được lá thư của Kim Hiền.

Ngạc nhiên vì ngỡ rằng em cũng giống các cô nữ sinh khác-Theo phái phái đoàn của trường đến tiền đồn ủy lạo, thăm viếng tụi như một nhiệm vụ bắt buộc, sau đó, khi trở lại chốn thành đô vui nhộn, trở về với môi trường học đường hồn nhiên, thì mọi chuyện sẽ đi vào quên lãng, như vừa làm một cuộc vui chơi, dạo phố mà chẳng để lại chút ấn tượng gì !

Cho nên, khi nghe người bạn thông báo có thơ, anh còn cự nự nó nữa chứ :

-Mày biết tao là con bà phước, còn chọc quê hoài !

Đến chừng nó vứt cái phạch là thư vào trong hầm , anh mới tin là sự thật.

Nhìn cái tên bên ngoài phong bì, anh còn tự hỏi :

-Tên ai mà là quắc lạ quơ vậy kìa ?

Phải mất một lúc lâu anh mới nhớ ra rằng,hôm ấy em có hứa :

-“Khi về đến nhà, em sẽ viết thư cho anh liền …”

Xin em tha lỗi cho sự thiếu niềm tin ở anh !

Cũng dễ hiểu thôi, mỗi năm, vào dịp xuân về, thường có phái đoàn của các trường nữ lên đây thăm viếng tụi anh ! Nhiều cô đã từng hứa chắc nịch như đinh đóng cột :

Nào là :

“ -Em sẽ viết thư ngay cho anh “ .

Nào là :

“-Em sẽ lên thăm anh bất cứ lúc nào có cơ hội…”

Nhưng rồi :

“ Giữa rừng già anh có thấy gì đâu …”

Nói là nói thế thôi ! Chứ anh chẳng muốn trách móc gì ai đâu !

Anh hiểu được rằng mỗi người có một cuộc sống riêng, có một môi trường riêng-Đòi hỏi người khác những suy nghĩ, những hành động theo ước muốn của mình là không tưởng…

Nên anh chẳng bao giờ chờ đợi cả !

Nhưng , hôm nay, lá thư của em đến với anh thật là một món quà đầu Xuân bất ngờ, và vô cùng ý nghĩa, làm sao anh không ngạc nhiên cho được ?

Sáng hôm ấy, khi đi kích đêm về, nhìn thấy những tà áo dài trắng bay phất phơ trong sân Tiểu Đoàn, thì tất cả anh em đều rất vui. Vui quên cả những mệt nhọc của một đêm mất ngủ giữa rừng già â u.Vui vì từ lâu lắm rồi, chỉ có những thằng lính tóc tai tua tủa, râu ria rậm rạp sống lầm lũi với nhau trong vòng rào kẽm gai của doanh trại - Chứ có tiếp xúc được với ai đâu !

Bây giờ có phái đoàn lên ủy lạo, được trò chuyện với “thế giới bên ngoài “nhất là với các cô nữ sinh, người nào cũng xinh như mộng thì sao mà không vui … Dẫu rằng :

Niềm vui vỏn vẹn được vài trống canh…

Kim Hiền thân mến !

Đọc thư em, anh thấy lòng vô cùng bồi hồi xúc động .

Không ngờ một cô bé có dáng dấp tiểu thư đài các, có nụ cười như đóa hoa hàm tiếu, và có ánh mắt tinh anh, nhanh nhẹn cùng dáng điệu rất trẻ trung, đợt sống mới mà lại có những suy nghĩ vô cùng chin chắn và sâu sắc như vậy.

Có mấy người còn nghĩ đến những điều như em đã nghĩ ?

Có mấy người đã đã dám nói thật nỗi lòng của họ, như em đã làm ?

Dẫu vậy, như anh đã nói với em ở phần trên, mỗi người có một bổn phận, và trách nhiệm riêng, hãy họ tự hành xử sao cho đúng với lương tâm, với lẽ phải là đủ rồi !

Riêng em, thì xin cho anh được ngỏ cảm ơn trước những cảm thông mà em đã dành cho bọn lính tụi anh.

Em nói đúng lắm ! Cách nay chỉ vài năm thôi !Anh cũng đã là một học sinh, rồi là một sinh viên với bao nhiêu hoa mộng trên bước đường tương lai.Cũng ngày hai buổi cắp sách đến Giảng Đường, cũng tung tăng cùng bạn bè vui chơi đó đây, cũng đắp xây bao nhiêu hoài bão cao vời.

Thế mà…Chỉ hơn bốn năm thôi ! Anh tưởng chừng như lâ thật lâu lắm vậy ! Kim Hiền biết tại sao không , vi đối với những người lính tác chiến như bọn anh, thì một ngày biết một ngày, chứ chẳng dám suy nghĩ đên ttương lai dài lâu !

Em đừng nghĩ rằng bọn anh bi quan, thiếu niềm tin vào cuộc sống-Không phải vậy đâu !Bọn anh rất lạc quan, và thậm chí rất yêu đời nữa kìa. Những giữa khói lửa chiến chinh, súng đạn vô tình, ngày đêm đối diện với chết chóc, chia lìa. Nên lúc nào cũng phải tự chuẩn bị cho mình một sự chấp nhận, dẫu rằng đó là sự chấp nhận thương đau.

Em cũng đừng nên ca tụng những người lính quá nhiều như thế !

Họ cũng chỉ là những công dân tầm thường như bất cứ người dân tầm thường nào khác. Nhưng, khi Quốc gia hưng vong, họ nhận biết được phần trách nhiệm của mình, nên lên đường theo tiếng gọi của non sông, mà chẳng hề đòi hỏi một điều kiện gì cả. Bởi họ biết rằng : Nước mất thì nhà tan-Nếu quê hương rơi vào tay ngoại xâm, liệu họ còn cơ hội để tiếp tục học hành, tiếp tục xây dựng những ước mơ cao vời nào khác không ? Hay phải sống trong cùm gông, đọa đầy của kẻ đô hộ.

Lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mình đã chứng minh điều đó. Và những tấm gương hy sinh vỉ dân, vì nước của các bậc tiền nhân còn đó. Lẽ nào những người trai trẻ bây giờ không đủ dũng khí để tiếp bước cha ông ? Cho nên với bọn anh, đây chỉ là nhiệm vụ người trai thời ly loạn- Mà ai cũng phải làm tròn, để khỏi hổ thẹn là cháu con giống dòng Lạc Việt.

Dẫu gì thì anh cũng xin cảm ơn em ! Đã theo phái đoàn của trường lên đến tận đây, giữa chốn đèo heo hút gió để thăm viếng, ủy lạo bọn anh.Những tấm khăn thêu hoa hòe, hoa sói, những lá thư xanh đầy ắp nghĩa tình- dẫu chỉ “ ngoáy đại “ như em đã nói- và những gói quà xuân nho nhỏ nhưng chất chứa cả một tấm lòng, mà chính từ lá thư của em anh mới bắt đầu cảm nhận được và đã làm anh xúc động thật sự.

Cũng chính từ những suy tư của em, từ những giòng chữ mang tình cảm ngọt ngào, và cũng có thể từ những giọt nước mắt âm thầm trong đêm vắng của em, khiến anh cũng đã trở thành một con người khác… Anh không còn cảm thấy thiếu vắng niềm tin ở một điều gi đó !

Nãy giờ mải mê với những đìều gì đâu không hà !

Em cho anh gởi lời hỏi thăm hai bác và các em-Chúc em học hành tấn tới và đỗ đạt trong kỳ thi năm nay.

Và dĩ nhiên, anh chẳng bao giờ dám quên lời hứa là khi được đi phép sẽ ghé thăm em.

Em hãy chuẩn bị từ bây giờ đi, ngay khi cây nêu nhà em chưa hạ xuống, thì đã có một người lính rừng đến nhà chúc tết gia đình em đó.

Một lần nữa xin cảm ơn bao ân tình em đã dành cho những người lính rừng bọn anh, cùng chuyến thăm viếng nơi tiền đồn vắng vẻ này, đã để lại trong anh những bâng khuâng khó tả, và nhất là cánh thư Xuân, cánh thư Xuân của em thật sự là một món qua ngoài sự mong đợi của anh.

Chúc em một mùa Xuân an bình với nhiều mộng đẹp trên bước đường tương lai.

Người lính rừng mới quen.

Nguyễn bảo Quốc


HẠNH PHÚC MUỘN MÀNG
ĐÊM GIÁNG SINH


“…Gớm ! Sao Wichita năm nay đổ tuyết sớm vậy không biết nữa cơ chứ …”
Bà Lệ vừa lẩm bẩm, vừa bước vội vào nhà, chưa kịp cởi cái áo khoác ngoài còn lấm tấm những bông tuyết đầu mùa, thì chuông điện thoại cầm tay để trên bàn ăn, reo vang. Bà nói thầm :
“-Cái ông Khanh này, càng ngày càng lơ đãng, đi làm mà không đem theo điện thoại.Lỡ ai có điều gì khẩn cấp, họ gọi thì làm sao đây ?
Nhìn vào màn hình cái điện thoại để trên bàn đang rung lên bần bật, theo từng hồi chuông, bà tự hỏi:
“…Ủa ! Mà sao không thấy tên ai hết vậy kìa ?
Thông thường tên những khách hàng đều được ông ấy đưa vào điện thoại cả mà.
Thế này thì không nên nghe, mấy đứa con mình đã từng cảnh cáo rằng nghe điện thoại riêng của người khác là vi phạm đời tư của người ta.”
Bà chần chừ một lát, rồi lại nghĩ :
“-Nhưng mà lỡ có người bạn nào của ông ấy bị tai nạn, hay hư xe dọc đường cần đến sự giúp đỡ thì sao? Nếu mình quá câu nệ, rồi có chuyện gì xảy ra thì lại ân hận…Thôi cứ nghe thử xem sao đã !”
Và bà quyết định mở phôn ra nghe :
-A lô ! A lô !
Tiếng một cô gái trẻ reo lên nhí nhảnh đầy nũng nịu :
-Trời ơi ! Cục cưng đi đâu mà cả đêm nay không nghe điện thoại của em ? Em nhớ cục cưng quá hà ! Có nhớ em không ?
Bà Lệ ú ớ :
-Cô ơi !... Cô ơi ! Hình như cô …gọi nhầm số rồi.
Cô gái đầu giây bên kia trở giọng đanh đá :
-Nhầm thế nào được, bà là ai mà bắt phôn của anh Khanh?
-Ô hay! Cô phải nói cho tôi biết cô là ai mà gọi đến số phôn này chứ ?
-Bà phải cho tôi biết bà là ai trước đã ?
-Cái cô này ngang ngược nhỉ ?
-Thôi ! Bà không nói, tôi cũng biết bà là ai rồi !
-Cô biết tôi là ai à? Thế thì nói đi, tôi là ai?
-Là bà già trầu chứ còn ai...
-Bà già trầu ! Tôi có ăn trầu đâu mà gọi tôi bằng cái tên ấy ?
Đầu dây bên kia vang lên tiêng cười vừa nhí nhảnh vừa mang vẻ khinh miệt .
-Ôi ! Quả là cổ nhân nói không ngoa :
Chim khôn uống nước ao tù !
Người khôn ở với người ngu, bực mình.
Tội nghiệp cho anh Khanh, một con người văn chương, nho nhã là thế mà phải sống với một kẻ đần độn như bà thật không khác nào ở trong một cái nhà tù. Đã vậy, nói năng lại ồm oàm như vịt đực ấy- rõ chán !
-Cô này con cái nhà ai mà ăn nói hỗn hào đến thế, cô phải cho tôi biết tại sao cô gọi tôi là bà già trầu?
- Tên ấy là do anh Khanh đặt cho bà đấy, nó dùng để gọi chung những bà già nhà quê đấy thôi chứ chẳng cứ là bà có ăn trầu hay không.
-Thế cô là ai mà gọi chồng tôi là anh ngọt ngào vậy? Và cô từ đâu gọi đến ?
-Tôi gọi đến từ Sàigòn, theo tôi bà nên nói anh Khanh là chồng cũ của bà thì dễ nghe hơn.
-Cái gì, chồng cũ - cô có nói đùa không vậy ? Mà từ nãy giờ tôi chưa hề biết cô là ai ?
-Tôi tên Thúy là vợ sắp cưói của chồng bà đấy, bà biết chưa ?
Tôi đang mang thai cho anh ấy nữa đây này !
-Cô nói gì ? Làm sao cô quen biết nhà tôi và từ lúc nào mà lại có thai nữa?
-Gần nửa năm trước, lúc anh ấy về Việt Nam thăm bác trai bệnh, tôi là bạn của cô Mai, cháu gọi anh Khanh bằng bác đấy.Còn có thai hả? Chỉ một lần gặp gỡ cũng đủ rồi bà ơi !
-Bạn của cháu gọi bằng bác, thế thì cô chỉ đáng tuổi con cháu của anh ấy thôi. Sao cô lại nói cô là vợ sắp cưới, và tôi là vợ cũ ?
-Trời ơi ! Thật là quê một cục, thời buổi này, tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác-Còn như bà muốn biết thì tôi cũng chẳng giấu bà làm chi.
Hôm nay, anh Khanh đã ra văn phòng Luật Sư ký giấy tờ ly dị bà để bảo lãnh tôi sang bên Mỹ đấy bà ạ !
-Cô nói như thật ấy-Nhưng tôi không bằng lòng ly dị thì sao ?
-Bà ở Mỹ bao nhiêu lâu rồi hở bà ? Chẳng cần phải có sự chấp thuận của bà, anh Khanh mới làm giấy tờ được. Mỹ là đất nước của Tự Do mà - Không yêu nhau nữa là good bye thôi chứ có khăn chi .
-Tôi …tôi…
-Nói chuyện với bà chán phèo, bao giờ anh Khanh về nhớ bảo anh ấy điện cho tôi - Thôi ! B…á …i…b a a a…i i i….
Bà Lệ Buông phôn xuống bàn, gục đầu khóc nức nở
-Trời ơi là trời ! Có thể có chuyện như thế này xảy ra được sao? Hèn chi, mấy tháng nay bill điện thoại tăng vùn vụt ! Bao nhiêu người đã khuyên mình đừng cho anh ấy đi Việt Nam-Mình tin tưởng vào tình yêu chung thủy của anh ấy, có ngờ đâu… híc… híc …

Ngay lúc đó, ông Khanh mở cửa bước vào, tay xách cặp giấy tờ dày cộm.Nhìn thấy vợ đang, ngồi gần cái phôn, nước mắt ràn rụa, ông đoán ra sự việc, gắt to:
-Bà làm gì mà khóc lóc như nhà có đám ma vậy hả ? Á ..À …Bà lại nghe cell phôn của tôi đấy à ?
-Phải ! Xin lỗi anh !
Bà Lệ vừa lau nước mắt, vừa trả lời chồng.
-Lỗi phải cái gì, bà nghe cell phôn của người khác là xâm phạm vào đời tư người ta, bà biết chưa?
Ông Khanh tức giận nói to.
-Em nghĩ trong gia đình này chẳng có cái gì là riêng tư cả.Như em, em đã dành hết cuộc đời em cho anh và cho các con, em có giữ cái gì riêng cho em đâu ?
Bà Lệ vẫn nhẫn nhịn trả lời .
-Thôi đủ rồi ! Nhưng bà đã nói chuyện với ai ? Mà sao lại nước mắt ràn rụa thế kia ?
-Dạ, Cô Thúy !
-Thúy nào ?
Ông Khanh hỏi to .
-Thì Thúy ở bên Việt Nam chứ còn Thúy nào nữa !
-Vậy bà đã biết hết rồi nhỉ ! Cũng tốt thôi, tôi không cần phải giải thích lôi thôi nữa !
Ông Khanh lôi một xáp giấy tờ từ trong cặp ra, quăng trên bàn :
-Đây ! Đây là giấy tờ Ly dị, bà ký vào cho tôi- Còn toàn bộ tài sản, nhà cửa cho thuê, tôi đã sang tên hết cho bà rồi- Ngày mai, bà chỉ cần đến văn phòng luật sư ký tên vào là tất cả thuộc về bà.
Bà Lệ nói trong nghẹn ngào
-Em đâu cần những thứ đó ! Sao anh nỡ đối xử với em vô tình như vậy ? Anh đi tù cải tạo về vợ chồng lấy nhau, chỉ có hai bàn tay trắng, em vẫn yêu anh mà.
Ông Khanh mai mỉa.
-Đó ! Đó lại khúc nhạc ngàn đời không quên này ! Bà phải biết bây giờ người ta nghe nhạc disco, nhạc hip hop, nhạc rap…thế mà suốt ngày bà cứ mở những cái dĩa 45 tua cũ rích, cũ rác ra cho tôi nghe, thì làm sao chịu nổi hở bà ?
-Em chỉ nhắc nhở để anh đừng vội quên những tháng ngày đói khổ bên quê nhà, cũng như những gian lao khi mới đến định cư ở nước Mỹ này.
Ông Khanh kể lể :
-Đấy ! Bà nói thế là đúng đấy ! Bà nghĩ xem, có ngày giờ nào tôi được trọn vẹn hưởng thụ cái tuổi thanh xuân của tôi không ? Vừa hết trung học, buông cái bút là cầm cây súng-Bao nhiêu năm trời, đối diện với hiểm nguy, chết chóc- Ăn bờ ngủ bụi-Khi thì rừng sâu núi thẳm, lúc lại nưóc mặn đồng chua, thế mà có yên đâu-vừa buông súng ra là khăn gói vào trại tù khổ sai, Năm sáu năm trời tôi sống như một con vật dưới sự đày ải của bọn chúng-Được tha về, lại tiếp tục quản chế- quản chiếc sáng lên công an, chiều lên công an- rồi thì đào mương vét rãnh, thủy lợi, thủy hại lung tung cả lên…
Sang đến Mỹ này cũng lại tiếp tục đi cày, chùi cầu tiêu, thông ống cống, làm việc quần quật chẳng kể ngày đêm…
-Em có ép buộc anh phải làm như thế đâu !
-Bà không ép, nhưng cuộc sống nó ép -Mình sang sau- Trâu chậm uống nước đục- Tôi không làm thế mà có cơ ngơi như hôm nay à ?
-Cơ ngơi mà làm gì, em và các con chỉ cần có anh thôi !
-Các con đã lớn cả rồi ! Chúng có hạnh phúc riêng của chúng, xin bà hãy cho tôi được một chút tự do còn lại trong những ngày cuối đời …
Bà nghĩ xem, bạn bè mời tôi một điếu thuốc, bà cằn nhằn : Coi chừng cái phổi, vừa bưng ly rượu lên, bà đã nhăn nhó : Cẩn thận lá gan…
-Đó là vì em lo lắng cho sức khỏe của anh mà thôi ! -Bà làm tôi liên tưởng đến những ngày còn trong các trại tù lao động khổ sai: cái gì cũng cấm, cũng đoán và bà thì… chẳng khác mấy thằng quản giáo răng hô mã tấu chút nào…
-Em không ngờ sự chăm sóc của em lại là những cực hình đối với anh .Thế anh có nghĩ cho em không ?
-Nghĩ chứ, bây giờ bà cũng được tự do tìm hạnh phúc cho riêng bà mà .
-Khi anh quây quần bạn bè lại để chén chú chén anh, văn nghệ văn gừng em đã chăm lo cho anh từng chút, nấu nướng, dọn dẹp, lau chùi… dù rằng em cũng phải đi làm ngày tám tiếng như anh.Có khi cuộc tiệc kéo dài đến hai ba giờ sáng, em vẫn phải hiện diện -Anh cũng biết là em không biết ca hát mà -Đã bao giờ em bỏ đi ngủ trước khi người khách cuối cùng rời nhà mình chưa ? Em vì cái gì mà phải đọa đày mình như thế ? Hạnh phúc của em là được nhìn thấy chồng con vui vẻ thôi anh anh ạ! “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim “-Em chẳng cần cái gia sản này đâu -Nếu quả như anh đã quyết định thì em cũng đành chấp nhận . Anh cứ ở lại căn nhà này, em sẽ dọn ra một cái chung cư nào đó cũng qua ngày được thôi !
-Đó ! Lại tiếp tục mở máy nữa ! Mọi việc an bài rồi.Tôi đã xin chuyển công việc đến một thành phố khác, chỉ xin bà cho tôi nghỉ đỡ đêm nay ở đây. Ngày mai tôi lên đường sớm, còn nhiều thủ tục, giấy tờ phải lo, để bảo lãnh Thúy sang bên này theo diện Vị hôn thê.
-Căn nhà này, và cả những tài sản kia là do công lao khó nhọc của vợ chồng mình gây dựng nên, bất cứ lúc nào anh cần đến, anh vẫn có quyền xử dụng chúng, và mái ấm này vẫn còn là của anh khi anh quay trở lại…
Ông Khanh cười mai mỉa :
-Quay trở lại ! Xưa rồi, bỏ đi tám… một đi không trở lại...
Ông xoay tròn người, như đang biểu diễn một màn lả lướt trên sàn nhảy, nói tiếp, giọng tự hào :
-Bà nhìn kỹ tôi xem, còn phong độ lắm chứ bộ đồ bỏ sao? -Thôi tôi đi sửa soạn đồ đạc đây.
Nói xong ông đi một mạch vào phòng tắm, bỏ mặc bà Lệ với những đau đớn nghẹn ngào…

Từ đó đến khuya, hai người không hề nói với nhau một lời nào nữa.
Hơn hai mươi năm, đây là lần đầu tiên ông để bà Lệ nằm một mình, còn ông thì ôm mền ra ngủ ở sô pha.
Đó là một đêm vô cùng đớn đau đối với bà Lệ-Những giòng nước mắt buồn tủi thi nhau trào tuôn.
Bà có nghe nói nhiều về thảm cảnh tương tự đã xảy ra cho những người đã thờ ơ, để chồng đi Việt Nam một mình.
Nhưng bà thật sự không hiểu được tại sao điều đó lại có thể xảy ra đối với bà.
Tình yêu nồng nàn và sự hy sinh không tính toan cho chồng, cho con của bà chẳng đủ để đảm bảo cho sự chung thủy của ông sao ?
Nỗi trăn trở dày vò bà suốt đêm-chẳng biết đến lúc nào, bà mới thiếp đi trong những cơn ác mộng hãi hùng.

Sáng hôm sau, khi Lệ thức giấc thì ông Khanh đã ra đi tự lúc nào.
Ông chỉ đem theo vài bộ quần áo, những đồ dùng khác của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Thế là họ chia tay từ đó !
Không tin tức, không điện thoại.
Bà Lệ sống vò võ một mình, thỉnh thoảng mới có các con về thăm trong những ngày nghỉ lễ.
Thấm thoát đã hai năm trôi qua.
Hai mùa Giáng Sinh thiếu vắng người chồng đã từng cùng bà chia ngọt sẻ bùi, với biết bao nhiêu là kỷ niệm…
Bây giờ ngồi nghĩ lại, bà Lệ cảm thấy tâm hồn bình thản hơn một chút . Nhưng những ngày tháng hạnh phúc ấy vẫn cứ như đeo đẳng, ám ảnh trong tâm trí bà.

Có tiếng chuông điện thoại reo
…Reng …Reng …Reng…
-Allô !
-Allô ! Chị Khanh đó hả ? –
Tiếng Ông Long- Một người bạn rất thân của gia đình vang lên trong máy.
-Ồ ! Chào Anh Long ! Anh chị và mấy cháu có khỏe không. Đã lâu lắm rồi mới có người gọi tôi là Chị Khanh …
Bà Lệ reo lên vui vẻ.
-Xin lỗi chị, tôi đã quen gọi như thế rồi !
-Không sao cả đâu anh Long ạ ! Tôi là một Ky Tô hữu nên luôn quan niệm “ Những gì thượng đế đã kết hợp loài người không được chia cắt “.Do vậy, với tôi anh Khanh vẫn là người chồng duy nhất và vĩnh viễn.
-Chị quả thật là một người phụ nữ đạo đức truyền thống, đáng cho mọi người khâm phục, thế mà cái thằng Khanh không biết trân trọng, thật đáng tiếc.À! Hôm nay chị có đi lễ nửa đêm không ?
-Không anh Long ạ !Tôi sẽ đi lễ sớm, vì nửa đêm các cháu nó tụ họp lại ăn tiệc “rề -vi-giông “ Mừng Giáng Sinh và cũng là kỷ niệm hai mươi lăm năm thành hôn của chúng tôi…
Tiếng Ông Long lẩm bẩm trong phôn :
-Đúng rồi ! Hôm nay là hăm lăm năm ! Năm nay mấy đứa con tôi không về, vợ chồng tôi muốn đến chia sẻ với chị môt chút chuyện và nếu có thể cho chúng tôi tham dự “rề-vi-giông “ với gia đình chị được không ?
-Thế thì còn gì quý hóa bằng, anh cũng biết đấy, chúng tôi sang đây chỉ có anh chị là người thân duy nhất mà …
-Bây giờ cũng chập tối rồi ! Vợ chồng tôi đên thăm chị ngay, rồi chúng ta cùng đi dự thánh lễ, được không chị ?
-Vâng mời anh chị đến ! Tôi sẽ chờ …

Trong lúc đợi khách đên, Lệ đi chuẩn bị một ấm trà nóng.
Chuông cửa reo.
-Xin chào anh chị ! Mời anh chị vào nhà kẻo lạnh.
-Xin chào chị !
-Chào chị !
-Mời anh chị ngồi, tôi đi rót nước- Trong lúc chờ anh chị đến, tôi đã pha sẵn một bình trà Thiết Quan Âm mới rất ngon-Anh Long và Anh Khanh đều rất thích uống loại trà này…
-Chị thật chu đáo…
-Cám ơn anh ! Xin anh chị cho biết có chuyện gì cần đến tôi ạ ?
Ông Long ngập ngừng

-Thật ra …thật ra,,, chuyện này chẳng những liên quan đến chị mà còn liên quan đến Khanh nữa, không biết chị có muốn nghe không ?
-Như tôi đã từng thưa với anh chị, Anh Khanh ly dị tôi chỉ là phần đời mà thôi ! Còn phần đạo thì anh ấy vẫn là chồng tôi cơ mà ! Hơn hai năm nay chẳng có tin tức gì của anh ấy cả, mẹ con tôi rất lo lắng, nhưng chẳng biết làm sao được.
-Về việc này, tôi thành thật xin lỗi chị ! Thỉnh thoảng Khanh vẫn liên lạc với tôi, nhưng vì đã hứa với nó, nên tôi không dám cho chị biết.
-Tôi biết chứ ! Hai anh là bạn học với nhau, vào quân đội cùng một thời gian, đi tù chung, sang đây ở chung một tiểu bang, lại làm chung một hãng, hai người thân nhau hơn anh em ruột, chuyện gì mà anh Khanh không nói với anh…
-Ấy ! Xin chị đừng nói thế ! Chuyện mà nó về Việt Nam gặp gỡ rồi yêu cô Thúy nó giấu biệt, có cho tôi biết đâu.
Ông Long vội cải chính.
-Vâng ! Chuyện ấy, tôi nghĩ anh Khanh không dám thố lộ với anh vì biết anh là người đạo đức-
-Xin Cám ơn chị ! Bây giờ nói về Khanh ! Nó đang khốn khổ lắm chị ạ !
-Là sao hở anh ? Tôi nghĩ anh ấy đang hạnh phúc bên người vợ trẻ đẹp ấy chứ !
-Chia tay nhau rồi !
-Bao giờ thế ? Và tại sao ?
-Chẳng bao lâu sau khi bảo lãnh cô Thúy sang thì cô ấy hạ sanh một cháu trai -Do một nguyên nhân nào đó, baby cần được truyền máu nên Khanh bằng lòng đi thử máu để cung cấp cho bịnh viện-Lúc đó mới phát giác ra, baby không phải là con của Khanh- Đã thế, khi sang đến nơi, cô ta sỉ vả Khanh đủ điều : Nào là khi về bên ấy anh khoe anh có “ biu si nét “, có chung cư cho thuê, có nhà cao cửa rộng, ai ngờ anh ở trong một căn phòng tối tăm chật hẹp như cái chuồng chó này. Nếu biết vậy, tôi đâu có phí tuổi xuân để đi theo một ông già hết xí quách như anh.
Hơn nữa, cô ta còn công khai liên lạc với người bạn trai ở tiểu bang khác-có lẽ là cha của đứa bé- Khanh trả tiền phôn đường dài mệt nghỉ.Thúy còn tuyên bố bây giờ cô chẳng sợ bị đuổi vê Việt Nam nữa, vì con cô ta là công dân Mỹ chính gốc.
Hơn nửa năm trưóc đây, hai người đã chia tay.
Khanh suy sụp tinh thần thê thảm-Bê tha trong rượu chè, nên bị hãng đuổi việc mấy tháng nay-
-Thế hiện nay anh ấy ở đâu ?
-Thì chị cũng biết đấy! Khanh đâu có nhiều bạn bè ở nơi khác, nên đã di chuyển về thành phố này rồi, gần gũi, may ra anh em có thể giúp đỡ nhau được.
-Anh ấy đang ở nhà của anh chị à ?
-Không ! Anh ấy ngại nên không chịu về ở nhà chúng tôi, mặc dù còn phòng trống lu bù.
Bà Long lên tiếng.
-Anh chị khuyên tôi nên làm thế nào ?
-Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng dám khuyên nhủ chị điều gì cả. Thằng Khanh nó lỗi mười mươi trong sự việc này, nên bây giờ, dù trong hoàn cảnh hết sức nghặt nghèo, nhưng vì xấu hổ cũng nên chẳng dám nói năng chi. Chúng tôi hiểu được tình yêu của chị dành cho thằng Khanh. Đi tù về, ốm nhom, ốm nhách như con cò ma, không một đồng teng dính túi, chị đã mở rộng vòng tay chăm lo cho nó. Ngày đám cưới hai người, phải chọn đúng đêm Giáng Sinh để có cớ mời bạn bè đến chia nhau vài lít bia hơi pha rượu đế.
Chị còn nhớ không, lâu quá không uống bia rượu, nên tôi đã say nghiêng, say ngả trong ngày đám cưới của anh chị.
-Nhớ chứ anh! Hôm ấy anh bị ngã trầy trụa hết quần áo cơ mà ! Còn chị thì lăng xăng giúp tôi, vừa làm cô dâu phụ, vừa dọn bàn …Ân tình ấy tôi làm sao quên cho được.
-Thấm thoát đã hai mươi lăm năm trôi qua rồi. Hôm nay đúng là một ngày đáng ghi nhớ của anh chị ! Thế mà…Vắng thằng Khanh …
-Đã đến giờ chúng ta phải đi dự thánh lễ rồi ! Xin anh chị cho tôi suy nghĩ lại…
Bà Lệ đánh trống lãng
-Vậy chị đi cùng vợ chồng tôi nhé ! Tan lễ, mình về một lượt luôn – Bà Long lên tiếng.

Ngồi trên xe, ba người theo đuổi những ý tưởng riêng tư.
Không ai nói với ai điều gì.
Xe lướt êm trên đường phố tĩnh lặng.
Những bông tuyết trắng bay lất phất, đậu trên các ngọn đèn màu, xanh đỏ, chớp tắt của những căn nhà hai bên đường làm khung cảnh trở nên mờ ảo, và huyền hoặc…
Hàng đoàn xe dài dằng dặc tuôn đổ về các ngôi Thánh đưòng.
Họ đến thờ phượng Thiên Chúa, và cũng mong tìm được những phút giây an bình cho tâm hồn.
Thế mà, tâm hồn Lệ đang như có cơn sóng dữ !
Bà phải giải quyết chuyện này thế nào đây ?
Mang những trăn trở, ray rứt trong lòng, Lệ lặng lẽ nối gót theo ông bà Long vào bên trong thánh đường chật cứng người.
Bà ngồi xuống ghế như một kẻ mộng du, tâm tưởng hoang mang cùng cực…
Bà phải làm sao đây?
-“Ông ấy đi được, thì phải về được chứ.”
Lý trí bảo bà như thế.
“Nhưng ông ấy là người tự ái rất cao. Chắc chẳng bao giờ ông ấy tự tìm về đâu.”
Tình cảm lại nhắc bà như vậy…
Thông thường, bà thực hiện những nghi thức trong nhà thờ một cách hết sức trân trọng và thành kính.
Nhưng hôm nay, bà chỉ làm theo thói quen, còn tâm hồn thì vẫn lãng đãng, rối rắm với chuyện gia đình.
Trên Toà Giảng, vị Linh Mục kết thúc bài giảng bằng những lời nói dường như chỉ dành cho riêng bà :
-Thưa quý ông bà anh chị em ! Trước khi mọi người rời ngôi Thánh Đường này về nhà để chuẩn bị đón mừng ngày lễ trọng đại, xin hãy nhớ cho một điều : Đức Ky Tô Giáng Sinh để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại . Vì ngài thương yêu chúng ta. Vậy, chúng ta hãy học lấy tấm gương ấy để cũng biết hy sinh cho những ngưòi mà chúng ta yêu thương A MEN.
-Anh chị Long ! Anh Khanh hiện nay ở đâu ? Anh chị có thể làm ơn đưa tôi đến đó được không ?
-Được chứ chị ! Chúng tôi chỉ mong có thế mà thôi ! Cảm tạ Thượng Đế đã soi sáng chị.
Ông bà Long ra vẻ rất mừng rỡ, tíu tít nói chuyện, để làm vui bà Lệ.
Chiếc xe chở ba người chạy khá lâu, đi trên những con đường nhỏ hẹp, dường như ra ngoại ô, đến một khu phố nghèo nàn, tăm tối.
Ông Long dừng xe, mọi người bước xuống, giữa những cơn gió lạnh buốt da.
Họ cùng đi vào một cầu thang chật chội, trong ánh đèn tù mù, cái cầu thang rên xiết dưói sức nặng của ba ngưòi.
-Đây rồi ! Khanh nó ở trong phòng này-
Ông Long lên tiếng, khi đưa tay xô nhẹ cánh cửa .
-Trời ơi ! Một chỗ tồi tàn, hôi hám và bẩn thỉu như thế này thì làm sao mà ở. Nhà cao cửa rộng không muốn…
- Đó Khanh nằm trên giường đó.
Bà Lệ đứng sững, nhìn một thân người khô đét nằm bất động trên cái giuờng hẹp, dưới ánh đèn vàng hiu hắt.
Bà bước đến kéo tấm chăn tuột ra : Gương mặt ông Khanh hốc hác, xanh xao như những ngày mới được tha từ trại tù về. Bà nức nở khóc :
-Mình ơi ! Sao mình khổ sở thế này !
-Lệ đó hả ? Ông Khanh mở mắt, thều thào.
-Dạ em đây !
-Mình còn đến đây làm gì! Tôi không xứng đáng cho mình lo lắng như thế nữa đâu.Tôi đã làm khổ mình và các con nhiều lắm rồi !
-Ai không một lần lầm lỡ. Những khổ ải mà mình chịu đựng trong thời gian qua đã là hình phạt xứng đáng cho mình rồi. Em và các con luôn sẵn sàng chờ đón mình trở về mái nhà ấm cúng ngày nào.Mình có nhớ hôm nay là ngày gì không ?
-Kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày cưới của chúng ta. Nhưng, nhưng … chúng ta có còn là …
-Mình đừng nói như thế, trong tim em, mình vẫn là người chồng yêu dấu ngày xưa. Vì phép hôn phối vẫn còn đó, và với các con, mình vẫn mãi là một người cha đã thương yêu, chiều chuộng chúng hết mực.
-Thôi gần đến nửa đêm rồi ! Có tâm tình gì thì đợi về nhà hãy nói. Đừng để mấy cháu nó chờ. Khanh ! Mày lo sửa soạn quần áo đi ! Tiệc kỷ niệm ngày thành hôn đang chờ mày ở nhà đó ! Ông Long xen vào.
-Bỏ tất cả đi ! Đừng đem gì về nhà mình ạ ! Đêm nay Chúa Cứu Thế ra đời, nhân loại có một cuộc sống mới .Chúng ta cũng thế…
Bà Lệ một bên, Ông Long một bên, xốc Khanh dậy, Ông nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào:
-Cảm ơn Thượng Đế ! Cảm ơn tấm lòng bao dung của mọi người đã đem lại cho tôi Nguồn hạnh phúc muộn màng Đêm Giáng Sinh…
Bên ngoài, Tiếng chuông giáo đường ngân thánh thót- báo tin lành : Đấng cứu thế Giáng Trần, đem hạnh phúc đến cho nhân loại…

Dương thượng Trúc
( Thủy gia trang -12 năm ly xứ.)


CUỘC CHIẾN DẪU TÀN, TA CHẲNG THUA ...

VIẾT TRONG NGÀY QUÂN LỰC

19-6-2005


Cuộc chiến dẫu tàn, ta chẳng thua.
Trong tim vẫn rực sáng màu cờ.
Hồn thiêng sông núi luôn vẫy gọi.
Muôn dân đang khắc khoải đợi chờ.

Những khúc nhạc hào hùng.
Những lời thơ chính khí.
Như tiếng kèn thúc quân.
Rộn ràng lòng chiến sĩ.

Hãy đứng lên dành lại non sông.
Hãy đứng lên con cháu Lạc Hồng
Dẫu có phải nằm gai nếm mật.
Dẫu xác thân này có vùi lấp biển Đông.

Hồ mã tê Bắc Phong,
Việt điểu sào Nam Chi,
Loài chim nhỏ còn nhớ về cội nguồn, tổ ấm,
Ta lẽ nào …
Vùi nắm xương tàn trong kiếp lưu vong ...???

Dương Thượng Trúc.



THU XƯA.


Chiếc xe đò hục hặc vang lên vài tiếng, giựt mạnh hai ba cái, rồi dừng hẳn lại bên lề đường. Tiếng máy tắt lịm !
Tài xế, là một chú chệt Chợ Lớn, tóc đã hoa râm, với cái mũ phớt đội lệch trên đầu, đập mạnh tay vào vô lăng lẩm bẩm :
-Chời lất ơi ! Hổng piết bữa nay là ngày gì mà xúi quẩy quá vậy đi chớ !
Ông ngoái ra phía sau, la lớn :
-Hèy ! Tư, sáng nay mày có coi kỹ nhớt, nước hông dậy ?
-Dạ con coi kỹ lắm mà chú Ba !
-Vậy sao xe chết máy hoài dậy ?
-Dạ! Nó muốn chết thì nó chết, chứ con đâu biết tại sao !
-Mẹ mày, còn đứng đó mà piết với không nữa a ? Xuống mở
“ca pô” lên coi đi chớ...!
Chú lơ xe khoảng chừng mười sáu, mười bẩy, mặc chiếc quần lính bạc phếch, với cái áo sơ mi ngắn tay, phạch ngực vội vã nhảy xuống, chạy ra phía đầu máy, mở nắp đậy lên.
Ông tài xế cũng bước xuống, sau khi kiểm soát mọi thứ, ông trở lại vô lăng. Dưới kia, người lơ xe bắt đầu dùng tay quay, quay máy.
Môt vòng, hai vòng…và thật nhiều vòng, cục sắt vẫn nằm im bất động.
Chú lơ đưa tay quệt mồ hồi liên tục, mặc dù bây giờ mới khoảng hơn tám giờ, một buổi sáng mùa Thu mát mẻ, đẹp trời.
Có vài vị hành khách lên tiếng càu nhàu :
-Xe cộ gì mà mới chạy được hơn tiếng đồng hồ, thì chết máy hai lần.
-Tụi tui mà bê trễ công chuyện làm ăn, ông chủ phải bồi thường đó nhe !
-Bây giờ mới qua khỏi ngã ba Dầu Dây biết chừng nào mới tới Đà Lạt ?
-Chời ơi ! Pà con thông cảm đi mà ! Ngộ lâu có muốn dị !
Xe hổng chạy được, ngộ cũng hổng có cơm ăn chứ bộ…
Vài người lác đác bước xuống xe, đi men vào những luống
cao su trồng ngay ngắn, thẳng hàng phía dưới lòng đường.
Có lẽ đi tìm chỗ giải quyết bầu tâm sự.
Anh lơ xe cũng vội vã lên tiếng :
-Bà con xuống đường nghỉ ngơi một chút cho thoải mái, để tụi tôi sửa xe chạy rồi kêu bà con…
Chỉ một lát sau, trên xe chỉ còn mình ông tài xế, chú lơ xe đang loay hoay với mớ đồ nghề, và Thu.
Cô ngồi hàng ghế sau cùng, bên phải, quay kiếng xe xuống, vài cơn gió đầu mùa Thu lướt qua đã khiến cô cảm thấy hơi lành lạnh.
Thu với tay lấy chiếc áo len, choàng ngang vai, trước khi xuống xe.
Lững thững dọc theo lề đường, lơ đãng quan sát cánh rừng chớm vào Thu.
Rồi cô bước hẳn xuống bãi cỏ xanh dẫn vào những luống cao su trồng thẳng hàng, ngay ngắn.
Ngọn gió nhè nhẹ làm xôn xao những chiếc lá vàng đong đưa trong nắng sớm.
Mùa Thu đã giăng mắc khắp nơi !
Thảm cỏ dưới chân Thu xanh mượt, êm như nhung, nõn nà như nàng công chúa của chuyện cổ tích,vừa ngủ một giấc thật dài trong nắng hè oi ả, nay được chàng hoàng tử mùa Thu đánh thức dậy. Nên còn nũng nịu, e ấp với bao nét thẹn thùng.
Hơi sương đọng trên những cánh lá nhỏ, óng ánh phản chiếu từng tia nắng lung linh, chập chờn.
Những sợi cỏ non mềm mại quấn quýt đôi bàn chân xinh xắn, đỏ như son của Thu. Cô vốn đã có chiều cao lý tưởng, nên chẳng bao giờ phải mang guốc cao gót.
Thu tinh nghịch, cúi xuống cầm đôi dép da đang đi dưới chân lên, để bàn chân mình được tiếp xúc trực tiếp với tấm thảm ấy.
Một cảm giác lành lạnh xông lên từ đôi bàn chân, khiến cô chợt rùng mình nhè nhẹ.
Mùa Thu thật đẹp. Có lẽ đẹp nhất trong bốn mùa mà tạo hóa đã dành cho con người.
Thu không có cái lạnh lẽo của mùa Đông, cũng chẳng oi bức như mùa Hạ, và càng thiếu cái rộn ràng của mùa Xuân.
Thu êm đềm, lặng lẽ, với những cơn gió hiu hiu, đong đưa hạt mưa ngâu se sắt. Thu có những áng mây xám dật dờ cuối trời, có những cánh lá vàng bay lả tả, tạo cảm hứng cho thi nhân, gieo bao vần thơ làm xao xuyến lòng người.
Một cánh rừng bạt ngàn, bên dưới là bãi cỏ non, xanh mướt, thỉnh thoảng điểm những cánh hoa dại đủ màu dưới chân, như một bức tranh thủy mạc, khiến lòng cô thật sự rung động.
Rung động đến ngẩn ngơ, và nhớ lại những câu thơ mà cô đã học năm nào.Thu đọc khe khẽ :
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm, một vài bông hoa.
-Cô đọc thơ hay quá !
Thu chợt giật mình vì tiếng nói trầm ấm vang lên rất gần.
Cô quay lại, cách cô chừng vài bước, là một thanh niên cao ráo, trang phục lịch sự, tóc cắt ngắn, đôi mắt sáng long lanh, đang nhìn cô, nở một nụ cười thật tươi.Anh chàng đeo một cái máy ảnh khá to trước ngực.
-Cám ơn anh, anh cũng đi trên chuyến xe này à ?
-Vâng, chứ cô nghĩ tôi chui từ trong rừng ra hay sao ?
-Ơ ! Tôi đâu dám nghĩ thế, xin lỗi anh…
-Tôi tên Thịnh, hân hạnh được biết cô, và nếu không có gì trở ngại, cô có thể cho tôi chụp vài bức ảnh chứ.
-Phong cảnh thiên nhiên này đâu của riêng ai, anh muốn chụp, thì cứ chụp, cần gì phải hỏi tôi …
-Dĩ nhiên, nếu chỉ chụp phong cảnh, thì tôi đâu cần xin phép cô.
-Anh muốn chụp ảnh tôi ?
-Cô thật thông minh. Chính xác là tôi xin chụp vài pô ảnh của cô trong một sớm mùa Thu đẹp, và lãng mạn như thế này. Cô, với tà áo dài màu tím phất phơ trong gió nhẹ, mái tóc dài buông xỏa xuống bờ vai, bước nhẹ nhàng trên đôi chân trần nõn nà, phải nói là một tác phẩm tuyệt vời. Rất tiếc, tôi đã không mang theo màu và cọ…
-Anh là họa sĩ ?
-Không, thưa cô…Cô gì đây nhỉ ?
-Tôi là Thu, anh có thể gọi bằng tên cho dễ xưng hô.
-Cám ơn cô Thu, tôi chỉ là một người làm nghệ thuật tài tử. Còn nghề chính của tôi là …
-Nghề gì ?
-Bóp cò …
-À ! Thế ra anh là Quân Nhân ? Nhìn mái tóc ngắn ngủn của anh, tôi đã đoán ra phần nào…
-Cô cũng tìm hiểu nhiều về đời lính đấy nhỉ !
-Ba tôi cũng là lính mà. Hơn nữa, tôi sống gần trại lính từ bé, nên đối với tôi, người lính thật gần gũi và cũng vô cùng thân thiết.
-Cám ơn cô đã nói lên những cảm nghĩ chân thật của mình .
Câu chuyện trao đổi giữa hai người trở nên cởi mở hơn.
-Anh đi nghỉ phép ở Đà Lạt à ?
-Không, tôi đi phép ở Saigon, bây giờ trở lại đơn vị !
-Thì ra đơn vị anh đóng ở Đà Lạt !
-Tiếng là đóng ở Đà Lạt, nhưng hành quân liên miên trong các vùng rừng sâu, núi thẳm chứ có mấy khi được thấy phố phưởng đâu. Còn cô ?
-Tôi ở Saigon, về thăm ông bà nội ở Phương Lâm thôi…
-Thế thì cũng sắp đến rồi !
-Chẳng biết họ có sửa xe được hay không nữa.
Hai người bước lững thững theo những hàng cao su rợp bóng mát.
-Cô Thu đang học ở đâu thế ?
-Đại học Luật Khoa.
-Ô ! Thế mình là đồng môn rồi ! Trước khi vào quân đội, tôi cũng là dân học Luật.
Nhưng từ cuối năm 1968 tôi đã :
…Trả lại em yêu, khung trời đại học…
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…rồi
-Anh Thịnh hát hay ghê nhỉ !
-Thì lính mà, cái gì cũng biết chút chút, có mỗi một cái là chưa biết…
-Cái gì anh chưa biết ?
-Chưa biết …thôi không nói nữa .Thế Thu đã chọn ban nào chưa?
-Mới lên năm thứ hai, nên Thu vẫn chưa phân ban.
Họ trao đổi với nhau về những môn học khô khan, nhưng lại trong một trạng thái rất sôi nổi : như Dân Luật, Luật Hiến Pháp, Kính Tế, Công Pháp Quốc Tế…Và những người thày đã hướng dẫn họ.
Hai người cảm thấy gần gũi nhau hơn, khi nhắc nhở đến khuôn viên ngôi trường quen thuộc, mặc dù kẻ trước người sau.
Cách nói chuyện chân tình, cởi mở và khá duyên dáng của người lính mới quen, khiến Thu cũng bớt phần e dè.
-Bây giờ Thu đã bằng lòng cho tôi chụp ảnh chưa ?
-Dạ ! Thu có nói là không cho chụp đâu !
Họ thay đổi lối xưng hô tự lúc nào, mà chẳng ai để ý !
Thịnh lôi máy ảnh ra, hướng dẫn Thu các thế đứng, ngồi, đi…
Anh chụp một cách say sưa, với tất cả sự đam mê của một người nghệ sĩ, các kiểu dáng của Thu.
Này là lúc cô đứng tựa cây cao su, mắt trông vời một nơi xa xăm.Với hậu cảnh là những hàng cây thẳng tắp.
Đây là cảnh toàn thân của cô, với suối tóc huyền buông xỏa xuống bờ vai.
Này là cảnh cô đang nâng niu một chùm hoa trinh nữ, với nụ cười như đóa hoa hàm tiếu…
Thịnh bấm máy không ngừng, cho đến khi phát giác ra cuộn phim 24 pô anh mang theo để chụp cảnh đẹp Đà Lạt, theo yêu cầu của cô em gái, đã dành hết cho Thu.
Hai người đến ngồi bên một tảng đá lớn, tương đối khô ráo.
-Anh chụp gì mà nhiều thế !
-Nhìn Thu ở góc độ nào cũng đẹp cả, nên không ngưng tay được.
-Anh chỉ khéo nịnh đầm. Văn Khoa thì hợp với anh hơn, sao lại chọn Luật Khoa.
-Anh nói thật đấy…Nhưng bây giờ có muốn cũng chẳng chụp được nữa.
-Sao thế ? Máy hỏng rồi hả ?
-Không phải, hết film. Hai mươi bốn pô tất cả…
-Trời đất, anh dùng nguyên cả một cuộn phim để chụp Thu cơ à !
-Thế mà vẫn còn chưa thấy đủ đó !
-Anh cứ làm như Thu là người mẫu không bằng.
-Có nhiều người mẫu chưa chắc đã có nét bằng Thu đâu! À ! Thu cho xin địa chỉ đi, mai kia được về phép, tôi sẽ mang ảnh đến cho.
-Chứ không phải lợi dụng cơ hội đến nhà hả ?
-Mà có lợi dụng chăng nữa, thì chắc người bị lợi dụng cũng vui vẻ chấp nhận há !
-Còn khuya !
-Ánh mắt của Thu đã nói lên rồi.
Cả hai cùng bật cười khanh khách, tiếng cười làm xao động cả không gian tĩnh mịch.Vì chỗ hai người ngồi đã khá xa đường cái và những hành khách khác.
Họ cảm thấy thật sự rất gần gũi với nhau, như đã quen biết tự thuở nào.
-Anh cứ về thăm lại ngôi trường cũ, và tìm Thu ở đấy !
-Anh vẫn có các thông tin từ những bạn bè còn đang học, năm nay, có đến trên một chục ngàn sinh viên ghi danh. Tìm Thu ở đó, khác nào mò kim đáy biển.
-Thế mới quý chứ !
-Dĩ nhiên là quý, nhưng những ngày phép ngắn ngủi đôi lúc không cho anh có cơ hội để làm điều đó.
-Nếu vậy, Thu đưa địa chỉ nhà ở Saigon cho anh nhé !
Thịnh rút quyển sổ tay và cây bút Paker trên túi áo, hí hoáy viết. Sau đó, anh chuyển sang cho Thu :
-Thu ghi địa chỉ vào đây cho anh nè.
Cô đỏ mặt vừa thẹn thùng, vừa sung sướng với mấy câu thơ, qua nét chữ cứng cỏi của Thịnh :
Tóc em là áng mây trời,
Là giòng suối mát, giữa đời bão giông.
Mượt mà như một giòng sông.
Cho ta nỗi nhớ mênh mông tháng ngày.
-Anh Thịnh làm thơ nhanh nhỉ !
Rồi cô cúí xuống viết địa chỉ vào cuốn sổ tay nhỏ của Thịnh để tránh tia nhìn đợi chờ nơi anh!
- Cám ơn Thu ! Ủa ! Thu ở Hóc Môn hả ?
-Dạ phải.
-Anh hỏi điều này hơi tò mò, mong Thu thứ lỗi.
-Anh cứ hỏi, nếu trả lời được, Thu sẽ không từ chối.
-Thu theo Thiên Chúa Giáo phải không ?
-Sao anh biết vậy ?
-Ở vùng ấy, người địa phương là dân miền Nam không hà, mà Thu người Bắc, chắc chắn là phải ở trong một xứ đạo nào đó !
-Anh suy luận rất đúng…
-Thu có biết Bằng không ?
-Bằng ? Cái tên nghe quen quen…
-Anh ta là Ca Đoàn Trưởng ở môt giáo xứ trong khu vực ấy…
-Ồ ! Thu nhớ ra rồi ! Anh Bằng là anh của người bạn học cùng lớp với Thu. Anh ấy làm Ca Đoàn Trưởng khá lâu, từ khi Thu còn bé tí. Nay thì anh ấy đã đi lính rồi.
-Em gái Bằng tên Bích phải không ?
-Dạ phải, sao anh biết vậy ?
-Bằng là bạn đồng khóa Thủ Đức với anh, và hiện giờ cũng cùng đơn vị luôn. Những khi rảnh rỗi, anh ấy hay tâm sự về Gia đình với cô em gái ngoan, hiền tên Ngọc Bích.
-Thế thì chúng ta nào có xa lạ gì. Bích cũng đang học ở Luật Khoa với Thu. Đáng lẽ hôm nay nó cùng đi với em lên Phương Lâm.
-Nếu được vậy thì hay quá nhỉ ! Nhưng thôi thế cũng tốt rồi. Bao giờ Thu trở về Saigon ?
-Thu chỉ ở lại Phương Lâm một buổi tối hôm nay thôi ! Trưa mai phải quay về, để sáng ngày kia là thứ hai, còn kịp đến lớp. Thế bao giờ thì anh lại được nghỉ phép nữa ?
-Phép đặc biệt thì tùy đơn vị trưởng, khi mình có quan hôn tang tế.Còn phép thường niên thì phải một năm nữa…
-Eo ơi! Lâu thế cơ à!
-Có một loại phép về rất nhanh…
-Đã có phép đặc biệt rồi, mà còn có loại phép nhanh hơn nữa sao? Phép gì vậy ?
-Về Vùng Năm ?
-Vùng năm là vùng nào ? Thu chỉ nghe người ta hát Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, sao anh lại nói có vùng năm nữa.
-Anh trở về hòm gỗ cài hoa…
-Anh nói chuyện bi quan thế ?
-Thu lầm rồi, lính rất tếu, rất yêu đời, và phải nói rất lạc quan nữa kìa…
-Thế sao anh lại nói những chuyện chẳng vui không hà !
-Anh không bi quan mà chấp nhận thực tế, bởi làm sao biết trong ba trăm sáu mươi lăm ngày ấy, những chuyện gì sẽ xảy ra…
-Anh đừng nói thêm nữa…
-Thật mà ! Đời chinh chiến ai biết đâu mà ngờ…
-Làm gì thì làm, anh cũng phải đem những bức ảnh này về cho Thu đó! Nếu không Thu bắt đền…
-Biết lấy gì đền cho Thu bây giờ ?
-Thu mong sẽ được đón anh ở Saigon một ngày nào đó !
- Thu ơi ! Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt,
Vui đoàn viên là để khóc chia lìa…
Cuộc đời như bèo mây, tan hợp. Hôm nay gặp gỡ thì biết hôm nay, ngày mai hãy để cho ngày mai tự đến…Thu ạ !

-Bà con ơi! Xe chạy được rồi, mời bà con lên xe đi cho sớm.
Tiếng người thanh niên lơ xe réo lên lồng lộng, lôi Thu trở về với thực tế.
Ba năm trước đây, cũng vào những ngày chớm Thu như hôm nay, và cũng trên đoạn đường này.Định mệnh trớ trêu, cho chiếc xe đò chết máy để Thu được gặp anh .
Để anh say sưa thu lại từng thế đứng, dáng ngồi của cô vào ống kính.
Để hai người trao đổi với nhau bao nhiêu chuyện trên đời, và khi xe chạy được, anh đã năn nỉ người khách bên cạnh để xuống ngồi gần bên Thu.
Họ lại tâm tình với nhau trên suốt đoạn đườngg còn lại.
Xe đến Phương Lâm, trước khi từ giã, anh nắm chặt bàn tay Thu, không muốn buông ra, với lời hứa hẹn chắc nịch :
-Anh sẽ đem những tấm ảnh này đến cho Thu, dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Đã ba năm trôi qua, năm nào Thu cũng về thăm ông bà Nội một lần vào dịp chớm thu sang.Và hôm nay, cũng trên hành trình ấy. Cũng lại gặp chiếc xe đò chết máy.
Hành khách cũng lại xuống tản bộ cho khuây khỏa.
Thu cũng lại dẫm những bước chân trần nõn nà trên thảm nhung mượt mà còn ướt hơi sương.
Nhưng dường như thiếu vắng một cái gì rất thân quen, bởi không có người lính năm cũ, không có ai cùng cô trao đổi và cũng chẳng có ai để xin cô chụp ảnh.
Thu bước đến gần tảng đá năm nào hai người đã ngồi bên nhau.
Cô có cảm giác như mình đang sống trong một giấc mộng.
Cảnh cũ vẫn còn đây, hàng cao su vẫn thẳng tắp, những chiếc lá vàng vẫn đong đưa trong gió, những chùm hoa trinh nữ vẫn e ấp khép cánh nhẹ nhàng, khi cô vừa chạm tay vào.
Mà người xưa đâu ?
Hình ảnh người bạn đồng môn cao ráo, mái tóc ba phân, ánh mắt long lanh, ngời sáng và nụ cười thân thiện với lối nói chuyện chân tình, cởi mở đã luẩn quẩn trong tâm trí cô nhiều năm qua.
Thu vẫn bâng khuâng tự hỏi :
-“Anh không phải là loại người dễ dàng quên lời hứa, thế mà anh đã để Thu đợi chờ ba năm nay.Giờ này anh ở đâu ? Tại sao anh chưa thực hiện những gì anh đã nói với Thu năm xưa ? Anh ở đâu ? Anh Thịnh ơi !
Bao giờ để em có lại mùa Thu xưa ? “

Dương Thượng Trúc.
( Một Thời Để Nhớ )
Thủy Gia Trang 15 năm ly xứ




TÌNH LỠ.


Viết thay tâm sự của một người bạn.

Chiếc phi cơ bắt đầu hạ dần cao độ. Đang từ khoảng trống mông mênh trên cao, giữa một không gian bao la, không biên giới, nó lầm lũi chui vào những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi bên dưới, những đám mây lãng đãng, vẫn vơ như suy nghĩ của Tân, cũng đang bồng bềnh, lãng đãng và vẩn vơ…
Tiếng của cô tiếp viên, người Tàu, nói tiếng Anh rất chuẩn, vẫn vang vang, nhắc nhở :
-Chúng ta chuẩn bị đáp xuống Phi Trường New Orleans.Xin quý vị hành khách đừng di chuyển, tắt phôn tay, và thắt dây an toàn.Chúng ta sẽ hạ cánh trong vòng mười lăm phút nữa. Kính chào quý vị.
New Orleans !
Những tiếng ấy nhắc nhở Tân về cuộc hành trình mà anh đang thực hiện.
Mà anh có mục đích gì trong chuyến đi này đây?
Một sự mâu thuẫn đang giằng xé tâm tư Tân. Anh đến đây để làm gì ?
Anh có nên gặp lại Thu hay không, khi mà hai người đã mất bặt tin tức nhau hơn mười năm nay, kể từ cái ngày quê hương rơi vào tối tăm, tủi nhục.


* * *
Sau ngày ấy,Thu theo gia đình trở về Định Quán, trồng rẫy, làm nương, rồi dạy học, độ nhật qua ngày, và nhất là để tránh một tai họa có thể xảy ra cho cô, như lời đồn đại :
-“Tất cả các cô gái chưa chồng, xinh đẹp đều được gả cho những người anh hùng dân tộc, đó là các thương binh của bộ đội bắc việt.”
Viễn ảnh ấy thật sự là một mối đe dọa cho cô và cho những thiếu nữ xinh xắn của miền nam lúc bấy giờ. Mà con gái miền Nam lúc ấy, thì cô nào chẳng xinh đẹp.Vì họ sống trong môi trường dân chủ, được tự do chưng diện, được tự do đón nhận những kiểu mẫu thời trang thích hợp của các nước trên thế giới, được giáo dục theo nền tảng đạo đức gia đình.
Nên cô nào cũng duyên dáng, đảm đang.
Mà Thu của anh thì lại càng nổi trội hơn nữa, cô có dáng người thon thả, mảnh mai.Những tà áo dài được khoác lên người Thu đều tôn thêm vẻ thướt tha, uyển chuyển.
Nên mỗi lần hai đứa được đi chơi với nhau, anh đều yêu cầu cô mặc áo dài.Thu còn có mái tóc thật đẹp, đen nhánh, mượt mà buông xỏa xuống đô bờ vai thon, như một giòng suối, ngọt ngào, làm mát dịu tâm hồn Tân những buổi trưa nắng cháy, khi anh phóng vùn vụt chiếc xe Honda cổ lỗ xỉ, phun khói mịt mù của thằng bạn, lên thăm cô, mỗi lần được về phép.
Con đường từ Tân Bình đến Quang Trung không xa lắm, nhưng hai bên trơ trụi, không một bóng cây mà chỉ là những ruộng lúa khô cằn, cháy xém. Vào mùa hè, nắng từ mặt đường hắt lên nóng bỏng cả da mặt.
“Nóng thì nóng, trơ trụi thì trơ trụi, nào đã có xá gì so với những nắng lửa, mưa dầu, nơi chiến trận.”
Lý lẽ của con tim Tân nhắc nhở anh như thế.
Và những giờ nghỉ phép ngắn ngủi ấy, đối với anh còn quý hơn bạc vàng, châu báu.
Thế nhưng, có khi lên đến cái xóm đạo hiền hòa, dễ thương, nơi có một bóng hình mà anh luôn ấp ủ trong tim ấy, chưa chắc đã được gặp Thu. Vì, có khi cô đi học thêm, có lúc cô theo các em vào buôn bán trong câu lạc bộ. Hôm nào may mắn, cô đang học bài ở nhà, nhưng cùng lúc ấy lại gặp phải ông Bô vô cùng nghiêm khắc của cô - Một vị Hạ Sĩ Quan thâm niên, làm việc trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung - thì cũng đành chịu thua.
-Em nó còn bé lắm Thiếu Úy ạ! Có nói chuyện gì thì cứ trao đổi ở nhà.
Đừng chở nó đi đâu, để thì giờ cho nó học hành…
Ông phán một câu như thế, thì coi như bằng không.
Ai đời, chuyện giữa hai trái tim đang yêu nhau thì thào, thủ thỉ mà ông cụ bảo cứ nói ngay tại nhà, với sự chứng kiến của ngài … thì thật là chết sướng hơn…
Mà, ngày giờ đi phép thì anh đâu có quyền chọn lựa, cho nên bất cứ lúc nào có được tờ giấy phép trong tay, là anh vù về để rồi:
Đường trường xa, ta quyết đi cho đến cùng…

Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi, mà anh đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi…
Quang Trung, nơi đây, ngày trước, anh đã một lần qua, khi học giai đoạn một quân sự, trước lúc được gởi lên Thủ Đức.
Bây giờ anh mới thấm thía câu nói của người xưa.
Yêu ai, yêu cả đường đi lối về.
Bởi thế, con đường ấy anh đã trải qua rất nhiều lần, đến nỗi quen thuộc từng ngã tư, từng trụ điện. Và nhất là những ngôi nhà xinh xắn trong cái xóm đạo nhỏ bé. Ngôi Thánh Đường đơn sơ mà ấm áp tình người.
Ngôi Thánh Đường có một con chiên ngoan đạo, vẫn hay ở lại sau những buổi chầu thường lệ, để cầu nguyện cho một người đang ngày đêm chiến đấu nơi miền xa.
Thu vẫn viết thư cho anh biết như vậy.
Ôi! Em như một thiên thần nhỏ bé, mang đến cho anh nguồn hạnh phúc thật ngọt ngào và tình yêu của của em thánh thiện, ngây thơ quá.
Anh thật sự hạnh phúc với bao yêu thương em dành cho anh .
Những đêm chờ giặc, những lúc xung phong, hay những khi nằm dưới giao thông hào, đếm pháo của giặc rót như mưa vào tuyến phòng thủ, anh vẫn nhớ đến Thu.
Nhớ đến giọng nói ngọt ngào dễ mến, như tiếng hót của một loài chim lạ, như khúc nhạc nhẹ nhàng, lúc nào cũng văng vẳng bên tai anh.
Mỗi lần đưa cô đi chơi đây đó, trong những giờ phép ngắn ngủi- cả của anh lẫn của cô, không có bố ở nhà, thì mẹ cho phép đi chơi, nhưng phải có mặt ở nhà trước giờ bố tan sở - Anh chỉ im lặng để nghe Thu thỏ thẻ. Khiến cô nũng nịu :
-Thu không chịu đâu, anh nói chuyện đi chứ ! Sao để Thu nói không vậy ?
-Anh chỉ muốn nghe Thu nói thôi.
-Anh ăn gian quá hà, bắt em làm diễn giả cho anh hoài sao !
-Anh muốn Thu nói vì…đời chinh chiến, có ai biết được chữ ngờ, anh sợ mai kia, sẽ không có dịp nghe Thu nói nữa…
Cô vội đưa tay bịt mồm anh, phụng phịu :
-Anh lại nói gỡ nữa rồi, em không thích đâu. Mỗi đêm anh vẫn hằng cầu nguyện cho anh được bình an, mạnh khỏe, và luôn nhớ…về em…
-Nhớ em thì lúc nào cũng nhớ, nhưng …em muốn anh nói, anh thật tình chẳng có chuyện gì để nói cả. Đời lính có gì vui đâu Thu.Ngoài những gian khổ, mất mát và hy sinh…
-Thì anh kể cho Thu nghe về sinh hoạt của anh, về những người bạn đồng đội, và nhất là những nơi anh đã đi qua.
-Trời ơi ! Sinh hoạt đời lính thì giống như cái đồng hồ ấy Thu ơi !, Giờ nào chào cờ, giờ nào điểm danh, trực gác v.v... Là đúng y bon…Đó là khi được về hậu cứ, còn lúc đi hành quân thì tùy thuộc vào từng khu vực, có khi cũng được ngủ trưa một tý. Nằm tòng ten trên võng, giữa rừng gia u tịch, nghe chim hót líu lo, chào đón bình minh, mà anh mường tượng là đang được nghe tiếng Thu ríu rít bên tay như bây giờ vậy đó.
-Anh lại ghẹo em nữa rồi ! Em bắt đền anh đấy.
-Anh nói thật mà ! Nhưng cũng có lúc, nửa đêm phải vùng dậy, chui xuống hầm để tránh đạn pháo.
-Eo ơi ! Nguy hiểm thế sao ?
-Chứ em nghĩ nó yên bình và thản nhiên như ở thành phố này ấy à? Em là người nhạy cảm rất dễ xúc động, mau nước mắt, nên anh không muốn kể cho em nghe nhiều về đời lính. Còn đồng đội của anh hả! Bọn họ phá như quỷ nhà chay. Đánh giặc thì lỳ lợm, về phố thì nhậu nhẹt bạt mạng.Cũng dễ hiểu thôi, đời lính mà, biết ra sao ngày sau…Nhưng được cái họ rất thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho nhau đó, em ạ ! Chính nhờ tình đồng đội gắn bó như thế, họ mới có thể chia sẻ với nhau những gian khổ từ ngày này, qua ngày khác, mặc dù, họ là người tứ xứ, chỉ vì cùng yêu thích màu cờ sắc áo mà chiến đấu bên nhau.
-Họ hy sinh cho nhau như thế nào hở anh ?
-Mới đây thôi, đơn vị anh hành quân lục soát một mật khu của Việt Cộng. Đêm đó, đóng quân nghỉ tại một cánh rừng vắng. Gần sáng thì địch tấn công.Tiền đồn là đơn vị đi nằm xa, cách đại đội vài trăm thước.Bị thiệt hại nặng, có mấy anh em bị thương, cần đưa về để tải thương. Khì điều động một đơn vị ra tiếp viện, thì có rất nhiều người tình nguyện đi theo, vì trong toán tiền đồn đó có bạn bè của họ.Sau đó, có những người bị thương, nhưng vẫn cố gắng cõng những người bị thương nặng hơn về đến bộ chỉ huy đại đội.
-Trời ơi ! Họ anh hùng quá anh nhỉ !
-Anh cũng đã rớt nước mắt khi nhìn hình ảnh người lính chỉ còn một tay, vì tay kia đã gẫy lặc lìa, lặc lọi, cố cõng một đồng đội bị thương ở chân về đến nơi an toàn, mặc cho máu me chảy ra xối xả…
-Thôi anh đừng kể nữa em sắp khóc đây nè !
Thế là Tân phải ngưng ngay lại, vì biết cô không nói đùa.
-Còn chuyện đi đến chỗ này, chỗ kia thì sao ?
-Có mấy khi được đóng quân gần thành phố đâu mà em lo !
-Em lo gì cơ chứ ?
-Thì …không phải em lo anh quen biết cô này, cô nọ, trên đường dừng quân sao ?
-Anh mà như thế…em giận anh đó…
-Anh thề có “ giời” , bây giờ và mãi mãi, anh chẳng quen biết ai ngoài em ! Chịu chưa ? Công nương mau nước mắt của tôi ! Kẻo không em lại khóc ngập lụt hết cái thành phố Saigon này bây giờ.
Hai đứa quen biết và yêu nhau hơn ba năm trời, từ lúc anh còn đang học giai đoạn một quân sự tại Quang Trung, nhưng chưa một lần đi ra ngoài vòng lễ giáo. Chưa một nụ hôn, chưa một lần đưa nhau những chỗ tình tứ, lãng mạn như công viên, vườn Bách thú…
Tình yêu hai người dành cho nhau thật thánh thiện, trong trắng. Anh tự nguyện với lòng, sẽ gìn giữ mối tình đẹp đẽ ấy đến suốt kiếp.
Và Tân đã giữ đúng lời hứa đó, chí ít cho đến ngày hôm nay.
Anh chưa hề quen biết một người con gái nào khác, chứ đừng nói đến hò hẹn, yêu thương…
Cả hai không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một trở ngại nào đó có thể ảnh hưởng đến tình yêu của họ.
Thế mà, giòng đời chia hai lối, bây giờ mỗi kẻ một nơi.

Phần Tân, sáng ngày 30/4 anh vẫn còn ở lại đơn vị, trong khi các đơn vị trưởng đã lần lượt bỏ đi, anh em binh sĩ cũng chẳng còn mấy người.Hơn mười giờ sáng, khi nghe Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố buông súng, đầu hàng anh tưởng chừng như cả đất trời sụp đổ tan hoang.
Thế ra những công sức anh bỏ ra, góp phần bảo vệ mảnh đất này trong gần một chục năm trời là công dã tràng à ?
Những bạn bè anh, những đồng đội, những chiến hữu của anh, với bao máu xương đã đổ xuống, những vành khăn tang trên bao mái đầu xanh vô tội, những giọt nước mắt dàn dụa của người quả phụ, đang vật vã bên xác chồng vừa đền nợ nước còn nằm kia, chỉ trong vài phút, qua lời tuyên bố của ông ta, bỗng trở thành vô nghĩa.
Ôi! Còn gì xót xa, đau đớn cho bằng.
Còn gì tủi hổ, nhục nhã hơn !
Tất cả như một cơn Đại Hồng Thủy đã được mô tả trong Thánh Kinh.
Cơn đại hồng thủy đã cuốn trôi tất cả những ước mơ, những hoài bão và cả cuộc sống yên bình mà người dân miền Nam luôn mong đợi.
Anh mang tâm trạng não nề, đau đớn đi tìm Thu.
Lên đến Quang Trung thì bóng người xưa đã biền biệt phương trời.
Gia đình Thu dọn vể Định Quán trước khi mọi điều tồi tệ có thể xảy ra.
Anh đã lỡ một chuyến đò.
Tân gặm nhắm nỗi buồn triền miên ấy, trong góc căn gác xép của một thằng bạn học, phục vụ trong quân chủng Hải Quân, vừa hy sinh vào giờ thứ 25.
Sau cái ngày bất ngờ gẫy súng ấy, anh như con chim lạc đàn, ngơ ngác giữa dòng đời xuôi ngược.
Đi hay ở ? Lúc đó đon vị anh ở gần Saigon, nên cơ hội ra đi rất dễ dàng.
Nhưng đi thì đi về đâu ? Còn mẹ, còn cha, còn anh, còn em và còn những đồng đội cũ hầu hết vẫn còn đây.
Trách nhiệm của anh, của một người lính chưa làm tròn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc, một đêm thiêng liêng giữa Vũ Đình Trường im lặng đến rợn người, chỉ nghe gió vi vu qua từng kẽ lá, như lời réo gọi của hồn thiêng sông núi và của anh linh tử sĩ:
TỔ QUỐC - DANH DỰ -TRÁCH NHIỆM.
Thành mất, anh không đủ dũng khí để tuẫn tiết theo thành, chí ít anh cũng phải ở lại đây, để chịu chung số phận với những người dân mà anh được giao phó trách nhiệm bảo vệ, nhưng anh đã không hoàn thành, chứ.
Anh phải ở lại đây để thấm thía cái tắc trách của anh - dù rất nhỏ, nhưng sĩ diện của một quân nhân không cho phép anh chạy tội- đã dẫn đến hậu quả như thế nào ?
Dằn vật với những ý nghĩ mâu thuẫn ấy, cho đến khi sự thể muộn màng.
Rồi đến một ngày, vào cuối tháng sáu năm ấy.
Như hàng ngàn, hàng vạn đồng đội, chiến hữu cũ, anh xách một cái túi nhỏ, hành trang là vài bộ quần áo cũ, với ít đồ dùng cá nhân, đến trình diện tại một trường trung học trước cửa Tòa Hành Chánh Gia Định.
Anh nhờ một người bạn chở đến đây, vì không muốn gia đình lo lắng nhiều.
Chung quanh anh những khuôn mặt hốc hác, âu lo, những giọt nước mắt bùi ngùi bịn rịn, khiến anh liên tưởng đến những lần anh chứng kiến cảnh đưa tiễn người lính trở lại đơn vị.
Lúc ấy, tiễn đưa người vào lửa khói chiến chinh, tuy không đến nỗi bi lụy như Triều Đình nước Yên đưa Kinh Kha sang dòng Dịch Thủy. Nhưng mọi người ngầm hiểu rằng bao nhiêu hiểm nguy đang rình rập, đợi chờ - Chẳng ai có thể ước hẹn một điều gì cho mai hậu.Thế mà, kẻ ở người đi vẫn sáng lên niềm tin trong từng ánh mắt, nụ cười, từng câu nói và từng nụ hôn nồng nàn họ vội vã trao cho nhau.
Hôm nay thì khác, ở đây, anh chỉ nhìn thấy những khuôn mặt âu sầu, ảo não, mặc dù người ta thông báo đi Tập Trung chỉ có mười ngày dành cho Sĩ Quan cấp Úy.
Thiếu vắng hẳn những nụ cười, lại càng không có những môi hôn, có chăng chỉ là những nụ cười gượng gạo, méo mó và nụ hôn chỉ dành cho những đứa con mới lẫm đẫm biết đi, đang bi bô gọi Ba ơi , ba hỡi…
Thân cá chậu chim lồng từ đó.
Những tháng năm nhục nhằn cơ cực, với bao đói khát bệnh tật, anh vẫn cố gắng vượt qua, vì cha mẹ già, nên chẳng dám mơ ước đến những lần thăm nuôi, để được nhận chút sinh khí từ bên ngoài cái nhà tù nhỏ.
Mà có vui gì cho cam, ở bên ngoài cũng chỉ là một khám đường không có cổng khóa, nhưng lại có những sợi dây thòng lọng, thắt vào cổ như cái vòng Kim Cô trên đầu Tôn Hành Giả.
Anh tìm đủ mọi cách để thăm hỏi tin tức về Thu, tất cả đều vô vọng.
Tuy thế, niềm tin của anh vẫn chưa lụn tàn.Rất mơ hồ, tự sâu thẳm tâm hồn, anh luôn nghĩ rằng Thu vẫn còn chờ đợi anh ở một nơi nào đó.
Sau gần sáu năm trời, trong đọa đầy, tủi nhục anh được trả tự do, với một tấm thân tàn tạ, hao mòn.
Nhà cửa tan hoang, cha mẹ đi kinh tế mới, với niềm tin hoang tưởng là anh sẽ được tha về sớm.
Anh lại một lần nữa lạc lõng trên quê hương điêu tàn, đổ nát.Nhưng lần này, không bị phá hủy bởi súng đạn, xe tăng, đại pháo, mà vì chủ thuyết ngoại lai, không còn chút tình tự dân tộc nào từ những kẻ thắng trận.
Tình yêu anh dành cho Thu và niềm tin vào tình yêu đó giúp anh vượt qua những khó khăn trong cuộc đời tù tội.
Anh phải đi tìm lại cái vốn quý báu nhất trong cuộc đời anh.
Chạy vạy mãi mới xin được tấm giấy phép đi đường, để lên Định Quán mong tìm dấu tích của Thu. Lúc ấy, đang còn quản chế, nên rất khó khăn trong việc đi lại.
Tên Trưởng Công An phường, trước khi trao tờ giấy in ronéo lem luốc, với những giòng chữ nghệch ngoạc như gà bới, đã hỏi một câu, làm anh muốn đứng tim :
-Mới Cải Tạo về, lại xin đi lên miền núi, chắc ông muốn theo Fulro hả ?
-Tôi đi thăm người quen thôi, chứ Fulro ful riếc gì.Nhưng hình như các ông đã bắt hết bọn họ rồi mà.

Có được tờ giấy phép trong tay, anh lại phải nhở vả đến người bạn học cũ, vốn là một Giáo Sư “ Mất Dậy”, nay học nghề của Võ Đại Lang gánh một gánh phở bán rong, để nó giúp cho cái vé xe.
Ỳ à, ỳ ạch vật lộn với cái xe được cải tiến lại chạy bằng than, để theo kịp với thời tiền sử, thay vì chạy bằng dầu cặn như trước đây, anh tài xế phải mất mấy lần dừng lại để thông lò than. Mãi gần mười giờ, Tân mới đến được nơi muốn đến.
Hỏi thăm, tìm được nhà Thu thì đã gần đứng bóng.
Tân lại lỡ một chuyến đò.
Gặp Bố già nghiêm khắc ngày xưa. Nhưng bây giờ thì ông rất niềm nở, nói một thôi, một hồi :
-Thu nó đi rồi Trung Úy ạ !
-Ấy ! Bác đừng gọi cháu như thế nữa! Thu đi bao giờ thế hả bác ?
Lúc bấy giờ chỉ cần nói tiếng đi, là người dân miền Nam đều biết đi về đâu !
-Em nó mới đi hơn năm nay, đưọc định cư rồi, gia đình cũng an tâm.Tôi nào có muốn nó phải xa nhà, xa mẹ cha, xa anh em như thế đâu! Thân gái dặm trường, một mình nơi đất khách quê người.Nhưng cái số nó vậy biết làm sao.Nó ra đi chỉ là một sự tình cờ may mắn mà thôi !
-Thu đang định cư ở đâu vậy bác ?
- Ờ Ờ…Ở Mỹ…Trung Úy…À ! Cháu ở lại đây ăn cơm với gia đình nhé.
-Dạ cháu xin cám ơn bác, cháu còn bị quản chế, nên không ở lại đêm đưọc, khi nào có dịp, cháu sẽ lại lên thăm hai bác và các em.Bây giờ cháu xin cáo từ. Hai bác bảo trọng.
Thu có tất cả năm chị em gái, anh hay gọi đùa là Ngũ Long Công Chúa.Các cô rất quý anh, từ những ngày xưa thân ái đó.Các cô, đôi lúc đã làm cánh chim xanh, giúp vun bồi cho tình yêu của anh và Thu
Nay thì đã lớn bộn, cũng tíu tít giữ anh lại ăn cơm.
Nhưng vì lòng tự trọng, anh đành chối từ. Ngay cả đến địa chỉ củaThu ở Mỹ, anh cũng không dám hỏi vì không muốn gia đình hiểu lầm.
Anh quay trở về căn chòi nhỏ, đưọc cất trên nền đất cũ mà anh đã từng sống suốt thời thơ ấu.
Mất cội nguồn, mất niềm tin. Anh đành phải ra đi, khi có một người bạn muốn anh đi theo để định hưóng hải bàn.
Tân rời Saigon một buổi chiều cuối năm, lòng anh quặn thắt, khi nhìn những người dân đói rét lang thang, chúc đầu bên bãi rác trên vỉa hè, vào những giây phút thiêng liêng nhất của dân tộc.
Anh cúi đầu bước đi, không dám ngửng mặt nhìn ai.Dường như anh sợ có người phát giác ra anh chính là một trong những kẻ thiếu trách nhiệm, đưa đẩy họ đến cuộc sống cùng cực hôm nay. Hoặc giả, họ phát giác ra anh, lại một lần nữa phủi tay trước những đau thương của dân tộc…
Anh thật sự là một thằng hèn…
Không đủ cam đảm nhìn nhận những lầm lỗi do mình gây ra…
Mà những thằng hèn thì lại sống lâu hơn những kẻ anh hùng, phải chăng nó ứng nghiệm với câu :
Giai nhân tự cổ, như danh tường,
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Vì thế, Tân cũng đã vượt qua được những kinh hoàng trên biển Đông để đến bến bờ tự do, và được nhận đi định cư sau khi vào Thái Lan không bao lâu, vì anh là một Quân Nhân đã từng đi tù Cộng Sản.
Một cô gái còn trẻ, rất xinh xắn, nhưng bị khước từ trong hai lần phỏng vấn, ngỏ ý muốn kết hôn với anh để được đi định cư, làm anh thấy khó xử.
Nên chăng, khi người ta còn là con gái, mà mình thì không thể yêu ai khác ngoài Thu.
Nhưng, nếu không giúp, có thể cô ta sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, dẫn đến hậu quả khôn lường, chưa kể có thể bị bắt buộc hồi hương.
Ám ảnh vì mặc cảm tội lỗi của mình, anh bằng lòng giúp cô, với một điều kiện : Chỉ kết hôn trên danh nghĩa, chứ không thật sự sống chung, sau khi sang đến Mỹ, hai người có quyền tự do riêng.
Và anh đã giữ đúng lời cam kết lúc ban đầu.Mặc dù Lan, tên cô gái ấy, đã chăm sóc anh tận tình, bằng cả tấm lòng của một người vợ hiền, đảm đang.Trong suốt thời kỳ hai người chờ đi định cư.
….
Lòng anh cảm thấy thanh thản khi hai người đáp xuống phi trường New York, và cô được một người bạn đón đi.
Trước khi chia tay, Lan ôm Tân thật thắm thiết-hôn phớt lên má anh và nói nhỏ:
-Tân ! Em đội ơn anh vô cùng, em…cũng đã yêu anh, qua thời gian mình sống chung giả tạo…Nhưng em tôn trọng tình yêu của anh dành cho người xưa. Bất cứ lúc nào, anh cũng có thể đến với em. Tờ khai chúng ta công bố trước Cao ủy Liên Hiệp Quốc sẽ có giá trị vĩnh viễn với em.
Còn riêng phần anh, anh toàn quyền quyết định.
Tân cũng hôn nhẹ lên vầng trán cô và nói nhỏ:
-Anh cũng xin cám ơn Lan đã chăm sóc anh như một một người vợ hiền, trong những tháng ngày qua. Chúng ta không duyên nợ với nhau, hãy cứ coi như là bạn nhé Lan !
Cô nhét vội vào túi áo Tân mảnh giấy ghi số điện thoại của người bạn, rồi rươm rướm nước mắt bước đi.Thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu trông lại.
Anh biết rằng chỉ cần đứng nói thêm vài ba câu nữa, thì cô sẽ oà khóc như một đứa trẻ, nên anh cũng vờ đánh trống lãng, quay đi chỗ khác, tránh tia nhìn tha thiết của cô.
Và cái số phôn ấy đến nay, anh vẫn còn giữ, nhưng chưa bao giờ được xử dụng.

Những tháng năm vật vã với cái lạnh khắc nghiệt, và cái nóng nung người của vùng Trung Mỹ, anh chỉ biết tìm niềm vui trong những sinh hoạt cộng đồng.
Anh tham gia tất cả các hội đoàn, tham dự tất cả lễ lạt do các hội đồng hương tổ chức.Anh đóng góp bằng hết khả năng của mình từ vật chất đến tinh thần, từ công sức đến tiền bạc. Không nệ hà bất cứ việc gì cộng đồng cần đến.Anh làm tích cực, như để đoái công chuộc tội.Nên các hội đoàn đều rất quý mến anh.
Một lần, tham dự buổi họp mặt của Hội ái hữu đồng hương Lâm Đồng, anh tình cờ biết được tin tức của Thu.Và có số điện thoại của cô.
Như bắt được vàng, anh đã bỏ giở buổi tiệc, về nhà gọi phôn ngay cho cô.
Tân đã phải uống hết hai ly nước thật lạnh, để trấn tỉnh trước khi nhắc cái phôn lên.
Tay anh run run khi quay những con số cuối cùng.
Những ngón tay đã bao lần xiết cò súng khi lao vào trận địa, đã từng rút chốt bao nhiêu quả lựu đạn, để tử thủ khi địch tràn ngập phòng tuyến. Thế mà bây giờ không thể giữ bình tĩnh trước cái phôn, đã chứng tỏ tình yêu Tân dành cho Thu mãnh liệt đến mức độ nào.
Và khi tiếng chuông từ đầu giây bên kia vọng lại. Anh như nghẹt thở chờ đợi. Hơn mười năm trời mới nghe lại được tiếng nói thân thương mà mình yêu quý, và mong mỏi, anh cảm thấy nghèn nghẹn trong cuống họng…khi đầu giây bên kia cất tiếng :
-A lô ! A lô !
Vẫn chưa chắc chắc chắn lắm, dù anh biết mười mươi, đó là tiếng của Thu, và để tránh sự ngỡ ngàng, anh đã đổi giọng, phát âm theo tiếng Nam -mặc dù anh là dân bắc Kỳ di cư 54 chính hiệu :
-Xin lỗi cho tôi được nói chuyện với cô Thu ạ !
-Thu đây, xin hỏi anh là ai thế, và gọi từ đâu đến ạ !
-Có phải Kim Thu, ngày xưa ở gần Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung , sau ngày 30/4 theo gia đình về Định Quán dạy học không vậy cô ?
-Thưa phải, nhưng anh là ai mà sao biết rành về Thu quá vậy ? Để xem, giọng nói của anh nghe quen lắm. Nhưng …chắc không phải đâu, anh ấy là người Bắc mà.
-Cô Thu đang nói tới ai vậy ?
-Tới một người xưa…
-Cô còn nhớ đến anh ấy sao ?
-Còn nhớ chứ anh, đó là mối tình đầu đẹp đẽ nhất của Thu mà.Nhưng tại sao anh lại tò mò về chuyện của Thu như vậy? Anh là ai ?Anh gọi đến đây có chuyện gì không ?
-Xin lỗi, tìm được số phôn của cô, tôi mừng quá quên cả phép lịch sự tối thiểu là xưng danh tánh của mình.Thưa cô ! Tôi tên Tấn, là bạn của người ấy, tôi đang định cư tại miền trung nước Mỹ…
-Hả ? Anh là bạn của anh Tân. Bạn như thế nào ? Sao Thu không biết, còn anh Tân hiện nay ra sao, Thu sốt ruột muốn biết tin tức về anh ấy lắm…
-Cô hỏi từ từ thì tôi mới trả lời được chứ ! Đúng, tôi là bạn của anh Tân, nhưng cô không biết là vì chúng tôi chỉ quen nhau khi ở trong nhà tù Cộng Sản. Mấy năm trời, chúng tôi nằm kề cận bên nhau, lúc nào tôi cũng chỉ nghe anh ấy nhắc đến cô.
-Anh ấy nhắc sao hở anh ?
-Thì nhắc lại những kỷ niệm cũ, nhắc lại những ước hẹn của hai người, và nhiều thứ lắm…Như là anh ấy nói còn nợ cô những lần đưa nhau đi công viên, sở thú, và cả đến một nụ hôn, hai người cũng chưa trao nhau nữa …
-Anh ấy kể hết chuyện của chúng em cho anh nghe à ?
-Thì những thằng tù chỉ sống bằng kỷ niệm thôi mà.Nhất là những thằng tù ốm đói như chúng tôi…
-Tôi nghiệp anh ấy …
-Sao lại tội nghiệp ?
-Em nghe nói đi ở tù khổ lắm, mà nhà anh ấy thì nghèo, chắc bố mẹ chẳng thể nào gồng gánh đi thăm nuôi anh ấy được.
-Cô nói đúng, Tân là thằng con bà phước từ đầu đến cuối.Tụi nó thả Tân ra chỉ vì sợ Tân chết vì đói trong tù, chứ không phải học tập tốt lao động tốt đâu.Ngày được trả tự do, anh ấy chỉ còn như một con mắm.
Có tiếng thút thít bên đầu giây bên kia.
-Xin lỗi đã làm cô buồn…
-Anh đừng bận tâm, tính em vẫn vậy, em rất muốn nghe thêm tin tức về anh Tân.
-Đúng thế ! Tân nói với tôi rằng cô rất mau nước mắt.
-Khi còn ở trong nước, có lần theo bố vào rừng làm rẫy, nhìn thấy mấy anh Tù cải tạo ăn mặc rách rưới, em đã khóc hết nước mắt suốt một đêm trường.Hôm sau bố không cho em đi làm nữa.
-Thu vẫn có tính thương người như ngày nào !
-Anh bảo sao cơ !
-À ! …Không có gì…
-Bây giờ anh hãy nói ngay cho em nghe về anh Tân đi.
-Từ từ tôi sẽ nói hết cho Thu nghe, nhưng nói chuyện điện thoại khuya thế này có làm phiền người trong nhà không vậy cô Thu ?
-Không sao cả đâu hôm nay nhà em đi dự họp mặt với các bạn trong đơn vị cũ .Chắc khuya lắm mới về….
Như một tia sét đánh ngay bên mang tai. Đầu óc Tân lùng bùng tựa vừa trải qua một cơn địa chấn.Cái điện thoại tuột khỏi tay Tân rơi xuống bàn gây lên tiếng động khô khốc.
Tiếng Thu vẫn réo gọi, văng vẳng…Tân ngồi chết lặng…
Hết cả rồi ! Thế là Tàn một ước mơ !
Sao em nỡ vội lấy chồng hở Thu ?
Thời gian trôi qua khá lâu, trong cái im lặng nặng nề ấy, tiếng Thu vẫn thiết tha vang lên từ cái ống nghe:
-…Anh Tấn…Anh Tấn ơi !
Tân cố gắng lấy lại bình tĩnh, cầm cái điện thoại lên …
-Anh Tấn, anh còn đó không vậy, có chuyện gì xảy ra với anh thế ?
-Không …Không có gì…cả đâu cô Thu.Tôi bị cơn suyễn hành bất ngờ thôi !
-Anh uống thuốc đi, rồi nằm nghỉ ngơi, mặc dù bây giờ em đang rất sốt ruột nghe tin tức của anh Tân, nhưng để thư thả, khi nào anh khoẻ rồi hãy nói.Thế còn chị và các cháu có nhà không ?
-Tôi còn độc thân cô Thu ạ !
-Thôi chết ! Bịnh hoạn như thế mà lại ở có một mình thì nguy hiểm lắm,
nhỡ khi trái gió trở trời…
-Tôi “ share ” phòng với một anh bạn tù khác, nên cũng không đến nỗi nào, cô đừng lo.Chỉ sợ rắc rối cho cô thôi !
-Anh yên tâm đi.Ngay cả khi có nhà em ở nhà, anh vẫn có thể gọi phôn đến nói chuyện. Em mới lập gia đình với anh ấy non một năm nay ! Sau những tháng năm dài mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng. Dĩ vãng cùng mối tình của em với anh Tân, anh ấy đã nghe qua.Và nếu có cơ hội em sẽ liên lạc với anh Tân. Anh ấy không ngăn cản, đó là điều kiện em đưa ra trước khi làm đám cưới.
-Cám ơn cô đã chia sẻ những riêng tư trong cuộc sống và cũng cám ơn cô còn nghĩ đến người bạn khốn khổ của tôi.Bây giờ tôi xin phép đi nghỉ Khi nào thuận tiện, tôi sẽ gọi để nói cho cô biết tin tức của Tân.Chào cô và chúc cô ngon giấc.
-Anh Tấn ! Anh Tấn…
Tân gác điện thoại lên giá, lòng chùng xuống một nỗi buồn vô hạn.
Thu vẫn còn yêu mình tha thiết, nhưng cô đã lập gia đình.Mình không thể trách móc gì cô ấy được.Tuổi Xuân con gái chỉ có một thời. Đến nay, cô ấy đã tròm trèm ba mươi tuổi.
Đợi chờ như thế là quá đủ cho một cuộc tình thủy chung rồi.
Không thiếu những người đã là vợ, là chồng nhưng chỉ vài năm sau khi chồng đi tù, đã vội vàng cất bước sang ngang, không một lời từ giã.
Thế thì anh còn khuấy động làm gì những kỷ niệm xưa cho lòng thêm vương vấn. Hãy để cho cô ấy yên vui với hạnh phúc dù muộn màng nhưng cô ấy xứng đáng được hưởng.
Còn người chồng kia nữa, anh ta với Tân không hề quen biết, đi họp mặt với anh em trong đơn vị cũ thì chắc cũng là một người lính ngày xưa, như thế là cùng chiến tuyến. Hẳn anh ấy cũng đã hy sinh nhiều lắm nên đến nay vẫn chưa lập gia đình.Hoặc đã có vợ, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh đau lòng của nhiều anh em khác.
Thuyền tình tách bến sang sông.
Anh còn ngơ ngẩn ngóng trông một người.
Chim bay tận cuối chân trời.
Còn tìm đâu nữa, bóng người anh yêu.

Thôi hãy ngủ yên đi dĩ vãng. Để cuộc tình chìm vào hư vô.
Để ta sống nốt chuỗi ngày đơn độc, tha hương.

Tiếng bánh xe của phi cơ chạm đất, gây nên một chấn động nhẹ, làm Tân giật mình trở lại với thực tế.
Đã dặn lòng như thế, mà hôm nay anh lại có mặt ở đây.
Mà đã đến đây rồi, có muốn quay về cũng chẳng được nữa.
Thôi thì cứ đến nhìn lại người xưa một lần, dù chỉ một lần rồi vĩnh viễn mất nhau cũng cam.
Ra khỏi phi trường, anh gọi đến công ty xe tắc xi, thuê bao hẳn một chiếc. Những việc này anh đã chuẩn bị sẵn trước khi lên đường, để tránh sự bỡ ngỡ.Vì đây là lần đầu tiên anh đến thành phố này.
Anh đưa tấm giấy ghi địa chỉ khu thương mại mà Thu làm việc, hỏi anh tài xế từ đây đến đó mất bao lâu.
-Khoảng hơn nửa tiếng thôi Sir.
-Anh đưa tôi đến đó, chờ tôi trong 30 phút.Sau đó chở tôi về khách sạn này.Sáng mai bảy giờ anh đến khách sạn, đưa tôi ra phi trường. OK ?
-Yes, Sir.
Ngồi vật xuống băng sau xe, Tân lại thả hồn về dĩ vãng.
Một tuần lễ sau, cũng vào ngày cuối tuần, anh gọi đến Thu.
Cô rất mừng rỡ khi nghe tiếng anh :
-Trời ơi ! Anh Tấn ! Em chờ phôn anh muốn chết luôn vậy đó. Hôm ấy em lại quên hỏi xin số phôn của anh…
-Xin lỗi ! Tôi không được khỏe suốt tuần nay.Mà những người về từ ngục tù Cộng sản có mấy ai khỏe đâu ! Hôm nay mới đỡ đỡ, nên gọi cho cô đây.Gia đình cô vẫn thường chứ ?
-Anh hỏi thế là ý làm sao ?
-Không chẳng có ý gì cả, chỉ là hỏi xuông thế thôi !
-Em mừng lắm khi nghe lại được tiếng nói của anh…Hôm nay, nghe giọng anh thấy có vẻ khỏe khoắn lại rồi đấy ! Nào anh hãy cho em biết thêm về anh Tân đi. Sau ngày ra tù, anh ấy có lên Định Quán tìm em, nhưng lúc ấy em đã vượt biên rồi.Bẳng đi từ ấy đến nay, chẳng biết anh ấy ra sao…
-Cô Thu này !
-Dạ .
-Tôi nghĩ, tốt nhất cô nên quên Tân đi.Bây giờ cô đã có bổn phận trong một mái gia đình, hãy để dĩ vãng qua đi như nó đã qua đi trong mười năm qua vậy…
-Nhưng em không thể nào quên anh Tân được, không thể quên những kỷ niệm ngọt ngào của hai đứa em…
-Tất cả rồi sẽ qua đi thôi cô Thu ơi !
-Nếu qua được, thì em đã không khắc khoải đến hôm nay…
-Thời gian cô Thu ạ ! Thời gian sẽ là một phương thuốc công hiệu nhất, giúp cô xóa đi những ray rứt ấy.
Thu sụt sùi qua, tiếng nấc :
-Anh Tấn! Em đã đợi chờ anh Tân trong mười năm trời, điều đó chứng tỏ tình yêu em dành cho anh ấy tha thiết biết chừng nào…
-Tôi hiểu, hai người yêu nhau tha thiết, cô yêu Tân thật nhiều và tình yêu Tân dành cho cô chắc hẳn cũng nồng nàn không kém…Nếu không muốn nói là mãnh liệt hơn.Vì với Tân, tình yêu ấy vừa là cứu cánh, mà cũng là phương tiện để Tân chống chọi với nghịch cảnh cuộc đời đó cô Thu ạ!
-Anh Tấn, bởi thế em rất mong anh cho biết tin tức về anh Tân.Tụi em sẽ có cách giải quyết êm đẹp chuyện này. Em van anh mà, anh Tấn.
-Cô Thu, trước tiên, nếu cô tin tôi, thì xin đọc cho tôi cái địa chỉ của cô..
-Làm gì thế anh ?
-Tôi sẽ gửi đến cô một vật này rất có ý nghĩa.
-Vâng anh chuẩn bị giấy bút đi, em đọc nhé. Đây là địa chỉ chỗ làm việc của em. Em có mặt ở đây suốt ngày…
-Cám ơn cô ! Xong rồi. Bây giờ cô bình tĩnh nghe tôi nói đây …
-Anh nói đi, làm em sốt ruột quá đi thôi ! Hay anh Tân đã vượt biên đến Mỹ, mà nếu thế, sao anh ấy không gọi em …
-Không cô Thu ạ ! Tân đã không đi đến Mỹ mà đi đến một nơi khác…
-Đến nước nào vậy anh ?
-…Tân đã đi đến …cõi vĩnh hằng…
-…Trời ơi ! Anh Tân ơi ! Anh Tân…
Tiếng khóc òa vỡ trong phôn.
Tân nghe như ai đang xé ruột gan mình ra thành trăm ngàn mảnh.
“Anh đang lừa dối em đó Thu ơi ! Anh đây ! Anh là Tân của em đây…Anh vẫn còn tha thiết yêu em, và lời ước thệ mười năm trước -chỉ yêu một mình em - vẫn được anh gìn giữ. Bây giờ, mình chỉ cách nhau có vài giờ bay thôi Thu ơi !”
Con tim bừng bừng lửa yêu đương thúc hối Tân thốt lên những lời ấy, khi mường tượng ra cảnh Thu vật vã khóc lóc bên cái điện thoại. Nhưng lý trí đã ngăn chận kịp thời:
“…Mày có can đảm vùi chôn mối tình tha thiết từng ôm ấp bấy lâu, thì đây là giây phút quyết định, để giúp Thu quên mày đi. Đừng níu kéo nữa, chỉ làm khổ cho nhau mà thôi !Tân ơi ! Hãy mạnh dạn lên.”
Cuối cùng thì anh đành nuốt thương đau, nói :
-Cô Thu ! Cô Thu ! Xin cô hãy bình tĩnh lại. Mọi chuyện đã lỡ làng cả rồi, có khóc thương bao nhiêu cũng vô ích mà thôi! Hãy yên ổn sống với nhiệm vụ của một người vợ, và rồi sẽ là một người mẹ. Hẳn ở nơi xa xôi kia, Tân sẽ rất vui, khi thấy cô được hạnh phúc…Tôi xin địa chỉ của cô là để gửi lại cho cô những kỷ vật ngày xưa mà hai người đã trao đổi cho nhau. Đó là ước nguyện của Tân trước khi nhắm mắt, lìa đời.
-Anh ấy mất ra sao vậy anh Tấn? TiếngThu vẫn thổn thức, đến xót xa…
-Sau khi đi tù về, chúng lại còn bắt đi thủy lợi ở mấy nông trường xa xôi. Tân mắc bệnh sốt rét mà chết.
-Xin anh cho em biết chính xác ngày giờ anh Tân mất, để em xin lễ cho anh ấy.
-Không cần đâu cô Thu ! Gia đình Tân lo cả rồi. Tôi thành thật xin lỗi vì đã đưa đến cho cô một tin không vui. Nhưng biêt sao hơn, khi tôi đã nhận lời trăn trối của Tân. Cái trách nhiệm mà bao lâu nay tôi canh cánh bên lòng, nay đã hoàn thành. Xin tạm biệt cô. Chúc cô mau tìm lại sự yên bình trong tâm hồn.Chào Cô.
Tân gác điện thoại. không để cho Thu kịp hỏi thêm một lời nào nữa.

Sáng hôm sau, anh ra bưu điện gửi lại cho cô những lá thư mà ngày xưa cô đã viết cho anh.Với bao nhiêu lời yêu thương nồng cháy.
Và một tuần lễ sau, anh mua vé máy bay đi New Orleans.
Bây giờ thì anh đang có mặt tại đây ! Chỉ cách Thu có vài phút lái xe. Hai người đang đứng chung trên một mảnh đất, hít thở chung một bầu trời, nghe như có hương thơm của nhau.Mà sao ngàn trùng xa cách.

Chiếc tắc xi dừng lại bên lề đường cho Tân bước xuống.
Đó là một con đường thoáng, rộng, có trồng cây ở giữa, ngăn chia hai chiều xe lưu thông .
Đứng từ xa, Tân hồi hộp đưa mắt quan sát nơi đang ấp ủ bóng hình mà anh đã từng yêu dấu bao nhiêu năm.
Kia rồi.Anh bước qua một cửa hàng sửa chữa máy móc, rồi đến chỗ giặt quần áo, và đây. Đúng chỗ này rồi.
Trước khi đi, anh đã sửa soạn dung mạo cho thật khác biệt với ngày xưa. Để tóc dài bờm xờm, râu không cạo, lại đeo thêm chiếc kính đen to, che kín gần hết khuôn mặt.Tân không muốn Thu nhận ra anh.
Hãy để nàng yên ổn với đời sống mới.
Anh chỉ muốn được gặp lại Thu một lần, dù chỉ một lần ngắn ngủi, thế là anh mãn nguyện lắm rồi.Khi đi qua chỗ giặt quần áo, anh đã dừng lại khá lâu trước tấm kính, để quan sát xem có tí dấu tích gì của Tân trên con người anh hôm nay không.
Anh tự tin và mạnh dạn bước vào tiệm tạp hóa nơi cuối dẫy phố.
Dù lòng đã dặn lòng, thật bình tĩnh, đừng để lộ một chút gì khiến Thu nghi ngờ.Nhưng, khi chưa bước hẳn vào trong tiệm, lướt mắt nhìn qua chỗ quầy tính tiền, đôi chân Tân không thể nào nhấc lên được, anh đứng sững lại như trời trồng, ngay cửa . Khiến hai ba người khách phải thúc hối anh nhường đường cho họ qua.
Kim Thu đó! Kim Thu yêu dấu ngày xưa, đang ở trưóc mặt anh đây ! Em chẳng có gì thay đổi, dù đã hơn mười năm mình không gặp gỡ.
Vẫn mái tóc thề buông xỏa bờ vai thon nhỏ, vẫn vóc liễu, xương mai, vẫn nụ cười rạng rỡ trên môi, nhưng hôm nay, nụ cười ấy hàm chứa một nỗi xót xa vô bờ bến, và đôi mắt em, đôi mắt luôn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thì hôm nay là cả một trời thu u ám, Thu ơi !
Tân muốn chạy đến ôm chầm lấy cô, hôn lên đôi mắt buồn ảo não ấy, đôi mắt mà anh chưa bao giờ dám hôn, dúi đầu vào suối tóc đen tuyền ấy, để hít thở hương thơm bồ kết mà cô thường gội khi xưa, và để nói lên những lời yêu thương, nhung nhớ chất chứa trong lòng suốt mười năm qua.
Anh thẫn thờ bước hẳn vào bên trong, như một kẻ không hồn, đôi kính đen, phần nào giúp che dấu tâm trạng bối rối lúc này.
-Ông cần chi ạ ?
Câu hỏi của Thu lôi anh ra khỏi tình trạng hôn mê giữa ban ngày. Ôi! Tiếng nói thân thương, êm ái đó đang gần gũi sát một bên anh, mà sao như muôn trùng diệu vợi ! Những âm thanh nghe mơ hồ, lãng đãng văng vẳng vọng đến từ một dĩ vãng mờ xa nào đó, gợi nhớ biết bao kỷ niệm ngọt ngào, đầm ấm mà anh đã một thời được sống và được yêu !
-Tôi có thể giúp gì cho ông, thưa ông !
Thấy người khách không trả lời, nàng lập lại câu hỏi một lần nữa, làm Tân lúng túng, toan lên tiếng đáp lại. Nhưng anh kềm chế được, và thực hiện như những gì sắp đặt trước khi đến đây, anh nói với cô bằng tiếng Anh :
-Xin lỗi, tôi không biết bà nói gì !
-Thế ông không phải là người Việt Nam sao ?
-Không, thưa bà, tôi là người Tàu.
-Hèn chi ông trông rất giống người đồng hương của chúng tôi quá. Tôi có thể giúp gì cho ông ạ !
-Tôi cần mua một gói thuốc lá thôi ! Cám ơn bà ! Bà Tử tế quá !
Tân rảo bước trong tiệm nhưng mắt vẫn nhìn về hướng Thu đang ngồi tính tiền. Nhờ cái kính đen, nên không ai biết anh đang nhìn đâu.
Đau đớn chua xót nào bằng, người mình yêu thương, quý mến đang sờ sờ trước mặt, mình lại phải giả bộ ngó lơ.
Tân biết, anh chỉ cần với tay ra, Thu có thể bỏ hết mọi thứ để đến bên anh.Nhưng một chút lương tri và liêm sỉ còn sót lại, đã nhắc nhở anh rằng :
“…Tân ơi !Mày không được quyền làm như thế. Hãy coi như số mệnh an bài.Mày với Thu đã không có duyên nợ với nhau.Thì đừng làm khổ nhau thêm nữa. Trong tim cô ấy, chắc chắn vẫn còn hình bóng của mày, nhưng là một thằng Tân đã chết, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Mày hãy nghĩ đến cuộc sống hiện tại của Thu và người chồng của cô ấy. Anh ta sẽ ra sao khi mày xuất hiện ? Mày hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh trái ngang của người ta xem mày sẽ có cảm nghĩ như thế nào ! Mày chỉ ước mong được một lần gặp lại cô ấy. Bây giờ mày đã thỏa mãn rồi, còn gì mà không ra tính tiền gói thuốc và trở về với căn gác xép cô đơn của mày đi…”
Tân quay trở lại quầy tính tiền, anh đứng thật gần, quan sát Thu thật kỹ, nhưng cô thì hoàn toàn không biết là anh đang chăm chú nhìn cô!
Anh cố gắng thu nhận một lần cuối khuôn mặt duyên dáng, kiều diễm đã từng chập chờn trong những giấc mơ của anh, hơn mười năm qua.
Bên cạnh máy tính tiền là một phong bì dầy cộm, cái phong bì do chính anh gửi.Trong đó chứa đựng những lá thư cô viết cho anh hơn mười năm trước, mà anh mới hoàn trả lại cô tuần vừa rồi.
Nhìn thấy cái phong bì ấy, tại chính nơi cô làm việc, anh biết rằng cô vẫn còn yêu anh tha thiết đến chừng nào.
“…Thu ơi ! Thôi mình đành xa nhau.Em hãy yên vui với bổn phận, với cuộc sống hiện tại. Đừng bao giờ nghĩ về anh nữa em ạ ! Với em , anh đã không còn hiện hữu trên cõi đời này, thì đừng tiếc nuối, nhớ thương làm chi em nhé. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp vô cùng đối với anh.Cám ơn em, nếu không có những kỷ niệm dấu yêu ấy, nếu không có bóng hình dịu hiền của em. Chưa chắc anh đã vượt qua được những gian truân trong cuộc sống, để tồn tại đến ngày hôm nay. Bóng hình của em là nguồn an ủi vô biên khi anh rơi vào những giây phút cực kỳ vô vọng của kiếp đời tù tội. Kỷ niệm của chúng ta là ngọn lửa thắp sáng niềm tin trong anh, giữa đêm trường tăm tối, và tình yêu ấy là nguồn thực phẩm nuôi dưỡng anh, vượt qua bao nghiệt ngã cuộc đời!Nhưng, khi anh đứng vững được trên đôi chân của mình, thì cũng chính là lúc anh mất em vĩnh viễn. Bây giờ mình gần nhau trong gang tấc, mà cách xa ngàn trùng. Anh chỉ cần dơ tay ra là nắm được bàn tay em trao gói thuốc cho anh. Ôi! Bàn tay nõn nà, với những tháp bút xinh xắn mà anh từng nâng niu, ve vuốt … nhưng anh không đủ can đảm làm điều đó Thu ơi ! Em đừng giận hờn vì anh đã lừa dối em.Cũng chỉ muốn em được sống yên ổn với gia đình mà thôi !Tất cả đã lỡ làng rồi Thu ạ !Cầu mong hình ảnh của anh sẽ sớm mờ phai trong em. Vĩnh biệt em… ”
Tân biết rằng đây là lần cuối cùng, anh gặp cô.Và cũng kể từ nay, mối tình thiên thần, trong trắng ngây thơ ngày xưa của anh với cô, đã thật sự chấm dứt.
Tân thẫn thờ bước ra khỏi cửa tiệm, những bước chân của một kẻ mộng du. Ngay giữa trưa hè nắng cháy, mà bầu trời dường như tối sầm trong mắt anh, gió biển mang hơi nước mằn mặn đầu môi. Nước biển hay là những giọt lệ khóc cho một cuộc tình không trọn vẹn ? Anh lại lỡ một chuyến đò…


Thủy Gia Trang
Trung Mỹ
Những ngày vào Hạ 2009